Các Hiệp hội ngành, nghề

Không doanh nghiệp Việt nào trúng gói thầu 534.000 tấn gạo của Bulog

Nguyễn Huyền 14/12/2023 17:10

Các doanh nghiệp Việt Nam không trúng bất cứ gói thầu nào trong 534.000 tấn gạo 5% tấm do Cơ quan Hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) vừa mới gọi thầu.

tau-gao-1.jpg
Xuất khẩu gạo - ảnh minh họa

“Cơ quan thu mua nhà nước Indonesia (Bulog) đã bắt đầu mua gạo trong một cuộc đấu thầu quốc tế với số lượng lên tới 534.000 tấn, loại gạo 5% tấm trắng hạt dài. Nguồn cung kỳ vọng đến từ các nước: Thái Lan, Việt Nam, Myanmar, Pakistan và Campuchia. Hạn chót nhận hàng của gói thầu này vào ngày 30/1/2024”, theo Reuter.

Các doanh nghiệp chủ động cân nhắc tham gia từng hợp đồng, từng thị trường

Theo trang Luagaoviet, sở dĩ các doanh nghiệp Việt Nam không trúng gói thầu nào trong 534.000 tấn gạo của Bulog do doanh nghiệp Việt Nam chào giá cao hơn các nước khác.

Trong gói thầu trước đó, Cơ quan Hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) cũng đã ra thông báo mời thầu nhập khẩu 500 ngàn tấn loại gạo 5% tấm thường. Bulog sẽ mua 200.000 tấn gạo từ Pakistan và 300.000 tấn gạo từ các nước: Thái Lan, Việt Nam và Myanmar. Thời gian giao hàng hạn chót là ngày 25/12/2023, tại gói thầu này hầu như các doanh nghiệp Việt Nam đã ra về trắng tay.

Một doanh nghiệp gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, Bulog chủ yếu mua gạo trắng thường nhưng vụ Đông Xuân 2023-2024, nông dân Đồng bằng sông Cửu Long trồng rất ít các giống lúa thường nên khả năng lúa thơm giảm giá ngang lúa thường.

Theo phân tích của bà Trần Thanh Bình, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu (XNK), Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), kể từ khi Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo thì giá gạo của Việt Nam đã bắt đầu tăng cao so với giá gạo của Thái Lan, đó là tín hiệu cho thấy nhu cầu của thị trường đối với sản phẩm gạo của Việt Nam.

“Đối với các gói thầu của Bulog, tôi cũng thông tin thêm là các doanh nghiệp của Việt Nam chủ động trong kế hoạch sản xuất, kinh doanh cũng như nguồn hàng để cân nhắc tham gia từng hợp đồng của từng thị trường chứ không nhất thiết cứ phải thị trường nào, đối tác nào cũng phải tham gia hợp đồng, nếu như doanh nghiệp chưa đảm bảo thật vững chắc được các phương án kinh doanh của họ.

Theo tôi, thông tin về việc doanh nghiệp không trúng thầu Bulog do giá gạo Việt Nam tăng cao là phản ánh chưa đúng, vì thực ra các doanh nghiệp tự chủ động lựa chọn để tham gia vào từng thị trường cho phù hợp, đảm bảo được hiệu quả xuất khẩu cũng như mục tiêu điều hành của chính phủ là góp phần thu mua hết lúa gạo của người nông dân, đảm bảo được lợi nhuận cho người nông dân trồng lúa”, bà Bình nhấn mạnh.

Lần đầu tiên Indonesia vượt qua Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam

Bà Bình cho biết thêm, trong bối cảnh lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ hiện chưa có tín hiệu sẽ bãi bỏ trong thời điểm này hay đến đầu năm 2024, Việt Nam là một trong những nhà cung cấp gạo lớn của thế giới, các doanh nghiệp Việt Nam có quyền cân nhắc cũng như có quyền chủ động nguồn hàng có sẵn để tìm kiếm các đối tác phù hợp cho các hoạt động giao dịch của họ.

Theo nhận định của chuyên gia ngành gạo, nhu cầu gạo trên toàn cầu vẫn có xu hướng tăng qua các năm trong khi nguồn cung của các quốc gia trồng lúa lại giảm do những tác động của biến đổi khí hậu, cho nên các doanh nghiệp tin rằng giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ duy trì ở mức cao và kéo dài sang những tháng đầu năm 2024, ngay cả trong thời gian thu hoạch lúa Đông Xuân 2023-2024.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng cao hơn nhiều so với giá gạo xuất khẩu của Thái Lan ngoài nhu cầu thị trường có thể là do sự khác biệt về chất lượng gạo, do gạo Việt Nam đang đáp ứng được nhu cầu của các đối tác nhập khẩu mặc dù có giá cao hơn. Bên cạnh đó, chất lượng lúa gạo của Việt Nam đã được nâng lên đáng kể trong những năm qua, thông qua việc thay đổi về cơ cấu tăng các giống lúa thơm chất lượng cao và quy trình sản xuất an toàn.

Nhằm bảo đảm an ninh lương thực trong nước Chính phủ Indonesia tăng cường nhập khẩu gạo từ các nước. Tính đến hết tháng 11/2023, Indonesia đã nhập khẩu tổng cộng 3,3 triệu tấn gạo trong hạn ngạch nhập khẩu 3,8 triệu tấn trong năm 2023, họ mua gạo từ Thái Lan và Việt Nam trên 2,5 triệu tấn, mua của Pakistan khoảng vài trăm ngàn tấn gạo.

Riêng thị trường Việt Nam, Indonesia đã mua hơn 1,123 triệu tấn, trị giá hơn 614,67 triệu USD, tăng 16,32 lần và tăng 18,07 lần về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Nhờ khối lượng gạo nhập khẩu của Indonesia tăng khủng đã giúp thị trường này lần đầu tiên vượt qua Trung Quốc trở thành thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam, nhưng nước này vẫn đứng sau thị trường Philippines.

Mới đây, Bulog cho biết trước mắt sẽ mua 2 triệu tấn gạo dự trữ cho năm 2024, và lượng gạo nhập khẩu trong năm 2024 của Bulog sẽ tiếp tục ở mức cao.

Theo các quan chức phụ trách nông nghiệp và lương thực Indonesia, do hiện tượng thời tiết khô hạn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là lúa gạo. Diện tích trồng lúa từ tháng 9 đến tháng 11/2023 đã giảm 53,61% so với năm ngoái. Trong khi, vụ thu hoạch lúa dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 5 – 6/2024, trễ đến 2 tháng so với trung bình nhiều năm.

Nguyễn Huyền