Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú làm việc với các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
Trong khuôn khổ chuyến công tác tại tỉnh Lâm Đồng, ngày 15/12, Phó Thống Thường trực NHNN Đào Minh Tú làm việc với các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Cùng tham dự có lãnh đạo: Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Cục 3 Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng, Vụ Truyền thông, Vụ Tài chính Kế toán, Agribank, Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam; cùng Ban lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của NHNN chi nhánh Lâm Đồng và các Tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn.
Báo cáo tại buổi làm việc, Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Lâm Đồng, Võ Văn Thanh cho biết, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 57 đơn vị TCTD hoạt động, gồm: 30 chi nhánh Ngân hàng thương mại (NHTM), 1 chi nhánh Ngân hàng Hợp tác xã, 1 chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội(NHCSXH) và 25 Quỹ Tín dụng Nhân dân (QTDND). Tổng dư nợ đến ngày 30/11/2023 đạt 172.820 tỷ đồng, so với đầu năm tăng 14.300 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 9%; ước đến cuối năm 2023, doanh số cho vay 268.000 tỷ đồng, dư nợ đạt 175.000 tỷ đồng, so với cuối năm trước tăng 16.482 tỷ đồng (+10,4%).
Trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội năm 2023 của cả nước nói chung và tỉnh Lâm Đồng nói riêng tiếp tục gặp nhiều khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cầm chừng, duy trì thậm chí thu hẹp, hoạt động ngân hàng còn chịu thêm tác động từ áp lực lạm phát, mặt bằng lãi suất tiền gửi, tiền vay chiều hướng giảm nhưng không như kỳ vọng. Tuy nhiên, ngành Ngân hàng trên địa bàn đã nỗ lực giảm lãi suất (cho vay ngắn hạn giảm 2,55%/năm so với đầu năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn giảm 2,83/năm so với đầu năm), tích cực triển khai các chính sách tín dụng nên cơ bản đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, người dân.
Quy mô hoạt động của hệ thống QTDND trên địa bàn được kiểm soát, hoạt động cơ bản ổn định. Ngân hàng Hợp tác xã thực hiện tốt vai trò điều hòa vốn cho hệ thống quỹ tín dụng, các chỉ tiêu hoạt động đều tăng trưởng. NHCSXH chi nhánh tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện có hiệu quả các chương trình hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội cho người nghèo và đối tượng chính sách. Năm 2023 công tác an sinh xã hội của toàn ngành Ngân hàng trên địa bàn được các đơn vị quan tâm thực hiện đóng góp trên 20 tỷ đồng góp phần cùng địa phương đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Các dịch vụ thanh toán được chú trọng phát triển, tiến trình chuyển đổi số trong ngành ngân hàng tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, quyết liệt; tăng tỷ trọng thanh toán không dùng tiền mặt; công tác cải cách hành chính được triển khai thực hiện tốt, giúp tổ chức tín dụng, doanh nghiệp thuận lợi trong hoạt động, tiết kiệm thời gian, chi phí.
Phát biểu kết luận, Phó Thống đốc Đào Minh Tú biểu dương và ghi nhận sự chỉ đạo của Chi nhánh NHNN tỉnh trên địa bàn tích cực. Phó thống đốc cũng đánh giá cao công tác thanh tra, kiểm tra, quan hệ với chính quyền địa phương, đoàn kết nội bộ trong hệ thống.
Về nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới, Phó Thống đốc yêu cầu ngành Ngân hàng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cụ thể:
Thứ nhất, tập trung tín dụng, tăng cường tín dụng cho vay nhưng không hạ chuẩn tín dụng, hỗ trợ cho doanh nghiệp nhưng phải đảm bảo an toàn.
Thứ hai, giảm lãi suất bằng cách tiết kiệm chi phí, chủ động tích cực, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa ngân hàng và doanh nghiệp.
Thứ ba, đẩy mạnh các chương trình tín dụng chính sách như: Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay đối với chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; gói tín dụng15.000 tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản… và nhiều gói vay khác của các NHTM để địa phương hưởng lợi từ chính sách đó trên bình diện chung của cả nước. Các TCTD trên địa bàn phải thực hiện tư vấn hỗ trợ cho khách hàng để cùng với khách hàng bàn bạc, chia sẻ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân vay vốn, đảm bảo thủ tục hành chính nhanh, thuận lợi.
Phó Thống đốc đề nghị các TCTD trên địa bàn phải tham gia đầy đủ Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp do NHNN tổ chức. Bên cạnh đó, các NHTM phải tự tổ chức gặp gỡ khách hàng chứ không ỷ lại NHNN, các chi nhánh NHTM cũng phải tự tổ chức gặp gỡ khách hàng, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư. “Khách hàng kêu chi nhánh NHTM nào gây cản trở, khó khăn thì chi nhánh NHTM đó phải chịu trách nhiệm”, Phó Thống đốc nhấn mạnh.
Phó Thống đốc đề nghị, các NHTM trên địa bàn tích cực cho vay theo chuỗi, NHNN đã giao cho Agribank đầu mối, NHNN chi nhánh tỉnh rà soát lại chủ trương cơ chế để làm sao nhiều chi nhánh NHTM tham gia triển khai được chương trình cho vay theo chuỗi.
Phó Thống đốc cho biết thêm, vấn đề xử lý nợ xấu, thi hành án, tài sản đảm bảo rất khó khăn, mặc dù đã có Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Về Công tác truyền thông, Phó Thống đốc yêu cầu công tác truyền thông phải công khai, minh bạch. “Phải tăng cường công tác truyền thông không chỉ qua các phương tiện truyền thông đài, báo mà còn thông qua hội thảo, các cuộc họp, gặp gỡ...”, Phó Thống đốc nói.
Về vấn đề QTDND, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, không thể có cơ chế cho một hoặc hai QTDND riêng mà chính sách phải thống nhất trên toàn quốc. Tạo điều kiện cho QTDND hoạt động nhưng phải an toàn, hiệu quả, lành mạnh đặt lên hàng đầu.
Trước đó, trong khuôn khổ chuyến công tác tại tỉnh Lâm Đồng, chiều 14/12, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú đã đến thăm và làm việc với Quỹ Tín dụng nhân dân (QTDND) Liên Nghĩa. QTDND Liên Nghĩa là một trong những QTDND có quy mô lớn, hoạt động tốt trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, QTDND Liên Nghĩa khai trương và đi vào hoạt động theo mô hình HTX kiểu mới, là kênh giúp hỗ trợ vốn cho cá nhân, hộ gia đình kinh doanh nhỏ lẻ dễ dàng tiếp cận vốn vay, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa. QTDND Liên Nghĩa có 5.740 thành viên.