Doanh nghiệp

Kinh doanh khó khăn, nhiều doanh nghiệp hạ chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận năm 2023 vào “phút chót”

Đinh Thơm 08/12/2023 - 10:43

Mặc dù tình hình kinh doanh trong quý IV/2023 có dấu hiệu cải thiện song vẫn không khả quan như kỳ vọng. Đây cũng là lý do khiến nhiều doanh nghiệp phải hạ chỉ tiêu doanh thu, lợi nhuận năm 2023 ngay thời điểm chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa sẽ hết năm.

loi-nhuan-1-4349.jpg

Sau nửa đầu năm 2023 kinh doanh không thuận lợi, nhiều doanh nghiệp đặt kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ khá lên trong nửa cuối năm. Tuy nhiên, theo dữ liệu của SSI Research, quý III/2023, tổng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp niêm yết giảm 5% so với cùng kỳ sau khi liên tục ghi nhận mức giảm mạnh hai chữ số trong 3 quý trước. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, tổng lợi nhuận của các doanh nghiệp giảm 15,8% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù tình hình kinh doanh trong quý IV/2023 có dấu hiệu cải thiện, song kết quả kinh doanh tháng 10 và 11 của hầu hết các doanh nghiệp vẫn không khả quan như kỳ vọng. Đây cũng là lý do khiến nhiều doanh nghiệp phải điều chỉnh giảm các chỉ tiêu kinh doanh năm 2023 ngay thời điểm chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là hết năm.

Nhiều doanh nghiệp “họ” dầu khí hạ chỉ tiêu lợi nhuận

Gần đây nhất, Tổng công ty Gas Petrolimex - CTCP (mã PGC) ngày 5/12 đã họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) bất thường thông qua việc điều chỉnh giảm chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế từ 168 tỷ đồng về còn 135 tỷ đồng, tương đương giảm gần 20% so với kế hoạch đã được ĐHĐCĐ thường niên 2023 thông qua.

Theo lý giải của doanh nghiệp, 9 tháng đầu năm 2023, kinh tế thế giới gặp nhiều ảnh hưởng từ chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ và EU, xung đột Nga-Ukraine, biến động giá nhiên liệu… làm giảm tốc độ phát triển toàn cầu và gây ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu của Việt Nam.

Trên thị trường khí, giá tham chiếu biến động mạnh và liên tục trong 9 tháng đầu năm 2023, với biên độ lớn và khó dự đoán. Điều này gây thiệt hại lớn về chênh lệch hàng tồn kho, tạo khó khăn cho việc đảm bảo nguồn hàng cho nhóm kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), trong đó có PGC.

Ngoài ra, sự cạnh tranh từ các nguồn nhiên liệu thay thế diễn ra mạnh mẽ, cũng như cạnh tranh từ chính các doanh nghiệp trong ngành sản xuất và phân phối LPG cũng gây ảnh hưởng đến sự tăng trưởng sản lượng kinh doanh gas của PGC.

pvgas-6825.png
Kế hoạch kinh doanh năm 2023 trước và sau điều chỉnh của Tổng công ty Gas Petrolimex

Tương tự, một doanh nghiệp “họ” dầu khí khác là Công ty CP Vận tải và Dịch vụ Petrolimex Hải Phòng (mã PTS) mới đây cũng có nghị quyết lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2023. Theo đó, từ ngày 11-25/12, công ty sẽ tổ chức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản để thông qua điều chỉnh giảm mục tiêu tổng doanh thu xuống gần 399 tỷ đồng, giảm 16% so với kế hoạch cũ (477 tỷ đồng); lãi trước thuế cũng điều chỉnh giảm tới 95% còn 0,5 tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ năm 2013. Mức cổ tức cũng được điều chỉnh giảm từ 8% còn 2%.

PTS cho biết, việc điều chỉnh kế hoạch căn cứ vào kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của công ty và dự báo thị trường các tháng cuối năm. Cụ thể, doanh thu 9 tháng chỉ đạt 92 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ; biên lãi gộp thu hẹp còn 8% (từ mức 12% cùng kỳ), là nguyên nhân chính khiến công ty lỗ ròng gần 2 tỷ đồng. Tính chung 9 tháng, con số lỗ giảm còn 779 triệu đồng, nhờ quý đầu năm có lãi.

Cũng theo lý giải của PTS, nguồn hàng của công ty thời gian qua giảm nhiều, tàu phải nằm chờ không dài ngày ảnh hưởng nhiều đến kết quả kinh doanh. Hoạt động của đội tàu ven biển không đạt hiệu quả, nguồn hàng khai thác hoạt động vận tải biển thiếu hụt do Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn dừng hoạt động để bảo trì trong 55 ngày.

Trước đó, hồi giữa tháng 11/2023, Tổng công ty Hóa dầu Petrolimex (mã PLC) đã thông qua nghị quyết về việc điều chỉnh mục tiêu doanh thu năm 2023 giảm 5,7% so với kế hoạch đầu năm xuống còn 8.396 tỷ đồng. Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận sau thuế dự kiến cũng giảm 30% so với kế hoạch ban đầu, còn lần lượt là 140 tỷ đồng và 112 tỷ đồng.

Lợi nhuận nhóm doanh nghiệp xuất khẩu khó về đích

Khó khăn trong việc đạt được chỉ tiêu kinh doanh đặt ra cho năm 2023 cũng là câu chuyện chung mà nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đang gặp phải trong bối cảnh các đơn hàng xuất khẩu sụt giảm.

Cuối tháng 11/2023, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) đã công bố nghị quyết điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023. Theo đó, “anh cả” của ngành dệt may điều chỉnh giảm 39% lợi nhuận hợp nhất năm 2023 so với mục tiêu được ĐHĐCĐ thường niên 2023 thông qua, chỉ còn 370 tỷ đồng. Doanh thu hợp nhất cũng điều chỉnh giảm 5,7% từ mức 17.500 tỷ đồng xuống còn 16.500 tỷ đồng.

Việc điều chỉnh này căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh 9 tháng đầu năm (doanh thu thuần đạt 12.187 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 198 tỷ đồng, giảm lần lượt 14,2% và 81,6% so với cùng kỳ) và dự báo thị trường các tháng cuối năm không được như kỳ vọng khi tình hình đơn hàng quý IV của đa số các đơn vị thuộc Vinatex chưa đủ.

vgt-4743.png
Kế hoạch doanh thu, lợi nhuận của Vinatex trước và sau điều chỉnh

Ở nhóm doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản, Công ty CP Thực phẩm Sao Ta (mã FMC) đã điều chỉnh giảm mục tiêu tổng doanh thu năm 2023 xuống mức 4.870 tỷ đồng và lãi trước thuế còn 300 tỷ đồng, giảm lần lượt 17% và 25% so với kế hoạch ban đầu. So với thực hiện năm trước, mục tiêu lợi nhuận này cũng thấp hơn 6%.

Trong lĩnh vực thép, Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSteel - TVN) đã thông qua điều chỉnh giảm mục tiêu lợi nhuận trước thuế của công ty mẹ từ mức 52 tỷ đồng, xuống còn 1 tỷ đồng sau khi thua lỗ gần 200 tỷ đồng 9 tháng đầu năm 2023.

Ở một số nhóm doanh nghiệp khác, việc điều chỉnh chỉ tiêu kinh doanh trong tháng cuối cùng của năm cũng không phải là chuyện hiếm. Chẳng hạn, Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) thông báo ngày 13/12 tới sẽ là ngày cuối cùng lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2023. Theo phương án, Vissan sẽ điều chỉnh mục tiêu doanh thu và lợi nhuận năm 2023 còn 3.430 tỷ đồng và 138 tỷ đồng, giảm 16% mục tiêu doanh thu và 24% mục tiêu lợi nhuận trước thuế so với kế hoạch cũ.

Việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh của Vissan diễn ra giữa bối cảnh sản lượng bán hàng của công ty không đạt kỳ vọng. Sức mua của người tiêu dùng yếu đi khi nền kinh tế khó khăn đã ảnh hưởng trực tiếp đến những doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thực phẩm như Vissan.

Tổng Công ty CP Y tế Danameco thậm chí còn điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận năm 2023 thành lỗ trước thuế 41,5 tỷ đồng, trong khi kế hoạch đặt ra trước đó là lãi trước thuế 17,5 tỷ đồng. Chỉ tiêu doanh thu cũng giảm 23% so với kế hoạch ban đầu, còn 269 tỷ đồng. Tuy nhiên, sang năm 2024, công ty dự kiến sẽ có lãi trở lại với mức lợi nhuận trước thuế dự kiến khoảng 17,5 tỷ đồng và doanh thu dự kiến gần 351 tỷ.

Đinh Thơm