Đồng bằng sông Cửu Long và nỗi lo mất đi "lợi thế" thu hút vốn đầu tư trong làn sóng dịch chuyển vốn FDI
Làn sóng nhà đầu tư mở rộng thêm địa điểm sản xuất ra ngoài Trung Quốc đang ngày một trở nên rõ nét, tuy nhiên vì nhiều lý do, khu vực đồng bằng sông Cửu Long chưa thu hút được nhiều vốn FDI trong xu thế này.
Hôm nay (12/12), tại Cần Thơ, Liên Đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức công bố Báo cáo Kinh tế Thường niên đồng bằng sông Cửu Long năm 2023. Công trình nghiên cứu này là kết quả thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ giao tại Nghị quyết 57/NQ-CP năm 2022 “chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan theo dõi, đánh giá độc lập và có báo cáo định kỳ về tính tổng thể trong phát triển kinh tế - xã hội các vùng, về hiệu quả hoạt động phối hợp, liên kết vùng của từng địa phương".
Báo cáo được thực hiện bởi Liên Đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (FSPPM).
Lợi thế về môi trường kinh doanh đang dần mất đi
Theo báo cáo, trước ảnh hưởng tiêu cực của kinh tế thế giới, khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm thì với mức tăng trưởng 8%, Việt Nam là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, sự suy giảm sức cầu cả trong và ngoài nước khiến tăng trưởng của Việt Nam trong 9 tháng 2023 chỉ đạt 4,2% so với cùng kỳ.
Hệ quả là dự báo mức tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023 chỉ trên dưới 5%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 6,5% do Quốc hội đề ra. Trong trung hạn, kinh tế Việt Nam được kỳ vọng duy trì mức tăng trưởng ổn định trong khoảng 6-7% trong giai đoạn 2024-2028, theo dự báo của IMF.
Tương tự như cả nước, kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022 nhưng chậm hẳn lại trong năm 2023. Đóng góp cho sự tăng trưởng ấn tượng trong năm 2022 là sự hồi phục mạnh mẽ của khu vực công nghiệp và dịch vụ với mức tăng trưởng năm 2022 đạt 11%. Đồng thời, ngành nông nghiệp vẫn duy trì được mức tăng trường ổn định so với giai đoạn trước.
Trong những năm trở lại đây, cơ cấu GRDP của vùng ĐBSCL gần như không có sự thay đổi. Sự chuyển dịch từ khu vực I sang khu vực II và III chỉ dao động trong khoảng 1-2 điểm phần trăm. Một nguyên nhân quan trọng của tình trạng này là do ĐBSCL phải tiếp tục giữ trọng trách an ninh lương thực nên việc tái phân bổ nguồn lực, đặc biệt là đất lúa, chịu nhiều ràng buộc trong quá trình chuyển đổi.
Vòng xoáy đi xuống về nguồn nhân lực vẫn đang tiếp diễn ở ĐBSCL. Sau hai năm đại dịch với dân số tăng mạnh do lao động hồi hương, đến năm 2022, tình hình dân số vùng ĐBSCL quay về xu hướng trước đó khi người lao động bắt đầu quay trở lại vùng Đông Nam bộ. Theo Tổng cục Thống kê, trong năm 2022, dân số của ĐBSCL chỉ tăng khoảng 10.000 người.
Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên của ĐBSCL (0,55%) cũng thấp nhất trong số các vùng và thấp hơn hẳn so với mức trung bình của cả nước (9,7%). Kết hợp với mức độ già hóa dân số cao nhất nước, ĐBSCL sẽ nhanh chóng mất đi trạng thái dân số vàng chỉ trong vài năm tới.
Chất lượng lao động, thể hiện qua tỷ lệ lao động qua đào tạo của ĐBSCL tuy có cải thiện song vẫn luôn là một quan ngại lớn. Trong năm 2022, tỷ lệ này tại ĐBSCL chỉ đạt 15%, thấp hơn cả Tây Nguyên (17%) và thấp hơn nhiều so với cả nước (26%). Số lượng và chất lượng lao động thấp đã làm suy giảm đáng kể tính cạnh tranh của Vùng.
Sự phân hóa về tỷ lệ hộ nghèo giữa các tỉnh trong vùng là rất lớn. Các tỉnh công nghiệp, dịch vụ phát triển như Long An, Tiền Giang, Cần Thơ có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất, trong khi các tỉnh mạnh về nông nghiệp như Trà Vinh, Bạc Liêu, Hậu Giang, Cà Mau và Sóc Trăng có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất.
ĐBSCL đang dần mất đi lợi thế về môi trường kinh doanh (PCI). Sau một thời gian khá dài có mức PCI cao hơn mặt bằng chung thì đến năm 2021, PCI trung bình của ĐBSCL đã giảm xuống bằng mức trung bình cả nước. Đến năm 2022, PCI trung bình ĐBSCL đã thấp hơn so với cả nước. Nếu không có những nỗ lực cải thiện đúng mức, ĐBSCL vốn đã bất lợi sẽ càng trở nên thất thế trong nỗ lực thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp.
Tăng trưởng đầu tư của ĐBSCL tuy duy trì được sự ổn định, song vẫn thấp hơn so với cả nước, khiến tỷ trọng đầu tư của Vùng so với cả nước giảm từ 18,7% năm 2017 xuống còn 14,9% năm 2022. Trong giai đoạn 2017-2022, tốc độ tăng trưởng đầu tư thực trung bình của vùng đạt 5,2%.
Tuy nông nghiệp giữ vai trò quan trọng nhất trong GRDP của Vùng nhưng lại không phải là động lực chính thúc đẩy kinh tế Vùng.
Ngành này hiện tạo ra 34% GRDP của vùng, được đầu tư lớn thứ hai (khoảng 32 nghìn tỷ đồng mỗi năm) nhưng chỉ đạt tốc độ tăng trưởng dưới mức trung vị (3%). Điều này một lần nữa ngụ ý rằng thể chế và mô hình nông nghiệp hiện tại không còn nhiều không gian tăng trưởng và cần phải được thay đổi một cách cơ bản.
Thách thức của ĐBSCL
ĐBSCL giàu tiềm năng nhưng lại đang tụt hậu so với đà tăng trưởng kinh tế của cả nước. Hai thập niên trước, ĐBSCL còn đóng góp khoảng 16% GDP của cả nước thì đến nay, tỷ trọng này chỉ còn 12%. Mức độ tụt hậu của ĐBSCL so với TP. HCM còn nghiêm trọng hơn. Nếu như vào năm 2000, GRDP của TP.HCM chỉ nhỉnh hơn vùng ĐBSCL một chút, thì đến nay, GRDP của ĐBSCL chỉ xấp xỉ ¾ so với TP. HCM.
Sự tương phản giữa một quá khứ đầy triển vọng và hiện tại kém tươi sáng là ẩn ý đằng sau nhận xét “Đồng bằng đi trước về sau”. Quan trọng hơn, sự tương phản đó cho thấy ĐBSCL đang đứng trước nhiều thách thức nghiêm trọng mà nếu không được giải quyết thỏa đáng sẽ có nguy cơ đẩy vùng đất trù phú và giàu tiềm năng này ra bên lề trên hành trình phát triển của đất nước.
Tuy nhiên, sự bất định của phục hồi kinh tế, sự bất ổn của địa chính trị toàn cầu và khu vực, cùng với nội lực suy sút của nền kinh tế trong nước khiến cho quá trình phục hồi của vùng ĐBSCL tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Báo cáo cũng chỉ rõ các xu hướng cần được cân nhắc trong chiến lược phát triển của vùng trong năm 2024 cũng như trong trung hạn, gồm:
Thứ nhất, lạm phát tác động không nhỏ đến cả hai phía cung và cầu. Về phía cầu, lạm phát gây áp lực lớn lên chi phí sinh hoạt của người dân. Về phía cung, chi phí sản xuất và nguyên vật liệu đầu vào tăng, đặc biệt với ngành nông nghiệp vốn chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của các địa phương trong vùng.
Vì vậy, song hành với các chính sách kiềm chế lạm phát thì cũng cần có những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp và nông dân một cách linh hoạt và hiệu quả hơn để phù hợp với những tính chất đặc thù của Vùng.
Thứ hai, trong bối cảnh kinh tế bất định và tổng cầu tăng chậm, khả năng và nhu cầu tiếp cận vốn và tín dụng của cả khu vực doanh nghiệp và hộ gia đình đều tăng trưởng chậm lại. Điều này càng đúng hơn đối với ngành nông nghiệp, vốn là ngành có tính rủi ro cao. Vì vậy việc kéo dài các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp hậu COVID-19, hoặc ban hành các chính sách hỗ trợ thay thế mang tính bền vững, phù hợp với mục tiêu và tiềm năng của Vùng cần được ưu tiên.
Thứ ba, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào tăng trưởng thương mại. Hoạt động xuất khẩu của ĐBSCL trong năm 2022 tiếp tục khởi sắc, đặc biệt khi giá cả lương thực, thực phẩm và các sản phẩm nông nghiệp có xu hướng tăng. Trong bối cảnh nhu cầu cả quốc tế và nội địa tăng chậm, bên cạnh chính sách khuyến khích xuất khẩu, bài toán tối ưu hóa sản xuất, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp sạch và cải thiện chất lượng nông sản để mở rộng xuất khẩu sang các thị trường tiên tiến sẽ là vấn đề nổi bật trong thời gian tới.
Thứ tư, xu hướng dịch chuyển đầu tư khỏi Trung Quốc ngày càng trở nên rõ rệt. Các dự án FDI mới tăng mạnh tại Đông Nam Á và Ấn Độ, trong khi sụt giảm ở Trung Quốc. Ở ĐBSCL, cho đến nay, ngoài các dự án năng lượng thì toàn vùng ĐBSCL, trừ Long An, dường như nằm ngoài danh sách ưu tiên của các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài. Như Báo cáo thường niên 2020 và 2022 đã chỉ rõ, số lượng và chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng hệ thống cơ sở hạ tầng, chất lượng hệ thống và chi phí logistics tại ĐBSCL, khả năng kết nối trong vùng và với vùng Đông Nam Bộ là điều kiện quan trọng để thu hút vốn đầu tư tư nhân, cả trong và ngoài nước, đến với Vùng.
Thứ năm, phát triển xanh là xu hướng tất yếu của tương lai. Là vùng đồng bằng trù phú nhất cả nước, ĐBSCL cần đi tiên phong trong phát triển nông nghiệp giảm phát thải, bền vững và dẻo dai trước những biến động về môi trường và khí hậu. Để thực hiện được mục tiêu này, ĐBSCL cần ưu tiên thúc đẩy sinh kế nông nghiệp phát thải thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) kết hợp với bảo tồn đa dạng sinh học để hỗ trợ hấp thụ carbon, bảo vệ và khôi phục hệ sinh thái tự nhiên, đồng thời hỗ trợ các cộng đồng dễ bị tổn thương thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu.