Kết nối

Thông qua Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050

Minh Nhật 17/12/2023 07:20

Vùng Đông Nam Bộ sẽ là nơi thí điểm những cơ chế, chính sách đổi mới, tạo đột phá; đồng thời lựa chọn nhiệm vụ, dự án, công trình ưu tiên “đầu tư ra tấm, ra món” để phát huy tối đa lợi thế của vùng, mang lại lợi ích chung cho các địa phương.

toan-canh-2-.jpg
Toàn cảnh phiên họp trực tuyến với Hội đồng thẩm định Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Chủ tịch Hội đồng thẩm định vùng tại phiên họp trực tuyến với Hội đồng thẩm định Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, diễn ra ngày 15/12.

Nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của quy hoạch vùng Đông Nam Bộ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu cần làm rõ căn cứ khoa học để xác định các địa phương thuộc phạm vi của vùng (sự tương đồng, bổ trợ lẫn nhau về kinh tế, xã hội, văn hóa, tự nhiên…); cơ sở phân chia thành các tiểu vùng; thế mạnh, sản phẩm riêng biệt; định hướng quy hoạch không gian đô thị, nông thôn… Quy hoạch phải giải quyết những bất cập, hạn chế đối với sự phát triển của toàn vùng và các địa phương; phân tích kỹ nguyên nhân khiến vùng Đông Nam Bộ phát triển chậm lại.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phát triển kinh tế, thương mại, văn hóa, du lịch… của vùng Đông Nam Bộ phải liên kết với các vùng, địa phương khác, từ đó hình thành hành lang phát triển; đô thị được kết nối bằng hệ thống hạ tầng giao thông, kỹ thuật đồng bộ, hiện đại.

pho-tt.jpg
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: “Đầu tư ra tấm, ra món” để phát huy tối đa lợi thế của vùng Đông Nam Bộ

Bên cạnh đó, Quy hoạch cần xác định những nhiệm vụ trọng tâm nhằm đổi mới cơ cấu kinh tế vùng Đông Nam Bộ, khai thác tối đa thế mạnh khác biệt. Cụ thể, lĩnh vực công nghiệp của vùng Đông Nam Bộ phải đi đầu trong đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, năng lượng xanh, công nghệ cốt lõi. Nông nghiệp hướng vào công nghệ cao, tạo ra không gian xanh, gắn với du lịch.

Trước yêu cầu nguồn nhân lực phải đi trước một bước mới có thể thu hút các dự án FDI công nghệ cao, kinh tế tri thức, Phó Thủ tướng cho rằng, vùng Đông Nam Bộ phải giữ vai trò tiên phong, dẫn dắt trong giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học, công nghệ… Những di sản văn hóa, khu bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học… phải được quy định chi tiết trong Quy hoạch, có định hướng khai thác, sử dụng bền vững để Đông Nam Bộ là một vùng xanh.

Về lộ trình triển khai, Phó Thủ tướng lưu ý, vùng Đông Nam Bộ sẽ là nơi thí điểm những cơ chế, chính sách đổi mới, tạo đột phá; đồng thời lựa chọn nhiệm vụ, dự án, công trình ưu tiên “đầu tư ra tấm, ra món” để phát huy tối đa lợi thế của vùng, mang lại lợi ích chung cho các địa phương.

Vùng Đông Nam Bộ là đầu tàu kinh tế của cả nước, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, thu ngân sách nhà nước và giải quyết việc làm. Hệ thống khu, cụm công nghiệp ở vùng Đông Nam Bộ phát triển bậc nhất cả nước (chiếm 30,6%) gắn với các hành lang kinh tế. Đây là khu vực có tỷ lệ đô thị hóa đứng đầu cả nước (67,3%), được phân bố tương đối hợp lý, diện mạo ngày càng hiện đại với các trung tâm dịch vụ tài chính - ngân hàng, thương mại, logistics, trung tâm về đào tạo, y tế, khoa học công nghệ.

Tuy nhiên, vùng Đông Nam Bộ phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại, chậm đổi mới mô hình tăng trưởng. Mạng lưới kết cấu hạ tầng cấp vùng, liên vùng chưa đáp ứng được yêu cầu. Các hành lang kinh tế, tiểu vùng động lực chưa rõ nét. Công nghiệp phát triển còn thiếu bền vững, giá trị gia tăng thấp, phân bổ chưa hợp lý, phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hạ tầng xã hội (trường học, bệnh viện, nhà ở) quá tải...

thu-truong-bo-khdt.jpg
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông

Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, quy hoạch vùng Đông Nam Bộ là quy hoạch vùng thứ ba được Hội đồng thẩm định tổ chức thẩm định (sau quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long và quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung), được lập trong bối cảnh Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 24 về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quốc hội thông qua Nghị quyết số 81 về Quy hoạch tổng thể quốc gia và Nghị quyết số 39 về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đặc biệt, hiện nay đã có 108/111 quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia theo Luật Quy hoạch đã hoàn thành việc lập, trình thẩm định; đến nay đã có 19 quy hoạch cấp quốc gia, 01 quy hoạch vùng và 33 quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết có 6 nội dung cốt lõi trong quy hoạch vùng Đông Nam Bộ bao gồm:

Thứ nhất, quan điểm là phát triển có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào yếu tố hiệu quả trong giai đoạn đến năm 2030; phát triển với mục tiêu tăng trưởng cao, dựa vào 3 trụ cột chính: con người - thiên nhiên - truyền thống văn hóa, lịch sử; lấy con người là trung tâm, thiên nhiên là nền tảng, truyền thống văn hóa lịch sử là động lực cho phát triển.

Thứ hai, phát triển vùng thành một trung tâm, đầu tàu, mô hình mẫu về phát triển kinh tế - xã hội và là trung tâm lớn nhất về kinh tế - xã hội của đất nước.

Thứ ba, cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng công nghiệp, dịch vụ, du lịch; phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp xanh, công nghệ cao; phát triển nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Thứ tư, về cấu trúc phát triển gồm 03 tiểu vùng; 06 hành lang kinh tế và vành đai công nghiệp - đô thị - dịch vụ; 02 hành lang xanh - sinh thái gắn với các lưu vực sông; vùng động lực quốc gia với Thành phố Hồ Chí Minh là cực tăng trưởng; Phân bố lại không gian công nghiệp - đô thị gắn với chuyển đổi các khu công nghiệp theo mô hình hiện đại, sinh thái, tuần hoàn.

Thứ năm, phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, dịch vụ chất lượng cao, ưu tiên phát triển công nghiệp bán dẫn, sản xuất chíp, phát triển dịch vụ tài chính theo hướng đưa Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính toàn cầu.

Thứ sáu, phát triển mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông, hoàn thiện mạng lưới hạ tầng kết nối như: đường bộ cao tốc, đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị nội vùng, cảng hàng không quốc tế Long Thành, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, cảng Cái Mép - Thị Vải; đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông nội vùng, liên vùng, kết nối với khu vực. Tập trung xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Sau khi nghe Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tóm tắt về các nội dung chính của Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; nghe báo cáo của Cơ quan thường trực Hội đồng thẩm định quy hoạch vùng; nghe ý kiến phản biện của các chuyên gia, ý kiến tham gia của các thành viên Hội đồng thẩm định đối với quy hoạch; đồng thời nghe đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu, giải trình các ý kiến tham gia của thành viên, ủy viên Hội đồng thẩm định đối với hồ sơ Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ; Hội đồng thẩm định đã biểu quyết thông qua hồ sơ Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với điều kiện phải chỉnh sửa, bổ sung theo các ý kiến đề xuất phù hợp cho sự phát triển của khu vực.

Minh Nhật