Chứng khoán

Thị trường sẽ trở lại trạng thái cân bằng sau tuần tái cơ cấu danh mục ETF

Uyên Tô 18/12/2023 - 10:38

Ngược dòng chứng khoán thế giới, thị trường chứng khoán trong nước vừa chứng kiến một tuần lao dốc. Mặc dù là tuần tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF nhưng thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh và khối ngoại vẫn "miệt mài" bán ròng.

Nỗ lực tăng điểm ở tuần đầu tháng 12/2023 đã bị "phủi sạch" khi VN-Index giảm điểm trở lại trong tuần qua. Cụ thể, sau 2 phiên đầu tuần cố gằng vượt cản không thành công, nhịp giảm điểm mạnh hơn 13 điểm đã diễn ra sau đó. Đà giảm này tiếp tục được duy trì trong 2 phiên theo sau để khiến chỉ số lần lượt rơi khỏi đường SMA 200, 50 và 20 ngày.

dfbva.png

Kết tuần, VN-Index giảm 22,14 điểm (-1,97%), đóng cửa ở mức 1.102,30 điểm. Trong tuần, cả 3 nhóm chỉ số vốn hóa đều ghi nhận sự suy giảm. Cụ thể, nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa (VNMID) dẫn đầu với mức giảm 2,9%. Theo sau, nhóm vốn hóa nhỏ (VNSML) và VN30 lần lượt lùi 1,9% và 1,6%. Giá trị giao dịch khớp lệnh trung bình trên cả 3 sàn đạt 15.234,98 tỷ đồng, giảm 31,25% so với tuần trước.

Kịch bản dòng tiền tại nhóm nhà đầu tư đã có sự thay đổi so với tuần trước khi tổ chức trong nước chuyển sang bán ròng với giá trị 26 tỷ đồng.

image_2023-12-18_095539802.png

Bên cạnh đó, khối ngoại có tuần bán ròng thứ 6 liên tiếp với giá trị 3.277 tỷ đồng. Ngược lại, nhà đầu tư cá nhân duy trì đà mua ròng với giá trị tăng mạnh, đạt 3.303 tỷ đồng. Ở tuần qua, khối ngoại tập trung bán ròng mạnh nhất ở HPG (-368 tỷ đồng), FUEVFVND (-316,2 tỷ đồng), STB (-262,9 tỷ đồng)… Ngược lại, duy trì đà mua ròng mạnh ở VND với giá trị 220,1 tỷ đồng, kế đến là NVL (+134,2 tỷ đồng), NKG (+41,9 tỷ đồng)…

Nhận định cho tuần tới, MBS Research cho biết, trong kịch bản cơ sở, thị trường nhiều khả năng tiếp tục dao động trong vùng tích lũy, đặc biệt quanh ngưỡng MA50 (1.100 điểm), do vậy các chiến lược đầu cơ hay lướt sóng ngắn hạn sẽ gia tăng lực bán ở khu vực biên trên (1.125 – 1.130 điểm) rồi mua lại ở biên dưới (1.075 – 1.080 điểm).

“Sau tuần cơ cấu danh mục của các quỹ ETF, thị trường sẽ trở lại trạng thái cân bằng, dòng tiền trong nước sẽ theo dõi sát diễn biến giao dịch của khối ngoại sau 2 tuần bán ròng khá mạnh. Lúc này, mặt bằng thông tin trong nước vẫn tương đối bình lặng nhưng sẽ tốt lên càng về thời điểm cuối năm”, MBS Research đánh giá.

Chỉ số VN-Index gần như “dậm chân tại chỗ” trong vòng 1 tháng trở lại đây, tuy vậy một số nhóm cổ phiếu vẫn có mức tăng tốt như: chứng khoán, thủy sản, thực phẩm, bất động sản khu công nghiệp, đầu tư công, hóa chất, công nghệ,… dòng tiền nhiều khả năng sẽ luân chuyển giữa các nhóm cổ phiếu này.

Có góc nhìn tích cực đối với thị trường trong ngắn hạn, CTCK Yuanta Việt Nam cho rằng, thị trường có thể sẽ quay trở lại đà tăng trong phiên đầu tuần khi nhiều cổ phiếu đã rơi vào vùng quá bán.

Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên đồ thị giá có thể sẽ biến động hẹp trong phiên kế tiếp với thanh khoản thấp và dòng tiền sẽ có sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu, đặc biệt dòng tiền có dấu hiệu trở lại nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục giảm nhẹ cho thấy các nhà đầu tư vẫn còn thận trọng với diễn biến thị trường hiện tại.

“Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức tăng. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục tận dụng nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu. Theo đồ thị tuần, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy trung hạn cho nên thị trường có thể sẽ tiếp tục đi ngang quanh mức hiện tại trong tuần giao dịch tới. Đồng thời, xu hướng trung hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức trung tính. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư trung hạn có thể tiếp tục tăng dần tỷ trọng cổ phiếu lên mức 35-40% danh mục”, chuyên gia của Yuanta Việt Nam cho biết.

gsck.png

Chỉ số chứng khoán toàn cầu khép lại tuần tăng thứ 7 liên tiếp nhờ kỳ vọng lãi suất sẽ giảm sớm và giảm nhiều trong năm 2024. Tâm điểm ở tuần vừa qua là hàng loạt các cuộc họp của các ngân hàng trung ương lớn: Ngân hang Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Ngân hàng trung ương Anh (BoE), Ngân hàng Trung ương Thuỵ Sỹ (SNB),… giữ nguyên lãi suất.

Tuần này, cuộc họp của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ diễn ra vào ngày 18-19/12. Cho tới hiện tại, kỳ vọng BOJ chấm dứt chính sách lãi suất âm trong lần họp này gần như đã không còn. Tuy nhiên, vẫn có khả năng BOJ điều chỉnh nội dung tuyên bố, chẳng hạn điều chỉnh nội dung quen thuộc nói rằng BOJ sẽ không ngại nới lỏng thêm chính sách tiền tệ nếu cần thiết

Uyên Tô