Nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bảo vệ bí mật nhà nước
Ngày 14/12, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Bộ Công an tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn về công tác bảo vệ bí mật nhà nước (BMNN) dưới sự chủ trì của Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú.
Tham dự Hội nghị, tại điểm cầu Trung tâm có đại diện Lãnh đạo, lãnh đạo phòng phụ trách và cán bộ trực tiếp thực hiện công tác BMNN tại các đơn vị thuộc NHNN; đại diện Lãnh đạo Phòng 9, Cục An ninh chính trị nội bộ (A03), Bộ Công An. Tại điểm cầu 63 NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố có đại điện Lãnh đạo Chi nhánh, cán bộ làm công tác bảo vệ BMNN và các cán bộ liên quan…
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định, công tác bảo vệ BMNN là nhiệm vụ có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ an ninh quốc gia, luôn luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, chỉ đạo sát sao.
Đối với NHNN, Ban Lãnh đạo NHNN xác định, đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục và luôn giành sự quan tâm chỉ đạo, quán triệt việc thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, các quy định nội bộ về công tác BMNN đến cán bộ, công chức, viên chức thuộc NHNN. Qua đó, nâng cao nhận thức về vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác bảo vệ BMNN của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong bối cảnh hội nhập về lĩnh vực tài chính, ngân hàng ngày càng sâu rộng.
Đến nay, NHNN đã ban hành/tham mưu trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ BMNN, Nghị định 26/2020/NĐ- CP của Chính phủ, Thông tư 24/2020/TT-BCA của Bộ Công an,... như Ban hành quy chế bảo vệ BMNN trong nội bộ NHNN, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục BMNN lĩnh vực ngân hàng; có nhiều văn bản chỉ đạo, quán triệt các đơn vị tuân thủ các quy định pháp luật, hướng dẫn của Bộ Công an về công tác bảo vệ BMNN, góp phần tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, chặt chẽ, thống nhất để các đơn vị trực thuộc triển khai thực hiện. Nhờ đó, công tác bảo vệ BMNN tại NHNN và các đơn vị đã và đang được thực hiện tốt, đáp ứng với yêu cầu hoạt động ngân hàng trong tình hình mới.
Phó Thống đốc chia sẻ, qua nắm bắt ý kiến của các đơn vị sau một thời gian thực hiện có một số quy định về BMNN cần được hướng dẫn cụ thể, rõ ràng theo thực tế để tránh gây khó khăn, vướng mắc khi áp dụng. Bên cạnh đó, công tác bảo vệ BMNN trong ngành Ngân hàng cũng đứng trước những thách thức, khó khăn mới trong bối cảnh nhiều ứng dụng khoa học, kỹ thuật áp dụng trong ngành Ngân hàng ngày càng có những bước phát triển nhảy vọt; tình hình thế giới có những diễn biến phức tạp, khó lường; tình hình tội phạm có những biến tướng tinh vi, phức tạp.
Do đó, để công tác bảo vệ BMNN tiếp tục được triển khai nghiêm túc, đặc biệt, hoạt động ngân hàng là lĩnh vực rất nhạy cảm và tác động trực tiếp đến an ninh - tiền tệ, an ninh kinh tế quốc gia, Phó Thống đốc cho rằng, việc tổ chức Hội nghị tập huấn về công tác bảo vệ BMNN là hết sức cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong công tác bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, kiến thức liên quan đến bảo vệ BMNN.
Phó Thống đốc đề nghị, các lãnh đạo đại diện cho tất cả các đơn vị thuộc NHNN phát huy tinh thần trách nhiệm cao nhất, tập trung tiếp thu đầy đủ những nội dung, kiến thức do Báo cáo viên của Bộ Công an truyền đạt. Trên cơ sở quy định pháp luật và hướng dẫn về BMNN tại NHNN đã được ban hành thống nhất và đầy đủ, các đồng chí lãnh đạo đơn vị trực thuộc sau khi kết thúc Hội nghị có trách nhiệm tổ chức quán triệt đến toàn bộ công chức đơn vị mình để nắm và thực hiện nghiêm túc quy định về bảo vệ BMNN.
Mặt khác, các đơn vị phải thường xuyên tự kiểm tra, rà soát công tác bảo vệ BMNN trong nội bộ; kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các tồn tại, thiếu sót (nếu có). Tuyệt đối không để xảy ra các sai phạm, đặc biệt là lộ, mất BMNN theo phạm vi quản lý. Đơn vị nào có các sai phạm phải xử lý thì Thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm trước Thống đốc, Ban Lãnh đạo NHNN và pháp luật.
Tại Hội nghị, thượng tá Đặng Thị Hồng Nhung – Báo cáo viên của Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an đã phổ biến nội dung của Luật bảo vệ BMNN và các văn bản hướng dẫn thi hành (Nghị định số 26/2020/NĐ-CP và Thông tư số 24/2020/TT-BCA...). Trong đó, tập trung vào các nội dung quan trọng về bảo vệ BMNN như: Trình tự, thủ tục xác định BMNN; sao, chụp BMNN; vận chuyển, giao nhận tài liệu chứa BMNN.
Bên cạnh đó, báo cáo viên cũng trao đổi kinh nghiệm, giải đáp những vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn áp dụng quy định pháp luật về bảo vệ BMNN.
Thông qua những hướng dẫn, chia sẻ bổ ích của báo cáo viên tại buổi tập huấn, các cán bộ, công chức NHNN đã được nâng cao nhận thức và có thêm các kiến thức, kỹ năng về bảo vệ BMNN khi xử lý công việc.
Thay mặt cho NHNN, Phó Thống đốc gửi lời cám ơn đến Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an (đơn vị chủ trì xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ BMNN) thời gian qua đã phối hợp rất chặt chẽ với NHNN, từ việc xây dựng danh mục BMNN lĩnh vực ngân hàng, góp ý quy chế bảo vệ BMNN cũng như hướng dẫn, giải đáp các quy định về bảo vệ BMNN để NHNN triển khai, áp dụng.
Phó Thống đốc mong rằng, thời gian tới, Bộ Công an, đặc biệt là Cục An ninh chính trị nội bộ tiếp tục quan tâm, đồng hành và hỗ trợ NHNN để thường xuyên có các buổi tập huấn, chia sẻ chuyên sâu về công tác bảo vệ BMNN, góp phần nâng cao chất lượng công tác bảo vệ BMNN tại các Bộ, ngành, cơ quan nói chung và NHNN nói riêng.