Các Hiệp hội ngành, nghề

Giá cà phê Việt Nam sẽ đắt nhất thế giới?

Nguyễn Huyền 07/12/2023 - 17:52

Tại Hội nghị Cà phê Quốc tế Châu Á (Coffee Outlook) lần thứ 27 vừa tổ chức trở lại tại TP.Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Vicofa khẳng định: “giá cà phê Việt Nam sẽ tăng ít nhất đến hết tháng 4/2024, trước khi Indonesia vào vụ mới và có thể sẽ đắt nhất thế giới trong năm 2024”.

164a3516-6636.jpg
Giá cà phê Việt Nam sẽ tăng ít nhất đến hết tháng 4/2024, trước khi Indonesia vào vụ mới.

Sau 3 năm bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, năm nay Coffee Outlook được tổ chức trở lại, hội nghị thu hút sự tham gia của hơn 150 đại biểu từ Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), các tập đoàn tham gia vào các lĩnh vực sản xuất, chế biến, kinh doanh xuất nhập khẩu cà phê của Việt Nam cũng như quốc tế, các chuyên gia nhận định thị trường, các chuyên gia đến từ các tổ chức chứng nhận và phát triển bền vững.

Năm 2023, lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam có thể giảm 15% so với cùng kỳ

Phát biểu tại Coffee Outlook, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết, niên vụ cà phê 2022-2023 ở các nước sản xuất cà phê châu Á và thế giới đã kết thúc. Đây là một niên vụ nhiều khó khăn và thách thức đối với người nông dân, các tập đoàn tham gia vào chuỗi các lĩnh vực: Sản xuất, chế biến, cung ứng dịch vụ và kinh doanh xuất nhập khẩu cà phê. Tuy vậy, theo số liệu của ICO, tổng sản lượng cà phê trên toàn cầu đạt 171,3 triệu bao (bao 60 kg) tăng 1,7% so với niên vụ trước.

nguyen-nam-hai-chu-tich-vicofa-3212.jpg
Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa)

Trong niên vụ vừa qua, toàn cầu xuất khẩu được 110,8 triệu bao, giảm 5,5% so với niên vụ 2021-2022. Xuất khẩu cà phê hòa tan đạt 11,47 triệu bao 5,7% so với niên vụ trước. Xuất khẩu cà phê hạt rang 0,71 triệu bao giảm 16% so với niên vụ trước.

Riêng Việt Nam, trong 11 tháng đầu năm 2023 đã xuất khẩu gần 1,4 triệu tấn, giảm gần 13% so với cùng kỳ năm 2022, khả năng sản lượng cà phê xuất khẩu trong năm 2023 giảm 15%. Tổng kim ngạch xuất khẩu trên dưới 3,5 tỷ USD, đã giảm trên 13% so với cùng kỳ của năm 2022. Với tốc độ xuất khẩu như hiện nay khả năng kết thúc năm 2023 xuất khẩu cà phê sẽ giảm từ 14-15% so với năm 2022.

Biến đổi khí hậu cùng với những diễn biến khắc nghiệt của thời tiết ảnh hưởng rất lớn đến năng suất kéo sản lượng cà phê toàn cầu giảm xuống. Vụ cà phê mới Việt Nam đã thu hoạch được trên, dưới 50% sản lượng, một số vùng thu hoạch muộn do thời tiết diễn ra phức tạp và mưa nhiều. Dự báo sản lượng cà phê niên vụ này giảm nhiều so với dự kiến trước đây của Vicofa, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và chuyển đổi cây trồng.

Giá mua cà phê 64.000 đồng/kg, mức giá chưa từng có vào đầu vụ

Ở góc nhìn của Phó Chủ tịch Vicofa cũng là Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Intimex group – công ty xuất khẩu cà phê hàng đầu Việt Nam, ông Đỗ Hà Nam cho biết, kết thúc niên vụ cà phê 2022-2023, về cơ bản là một năm vui của người nông dân cũng như ngành xuất khẩu cà phê, nhưng là một năm không vui cho nhiều nhà xuất khẩu Việt Nam.

do-ha-nam-7242.jpg
Ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Vicofa

Nhận định về niên vụ cà phê 2023-2024 và xu hướng xuất khẩu, dẫn các số liệu tạm thời của Vicofa, ông Nam ước sản lượng cà phê xuất khẩu niên vụ này sẽ giảm xuống còn 1,4 triệu tấn, đặc biệt thời điểm sau Tết Âm lịch tháng 2/2024.

Một vấn đề quan trọng của Việt Nam là không còn hàng tồn kho, trong khi thông thường trước đây hàng tồn kho có từ 150.000-200.000 tấn, nhưng năm nay Việt Nam thiếu hẳn nguồn hàng này, báo hiệu một tình trạng rất không bình thường trong thời gian tới đối với ngành cà phê Việt Nam.

Đầu vụ, các sản phẩm cà phê nhân được chào bán khoảng 60.000 đồng/kg, giao từ tháng 12/2023 đến tháng 1/2024 cao hơn nhiều so với vụ trước đó, do nhu cầu mua lớn của các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI (giao bù hàng trễ hàng từ vụ cũ). Dự kiến mức giá này sẽ còn tiếp tục tăng đến tháng 4/2024, do người dân sẽ hạn chế bán ra. Mặt khác, giá sàn London vẫn đang giữ được mức cao trên 2.400 USD/tấn

“Trong lịch sử ngành cà phê đến giờ mới có, không chỉ doanh nghiệp Việt Nam mua cà phê non (tức là mua trước khi thu hoạch) mà có khá nhiều các doanh nghiệp FDI cũng đã mua trước với một lượng hàng khá lớn. Trước tháng 11/2023, giá mua vào lên đến 64.000 đồng/kg, hiện nay giá cà phê vẫn ở mức 60.000 đồng/kg. Đây là mức giá chưa từng có vào đầu vụ và ở Việt Nam chưa bao giờ có giá cao như vậy”, ông Nam nói.

Lo mua không được hàng nên doanh nghiệp Việt Nam không dám bán xa

Giá cà phê trên sàn London hiện rất cao từ 2.400-2.500 USD/tấn, cộng với các khoản phí… thì giá cà phê Việt Nam đang rất cao và nông dân cũng đang đẩy giá lên nên giá nội địa sẽ không xuống dưới 60.000 đồng/kg, nếu doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh mua vào để thực hiện các hợp đồng đã ký hoặc đầu cơ tích trữ thì giá cà phê nội địa sẽ tiếp tục lên hơn nữa.

“Có một điều mà chúng tôi thật sự lo lắng, nếu tháng 6/2023 hầu như không còn hàng để mua trừ hàng tồn kho, thì năm nay Vicofa dự báo có thể vào tháng 5/2024, thậm chí tháng 4/2024, Việt Nam sẽ không còn hàng để mua. Đây là vấn đề rất mới và rất nguy hiểm", ông Nam nhận định.

Phó Chủ tịch Vicofa nêu vấn đề, nếu giá sàn London tiếp tục tăng thì giá cà phê Robusta của Việt Nam sẽ như thế nào, trong khi châu Âu rất cần loại cà phê này để pha chế theo công thức và như phát biểu của một doanh nghiệp đến từ châu Âu “mặc dù có một số ít nước vào vụ giống như Việt Nam nhưng thực ra lượng hàng đó không đáng kể, vì vậy châu Âu đang trông cậy vào cà phê Việt Nam”.

Qua đó cho thấy, châu Âu gần như hoàn toàn trông cậy vào cà phê Robusta của Việt Nam, ít nhất là từ nay đến hết tháng 4/2024, và có nhiều tập đoàn châu Âu đang rất lo lắng về việc này.

“Nếu như tất cả dồn hết vào thị trường Việt Nam thì từ nay đến hết tháng 4/2024, mọi người chỉ mua cà phê Việt Nam sẽ khiến nguồn cung trở nên rất căng thẳng. Như vậy, giá cà phê Việt Nam sẽ tăng ít nhất đến tháng 4/2024, trước khi Indonesia vào vụ mới và có thể sẽ đắt nhất thế giới trong năm 2024.

Nguyễn Huyền