Chính sách mới

Đề xuất tăng mức phạt tiền với vi phạm trong lĩnh vực giá, phí, lệ phí, hóa đơn để đảm bảo tính răn đe

Minh Nhật 09/12/2023 08:45

Bộ Tài chính cho rằng qua rà soát, đánh giá, có một số hành vi vi phạm về quản lý giá nếu không áp dụng mức phạt cao hơn thì không đảm bảo tính răn đe, dẫn đến tình trạng các tổ chức, cá nhân sẵn sàng chịu phạt.

vi-pham-quy-dinh-quan-ly-gia.jpg

Điều chỉnh tăng mức phạt tiền để đảm bảo tính răn đe

Bộ Tài chính cho biết, thực tế triển khai Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn và Nghị định số 49/2016/NĐ-CP ngày 27/5/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 109/2013/NĐ-CP, quy định ghép 3 mảng lĩnh vực chính sách về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá, phí, lệ phí, hóa đơn cũng phát sinh khó khăn nhất định trong việc tra cứu áp dụng. Một mặt khác các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá cần phải sửa đổi, hoàn thiện theo hệ thống Luật giá cho phù hợp, trong đó một số hành vi cần điều chỉnh mức phạt còn thấp để đảm bảo tính răn đe.

Do vậy, việc xây dựng Nghị định là cần thiết phù hợp với thực tế phát sinh trong lĩnh vực giá và thẩm định giá. Việc ban hành Nghị định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá nhằm đảm bảo phù hợp với Luật giá số 16/2023/QH15 và các văn bản hướng dẫn; Luật xử lý vi phạm hành chính góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giá và thẩm định giá.

Bộ Tài chính cho rằng, qua rà soát đánh giá cho thấy, đối với một số hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng quỹ bình ổn giá…, nếu không áp dụng mức phạt cao hơn hoặc mức phạt tối đa thì không đảm bảo được tính răn đe, chưa tương xứng với hậu quả thiệt hại gây ra. Điều đó dẫn đến tình trạng tuy không phổ biến nhưng với những lợi ích có được, các tổ chức, cá nhân sẵn sàng chịu phạt. Vì vậy, đồng bộ với việc điều chỉnh tăng mức xử phạt đối với hành vi này là các quy định về khắc phục hậu quả và áp dụng hình thức xử phạt bổ sung.

Tương tự như vậy, nhóm hành vi vi phạm quy định về mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp và trích lập dự phòng rủi ro nghề nghiệp, gồm: Hành vi không mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho hoạt động thẩm định giá đồng thời trích lập dự phòng rủi ro nghề nghiệp không đúng mức trích lập theo quy định (tăng mức phạt từ cảnh cáo hoặc phạt tiền 500.000 đồng đến 1 triệu đồng lên mức phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng); hành vi không mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho hoạt động thẩm định giá đồng thời không trích lập dự phòng rủi ro nghề nghiệp theo quy định (tăng mức phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng lên mức từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng), nhằm bảo đảm tính răn đe và ngăn ngừa hành vi vi phạm.

Phạt tiền với nhóm hành vi bổ sung mới

Dự thảo đề xuất nhóm hành vi bổ sung mới gồm:

Nhóm hành vi vi phạm khác trong quản lý, điều tiết giá: hành vi loan tin, đưa tin không đúng sự thật về tình hình thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ gây tâm lý hoang mang trong xã hội và bất ổn thị trường; hành vi gian lận, thông đồng về giá bằng cách thay đổi nội dung đã cam kết mà không thông báo trước với khách hàng về thời gian; địa điểm; điều kiện mua, bán; chất lượng hàng hóa, dịch vụ tại thời điểm giao hàng, cung ứng dịch vụ; hành vi lợi dụng tình trạng khẩn cấp, sự cố, thảm họa, thiên tai, dịch bệnh tăng giá bán hàng hóa, dịch vụ không phù hợp với biến động của giá thành toàn bộ so với điều kiện bình thường nhằm trục lợi; hành vi câu kết, thỏa thuận để làm sai lệch mức giá hàng hóa, dịch vụ nhằm vụ lợi, trục lợi; thông đồng về giá nhằm trục lợi.

Nhóm hành vi vi phạm quy định về công khai thông tin trong thẩm định giá: Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng đối với hành vi công khai không đầy đủ các thông tin về thẩm định giá theo quy định; phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện công khai thông tin về thẩm định giá theo quy định.

Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với hành vi ký chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá không đúng với lĩnh vực chuyên môn, thông báo của cơ quan nhà nước về lĩnh vực được phép hành nghề; ký chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá khi không đáp ứng các điều kiện đăng ký hành nghề thẩm định giá theo quy định.

Phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng đối với hành vi lập hoặc phát hành khống chứng thư thẩm định giá, báo cáo thẩm định giá, các tài liệu liên quan đến hoạt động thẩm định giá theo quy định của Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam.

Được biết, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý rộng rãi với dự thảo 2 Nghị định này.

Minh Nhật