Các Hiệp hội ngành, nghề

Gạo Việt Nam thiết lập 2 kỷ lục về khối lượng và kim ngạch xuất khẩu

Nguyễn Huyền 12/12/2023 - 15:30

Lũy kế 11 tháng năm 2023, xuất khẩu gạo đạt hơn 7,6 triệu tấn, với kim ngạch 4,33 tỷ USD, nhiều khả năng xuất khẩu gạo sẽ đạt và vượt 8 triệu tấn trong năm nay.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Số liệu thống kế mới nhất của Tổng cục Hải quan cho biết, kim ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 11/2023 đạt 600.481 tấn, trị giá 400,345 triệu USD, so với tháng trước giảm 5% về khối lượng và giảm 1,6% về trị giá. Lũy kế 11 tháng của năm 2023, xuất khẩu gạo đạt 7,638 triệu tấn, với kim ngạch 4,33 tỷ USD, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 14,5% về lượng và tăng 34,1% về kim ngạch.

Theo nhận định của một số doanh nghiệp, khối lượng gạo xuất khẩu sẽ tiếp tục giảm các tháng tới, do năm nay giá gạo trên thị trường quá tốt nên các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, dẫn đến lượng tồn kho cuối năm khá mỏng và do đồng bằng sông Cửu Long vào cuối vụ thu hoạch Thu Đông, còn vụ Đông Xuân 2023-2024 vẫn chưa bắt đầu nên lượng lúa gạo hàng hóa trong dân không còn nhiều. Nguồn cung khan hiếm sẽ kéo giảm lượng gạo xuất khẩu trong các tháng cuối năm và đầu năm 2024.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, trong năm nay giá lúa quá tốt nên vụ lúa đông Xuân 2023-2024 bà con nông dân đã tranh thủ xuống giống sớm và lượng tồn kho tuy mỏng nhưng cũng còn. Mặt khác, có nhiều nhà cung ứng và doanh nghiệp mua vào lúc giá cao chưa xuất được nên vẫn còn tồn kho, nguồn lúa từ Campuchia vẫn được các thương nhân mua về nên tồn kho vẫn còn tuy không cao.

“Năm 2023, có thể nói là một năm rất thành công đối với ngành gạo và là năm mà ngành lúa gạo Việt Nam xác lập 2 kỷ lục mới đó là giá lúa gạo xuất khẩu của Việt Nam cao chưa từng có trong lịch sử ngành hàng. Thứ hai là sản lượng gạo xuất khẩu lập đỉnh 8 triệu tấn. Đây là năm đầu tiên Việt Nam xuất khẩu được 8 triệu tấn”, Phó Chủ tịch VFA nói.

Ông Nam cho biết thêm, năm nào cũng vậy lượng gạo xuất khẩu do phụ thuộc vào nguồn cung, khi lượng lúa gạo hàng hóa có hơi khan hiếm thì lượng gạo xuất khẩu sẽ giảm và sau đó chắc chắn sẽ tăng trở lại khi vụ Đông Xuân 2023-2024 thu hoạch rộ. Riêng đối với tiêu dùng nội địa chắc chắn nguồn cung sẽ rất ổn định nên không lo ngại. Tuy nhiên, do giá trong nước phải theo giá gạo xuất khẩu nên giá gạo tiêu dùng trong nước sẽ tăng hơn trước.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn cho biết, vụ Đông Xuân 2023-2024, các tác động của El Nino lên sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa nói riêng sẽ giảm xuống mức thấp nhất. Năm 2023, cả nước có trên 43 triệu tấn lúa và theo kế hoạch đến tháng 1/2024, đồng bằng sông Cửu Long sẽ có trên 1 triệu tấn lúa thu hoạch, giúp các doanh nghiệp đảm bảo các đơn hàng xuất khẩu cũng như đảm bảo vấn đề an ninh lương thực quốc gia.

Xuất khẩu gạo sang Indonesia tăng 16,32 lần về lượng và tăng 18,07 lần về kim ngạch

Xét các thị trường xuất khẩu gạo hàng đầu của Việt Nam trong 11 tháng năm 2023, Philippines vẫn duy trì là thị trường xuất khẩu gạo chủ lực của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 37,62% về lượng và chiếm tỷ trọng 36,28% về kim ngạch.

Xuất khẩu gạo sang thị trường lớn thứ hai Trung Quốc đạt 895.625 tấn, trị giá 517,627 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2022 tăng 10,85% về khối lượng và tăng 26,71% về kim ngạch nhờ giá gạo xuất khẩu tăng cao.

Thị trường đứng thứ ba là Indonesia, 11 tháng đạt 1.123.357 tấn, với kim ngạch 614, 676 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2022 tăng 16,32 lần và tăng 18,07 lần về kim ngạch, do Chính phủ Indonesia tăng cường nhập khẩu nhằm bảo đảm an ninh lương thực trong nước.

Xuất khẩu gạo sang thị trường lớn thứ tư là Malaysia, 11 tháng đạt 391.209 tấn, trị giá 201,599 triệu USD, so với cùng kỳ năm 2022 giảm 6,26% về khối lượng và nhưng tăng 6,28% về kim ngạch.

Mới đây, người đứng đầu Cơ quan Lương thực Quốc gia Indonesia (Bapanas) Arief Prasetyo Adi đã tuyên bố rằng, cơ quan này đặt mục tiêu tăng dự trữ gạo của chính phủ (CBP) lên 3 triệu tấn để duy trì an ninh lương thực theo chỉ thị của Tổng thống Joko Widodo.

“Điều này nhằm bảo đảm rằng trong bất kỳ điều kiện như biến đổi khí hậu, El Nino hay bất cứ điều gì thì chúng tôi đều có sẵn kho dự trữ để phân phối gạo ra công chúng. Vì lý do này mà Chính phủ Indonesia đang tập trung vào việc đảm bảo dự trữ (CBP) của chính phủ luôn có sẵn và đủ trên khắp Indonesia”, ông Arief nói.

Theo ghi chép của Bapanas, tính đến ngày 5/12/2023, lượng gạo tồn kho của Bulog là 1,5 triệu tấn.

Nguyễn Huyền