Chuẩn bị tâm lý cơ cấu ETFs và cuộc họp của FED
2 tuần tăng điểm đã giúp VN-Index trở lại với xu hướng tăng dài hạn. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại cũng cận kề phiên cơ cấu của các quỹ ETFs ngoại lẫn cuộc họp của FED.
Định vị thị trường
Vẫn có những điểm tương đồng giữa vận động của thị trường Việt Nam và chứng khoán khu vực. Nếu như các chỉ số chứng khoán NIKKEI 225 (+1,5%), KOSPI (+0,3%), TWSE (+0,2%), SHCMP (+0,74%) cùng tăng điểm thì VN-Index cũng đóng cửa trong sắc xanh. Tuy nhiên, biên độ của chỉ số VN-Index không thực sự tạo ra sự cải thiện rõ rệt khi thị trường tuần này sẽ có phiên cơ cấu cuối cùng của 2 quỹ ETFs vào ngày thứ Sáu và gần hơn là kết quả cuộc họp của FED.
Chất xúc tác
Hoạt động trên thị trường mở và vận động tỷ giá không còn tạo được sự chú ý cho nhà đầu tư như các tháng quý III/2023. Ngân hàng Nhà nước với tuần tất toán hết toàn bộ lượng tín phiếu lưu hành đã bơm ròng gần 15 nghìn tỷ đồng vào hệ thống, qua đó có tuần bơm ròng thứ 5 liên tiếp.
Xáo trộn về lãi suất liên ngân hàng gần như không xuất hiện. Kỳ hạn qua đêm với quy mô giao dịch lớn nhất giữ nguyên mức lãi suất 0,2%. Trong khi đó, tỷ giá trung tâm vẫn được duy trì dưới mức 24.000 VND/USD.
Gần như các biến số tác động chính tới dòng tiền trên thị trường chứng khoán đều đã có sự thuận lợi. Việc thanh khoản trồi sụt đang chịu ảnh hưởng của yếu tố tâm lý ngắn hạn. Cụ thể là phiên cơ cấu cuối cùng của 2 quỹ ETFs ngoại vào ngày thứ Sáu. Ngoài ra, thị trường cũng thường xuyên có nhiễu từ các cổ phiếu lớn trong khoảng 1 tuần trước phiên đáo hạn phái sinh (21/12).
Theo thống kê, khối ngoại lại bán ròng tiếp hơn 400 tỷ đồng trên HOSE với VCB (-140 tỷ đồng), FUEVFVND (-103,5 tỷ đồng), STB (-65,85 tỷ đồng).
Vận động thị trường
Cổ phiếu VHM đã bị khối ngoại bán ròng liên tiếp trong 6 tuần vừa qua vẫn có phiên bị rút tiền gần 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, quy mô bán nhỏ đã tạo điều kiện cho VHM tăng 3,4%.
Còn VIC đã được mua ròng gần 20 tỷ đồng cũng tăng ngay 2,6%. Các mã này có sự kết hợp với MSN (+2%), GVR (+1,5%) để cân bằng lại hết áp lực rung lắc được tạo ra từ BID (-1,2%), STB (-1,2%), VPB (-1%).
Được biết, CEO của Tập đoàn NVDIA đang có buổi làm việc với 3 công ty Công ty CP FPT (FPT), Tập đoàn Vingroup (VIC) và Viettel trong ngày 11/12.
Dù có những thông tin tích cực cũng như sự dẫn dắt của các cổ phiếu lớn nhưng thị trường lại ghi nhận phiên thứ 2 giao dịch dưới mức bình quân 20 phiên. Đây chưa phải dấu hiệu cảnh báo nhưng lại cho thấy có những cản trở vô hình khiến cho nhà đầu tư không có sự quyết đoán trong giao dịch.
Độ rộng của HOSE có tới 50% mã giảm giá trong đó có các cổ phiếu Thép, Bất động sản như GEX (-1,28%), PDR (-3,14%), DIG (-1,5%), DXG (-3,25%), HSG (-1,81%), NKG (-0,21%), TCH (-1,16%).
Nhóm Chứng khoán vốn luôn có tính nhạy cảm nhất trên thị trường có sự phân hóa nhẹ với VND (+1,15%), HCM (+3,23%), VCI (+1,44%) trái chiều VIX (-0,58%). Mã HAG (+7%) lại trở thành trường hợp cá biệt tại nhóm Nông nghiệp với phiên tăng trần.
Chốt phiên, VN-Index tăng 1,06 điểm lên 1.125 điểm (+0,09%). Tổng giá trị giao dịch của sàn đạt 700,59 triệu đơn vị, tương đương 14.651 tỷ đồng.
2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index biến động trái chiều trong biên độ hẹp, tăng 0,07% và giảm 0,27%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 2.000 tỷ đồng.