Ngân hàng trung ương các nước châu Âu quan điểm trái chiều về định hướng chính sách tiền tệ
Lạm phát tại các nước châu Âu đã giảm đáng kể so với khoảng thời gian trước, tuy nhiên định hướng điều hành chính sách của các ngân hàng trung ương lớn lại rất khác nhau.
Những ngân hàng trung ương lớn nhất tại phương Tây đều giữ lãi suất không thay đổi trong những ngày gần đây, tuy nhiên họ đưa ra nhiều quan điểm khác nhau về các đợt hạ lãi suất trong năm 2024.
Vào ngày thứ Tư tuần trước, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã công bố quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản đồng USD ở ngưỡng hiện tại 5,25% đến 5,5%. Đồng thời FED cũng công bố sẽ có ít nhất ba lần hạ lãi suất trong năm sau và thêm khoảng bốn lần hạ lãi suất trong năm 2025.
Các thành viên thị trường tài chính đang dự báo về khả năng FED hạ lãi suất 25 điểm cơ bản trong tháng 3/2024 và dự báo lãi suất liên bang của FED vào thời điểm cuối năm sau sẽ thấp hơn khoảng 150 điểm cơ bản, theo nhận định của CMR FedWatch.
Dù rằng việc FED hạ lãi suất ba lần vẫn không đạt kỳ vọng của thị trường, thị trường vẫn có tâm lý lạc quan nhất định, chính vì vậy không ngạc nhiên khi chỉ số Dow Jones tăng lên mức cao kỷ lục, lợi suất trái phiếu sụt giảm. Lợi suất trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ rơi xuống dưới ngưỡng 7% lần đầu tiên tính từ tháng 7/2023.
Lạm phát chủ chốt ở Mỹ ở mức 3,1% trong tháng 11/2023, vẫn cao hơn ngưỡng mục tiêu 2% của FED, dù vậy đã giảm đáng kể từ mức đỉnh của thời kỳ đại dịch COVID-19 là 9,1% vào tháng 6/2022. Tuy nhiên, chỉ số lạm phát lõi, tức không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng, duy trì ổn định ở mức 4%.
Trong khi đó, hoạt động kinh tế khá vững vàng, GDP quý III/2023 tăng trưởng 5,2% so với cùng kỳ.
Trong cuộc họp báo vào ngày thứ Tư, Chủ tịch FED Jerome Powell đã thừa nhận giờ đây FED đã bắt đầu tính đến việc hạ lãi suất, chính vì vậy nhiều chuyên gia kinh tế và ngân hàng cho vay đang buộc phải điều chỉnh các dự báo lãi suất tương lai.
Nổi bật nhất phải kể đến các chuyên gia kinh tế thuộc Ngân hàng Barclays, trước đây chuyên gia Barclays từng dự báo chỉ có một lần hạ lãi suất vào tháng 12/2024, tuy nhiên giờ đây dự báo về số lần điều chỉnh lãi suất đã tăng hơn trước rất nhiều.
“Chúng tôi ngạc nhiên khi trong thời gian qua, FED rất ngại ngần trong việc khẳng định về quan điểm nới lỏng chính sách tiền tệ, chuyên gia Barclays nhấn mạnh.
Chuyên gia Ngân hàng Barclays nâng dự báo về triển vọng tăng trưởng nhờ vào những động thái nới lỏng kiểm soát điều kiện tài chính, họ tin những động thái mới nhất có thể kích thích tăng trưởng và làm giảm lạm phát.
Tại châu Âu, quan điểm của các nhà hoạch định chính sách tiền tệ tuy nhiên rất khác. Cả Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vào ngày thứ Năm đã bác bỏ những kỳ vọng của thị trường, họ quan tâm nhiều hơn đến áp lực giá cả dai dẳng và áp lực tiền lương.
BoE đã giữ lãi suất chủ chốt ở ngưỡng 5,25%, tuy nhiên không hề nhắc đến việc sẽ hạ lãi suất. BoE khẳng định chính sách tiền tệ cần phải giữ ở mức ổn định trong khoảng thời gian dài.
Lạm phát toàn phần tại Anh tháng 10/2023 hạ nhiệt xuống còn 4,6%, thấp nhất trong hai năm thế nhưng vẫn cao hơn mức mục tiêu 2% của BOE. Trong khi đó, tăng trưởng mức lương cũng thấp hơn so với kỳ vọng, dù vậy ngưỡng 7% vẫn quá cao so với mục tiêu của BoE.
Ủy ban Chính sách Tiền tệ của BOE nhấn mạnh rằng những chỉ báo quan trọng nhất gần đây vẫn cho thấy rằng lạm phát tại Anh hiện vẫn ở những ngưỡng cao dù rằng chính sách tiền tệ thắt chặt thông thường sẽ dẫn đến việc tạo ra nhiều áp lực lên nền kinh tế thực.
Trong quý III/2023, GDP của Anh không tăng trưởng, tuy nhiên nếu tính riêng tháng 10/2023, GDP của Anh suy giảm 0,3%.
S&P Global khẳng định BOE hiện vẫn đang đương đầu với nhiệm vụ hóc búa, đó là quyết định thời điểm nào phù hợp để có thể bắt đầu nới lỏng chính sách, đặc biệt xét đến việc BOE từng bị chỉ trích đã chậm hành động khi lạm phát chạm ngưỡng 11,1% vào tháng 10/2022.
Tại châu Âu, lạm phát khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã hạ nhiệt từ mức 10,6% vào tháng 10/2022 xuống 2,4% vào tháng 11/2023, như vậy châu Âu đã tiến gần đến mức mục tiêu 2% dù rằng các quan chức vẫn cảnh báo áp lực tiền lương và thị trường năng lượng sẽ có thể khiến cho lạm phát tăng.