Các Hiệp hội ngành, nghề

Cần đến 600 triệu USD để thực hiện đề án “1 triệu ha lúa chất lượng cao”, nguồn tiền lấy từ đâu?

{Tên tác giả} 08/12/2023 - 15:18

Nguồn kinh phí phục vụ cho đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao dự kiến lên đến 600 triệu USD, để có đủ số tiền này, Bộ NNPTNN đã huy động tài chính từ các nguồn, như: Ngân hàng Thế giới (WB), ngân sách nhà nước, các quỹ chống biến đổi khí hậu...

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Tổng kinh phí đề án dự trù lên tới 600 triệu USD

Ngày 27/11, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1490/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Đề án thể hiện sự cam kết của Chính phủ Việt Nam với quốc tế trong việc giảm phát thải khí nhà kính.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) được giao nhiệm xây dựng kế hoạch triển khai, phối hợp với các địa phương, các hiệp hội ngành hàng lúa gạo triển khai thực hiện hiệu quả, thành công đề án này.

Nguồn kinh phí phục vụ cho đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao dự kiến lên đến 600 triệu USD, để có đủ số tiền này, Bộ NNPTNN đã huy động tài chính từ các nguồn, như: Ngân hàng Thế giới (WB), ngân sách nhà nước, các quỹ chống biến đổi khí hậu, …

Ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ NNPTNT cho biết, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Phát triển bền vững một triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 (đề án).

hoang-trung-1536.jpg
Ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (NN-PTNT)

“Tổng kinh phí cho đề án dự kiến lên đến khoảng 600 triệu USD, trong đó, nguồn ngân sách dành cho đề án dự kiến khoảng 100 triệu USD, các quỹ chứng chỉ carbon cũng như quỹ biến đổi khí hậu và quỹ viện trợ không hoàn lại khoảng 40 – 50 triệu USD.

Bên cạnh đó, có các cam kết khác từ các doanh nghiệp, các hiệp hội cùng đồng hành thực hiện với bộ và đặc biệt là 12 tỉnh tham gia thực hiện đề án. Hiện nay Chính phủ đang đàm phán với Ngân hàng Thế giới về chủ trương đồng ý cho Việt Nam vay từ 350 – 400 triệu USD để thực hiện đề án này”, ông Hoàng Trung nói.

Theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục trồng trọt, Bộ NNPTNT, mục tiêu của đề án là hình thành một triệu ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.

Đề án sẽ được triển khai tại 12 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với diện tích khoảng 1 triệu ha, gồm: An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp, Long An, Sóc Trăng, Cần Thơ, Bạc Liêu, Trà Vinh, Hậu Giang, Cà Mau, Tiền Giang và Vĩnh Long, thực hiện trong hai giai đoạn.

Tập trung huy động tất cả các nguồn lực xã hội

Ông Hoàng Trung cho biết thêm, hiện nay Bộ NNPTNT đàm phán cơ bản xong để Ngân hàng Thế giới cho vay từ 350-400 triệu USD, còn về phía Việt Nam có Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Hiệp hội Thuốc bảo vệ thực vật và Tập đoàn PAN cũng đã ký kết cùng tham gia thực hiện chương trình này. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã có cam kết sẽ ký vào hợp tác với trách nhiệm rất cụ thể.

“Trong việc huy động nguồn lực tài chính phục vụ cho đề án, từ trước đến nay chưa có đề án nào nhận được sự quan tâm của dư luận, xã hội và các tổ chức quốc tế, các tổ chức tài chính quốc tế như đề án này. Tất nhiên ở đây chúng ta cần hiểu điều kiện của Việt Nam còn nhiều khó khăn nên nguồn lực tài chính còn hạn chế", ông Trung nói.

Trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, Bộ NNPTNT đã đưa ra các nhiệm vụ cụ thể, xác định nhiệm vụ nào của bộ, nhiệm vụ nào của địa phương, nhiệm vụ chung và nhiệm vụ của doanh nghiệp để cùng thực hiện, đảm bảo thành công và hiệu quả.

“Trong điều kiện cụ thể của Việt Nam, chúng ta tập trung các nguồn lực từ quốc tế, từ tư nhân, người dân, địa phương và Chính phủ. Tôi tin tưởng với sự nhận thức đúng đắn, cùng sự đồng lòng vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chúng ta sẽ thực hiện thành công Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng này”, lãnh đạo Cục Trồng trọt nói.