Lãnh đạo KIDO, Gigamall, MM chia sẻ cách “kích” doanh số bán hàng
Doanh nghiệp tiêu dùng, bán lẻ cùng nhìn nhận tầm quan trọng của việc thay đổi cách tiếp cận người tiêu dùng, cụ thể là bán hàng online, cùng với việc cho ra đời các mô hình mới, các đợt sale nhằm kích doanh số.
Chia sẻ tại diễn đàn về kích cầu tiêu dùng nội địa, ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam đưa ra các điểm cần lưu ý trong năm 2023 để từ đó có định hướng cho ngành bán lẻ phát triển hơn trong năm 2024.
Theo ông Đức, năm 2023, thị trường xuất hiện những khủng hoảng về những sản phẩm cụ thể, ví dụ khủng hoảng về gạo. Dự kiến sẽ còn khủng hoảng ở những mặt hàng khác khi các quốc gia bắt đầu dự trữ chiến lược một số mặt hàng, bao gồm đường và dầu ăn. Khi có mâu thuẫn xung đột nội bộ giữa các thị trường sẽ có ảnh hưởng đến Việt Nam, do đó việc cân nhắc các mối quan hệ với doanh nghiệp nước ngoài và các giao dịch rất quan trọng đối với doanh nghiệp bán lẻ.
Hợp tác ngoại giao đa phương, song phương giữa Việt Nam với các nền kinh tế rất phát triển, qua những tuyên bố chung về APEC, ASEAN+… đã tạo nên những xúc tiến rất lớn. Vì vậy, cần thiết tận dụng lại những quy hoạch liên quan đến doanh nghiệp nước ngoài, quan hệ hợp tác để các doanh nghiệp nắm bắt các cơ hội này một cách cụ thể hơn để vận hành kinh doanh.
Bên cạnh đó, những chính sách vĩ mô trong năm 2023 như lãi suất, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và tỷ giá ngoại tệ có tác động rất lớn đến ngành bán lẻ.
Vì vậy, ông Đức cho rằng cơ quan quản lý cần có chính sách điều hành với nhịp độ nhanh hơn nhằm đáp ứng những biến động của thị trường. Những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đã có nhiều nhưng năm 2024 cần chính sách căn cơ hơn để tạo hiệu ứng kích cầu ổn định và lâu dài. Trong đó, tăng cường những chính sách hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp.
Một yếu tố khác là, lần đầu tiên Việt Nam có doanh nghiệp lớn niêm yết ở thị trường chứng khoán Mỹ. Đây là điều tích cực để thu hút nhà đầu tư nước ngoài.
Năm 2023 cũng là năm đầu tiên Việt Nam có dấu ấn trong ngành công nghiệp bán dẫn, qua đó thúc đẩy ngành công nghiệp số đóng góp tích cực cho nền kinh tế trong thời gian tới.
Trong lĩnh vực bán lẻ, những đơn vị bán lẻ lớn đang suy nghĩ ứng dụng các kênh mạng xã hội để tạo xu thế kích cầu dựa trên nguồn lực mới này.
Tiếp theo là chỉ số niềm tin của người tiêu dùng. Giai đoạn 2022-2023, lần đầu tiên chỉ số niềm tin người tiêu dùng Việt Nam thấp nhất Đông Nam Á, theo Nielsen. Vì vậy, việc ổn định công ăn việc làm cho người dân sẽ giúp cải thiện chỉ số này. Cũng trong 2022-2023, lần đầu tiên tỷ lệ đóng góp của các nhà bán lẻ thuần Việt giảm xuống còn 1/3. Việc này tác động rất lớn đến phân phối chuỗi giá trị ở thị trường Việt Nam và thế giới. Trong khi đó, vẫn đang thiếu sự kết nối hài hòa giữa phân phối và sản xuất để tạo giá trị chung.
“5 điểm này là đúc kết của giai đoạn 2022-2023 và cũng là xu hướng của năm 2024 mà các doanh nghiệp bán lẻ, đặc biệt là doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cần phải đầu tư hơn”, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cho biết.
Cần phải nhanh chóng chuyển hướng, thay đổi
Tại diễn đàn, ông Trần Lệ Nguyên, Tổng Giám đốc Tập đoàn KIDO cho biết, thời gian qua, các chợ đầu mối, tiểu thương bế tắc về đầu ra. Trong khi một xu hướng ở các nước châu Á, điển hình là Trung Quốc triển khai bán hàng online rất mạnh mẽ, đặc biệt là qua Tiktok.
“Vừa qua, KIDO đã kết hợp với Tiktok xây dựng kênh bán hàng, hỗ trợ các tiểu thương tăng doanh số. Ngay như chợ Bến Thành cũng đang ứng dụng công nghệ vào bán hàng online. Theo tôi, khi các doanh nghiệp Việt Nam thấy được xu hướng cần phải nhanh chóng chuyển hướng, thay đổi”, ông Nguyên nêu.
Theo lãnh đạo doanh nghiệp, cùng với việc phối hợp với Tiktok, KIDO cũng sẽ cùng với Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai việc bán hàng qua thương mại điện tử tới các chợ truyền thống khác, mục tiêu là bán được hàng.
Không dừng lại ở đó, Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh triển khai cho tất cả hiệp hội ngành hàng tham gia để cùng nhau thảo luận, trao đổi, trong đó có Tiktok và các chuyên gia, làm sao tìm ra giải pháp bán được hàng nhiều hơn.
Ông Nguyên nêu dẫn chứng chương trình bán hàng online kích cầu ở Cần Giờ, lượng hàng bán được gấp 10 lần bình thường. Các tiểu thương chợ Bến Thành livestream bán hàng cũng đạt doanh số gấp 10 lần.
“Các doanh nghiệp muốn bán được hàng trên các nền tảng phải có đầu mối hỗ trợ về xây dựng nền tảng, nội dung… Chúng tôi sẽ hỗ trợ mở các khóa đào tạo với sự tham gia của những người có tầm ảnh hưởng (KOL, KOC)… giúp các tiểu thương, nhưng cần chính sách, định hướng mạnh mẽ hơn từ TP. Hồ Chí Minh”, lãnh đạo KIDO chia sẻ.
Một thông tin khác ông Nguyên muốn chia sẻ là Trung Quốc hiện tại đã thâm nhập vào lĩnh vực này, đầu tư các kho bãi, có những nền tảng, livestream bán hàng chuyên nghiệp.
Ông Nguyễn Đức Toàn, Giám đốc Thương mại và chiến lược, MM Mega Market Việt Nam (MM) chia sẻ, với định hướng liên kết và thay đổi, MM đã tổ chức 2 hội nghị khách hàng lớn và thu thập được nhiều gợi ý về tiêu dùng trong 2 hội nghị này.
Theo đó, hiện nay khách hàng hướng đến sản phẩm có giá thấp hơn, tập trung vào giá trị sản phẩm. Trong khi nhà sản xuất không có kế hoạch sản xuất rõ ràng, thiếu dự báo sản xuất cụ thể và thiếu thông tin đối với các chương trình của các doanh nghiệp đang kinh doanh trong lĩnh vực phân phối… Sự thẩm thấu từ chính sách kích cầu, giảm thuế giá trị gia tăng, giảm tiền sử dụng đất đến doanh nghiệp, người tiêu dùng vẫn chưa rõ ràng.
Nhiều ý kiến cho rằng cần thêm giải pháp cho sức mua thị trường, đẩy mạnh hơn tín dụng tiêu dùng trong những tháng cuối năm, tiếp tục chính sách giảm thuế cho doanh nghiệp.
“Các doanh nghiệp sản xuất chúng tôi tiếp xúc đều nói đến bài toán giảm chi phí kinh doanh và chấp nhận chương trình giảm giá kích cầu, đặc biệt là chương trình khuyến mãi tập trung giảm giá đến 100% của Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh đang triển khai. Riêng với MM, một trong những chiến lược trong năm nay là mong muốn hợp tác với nhà cung cấp, khách hàng để tăng trưởng tiêu dùng nội địa mạnh mẽ hơn, qua đó tạo niềm tin cho người tiêu dùng, vực dậy thương mại nội địa trong Tết Nguyên đán và năm 2024”, lãnh đạo MM chia sẻ.
Còn với Gigamall, ông Phạm Nguyễn Thái Huy, Phó tổng giám đốc cho biết, trong 2 quý đầu năm 2023, tình hình chi tiêu mua sắm, thu hút khách đến trung tâm thương mại rất khó khăn. Đến đầu quý III/2023, có chuyển hướng tích cực, tăng khoảng 25%-30% so với hai quý đầu năm.
Vị này thông tin, hiện nay, lượng hàng hóa tồn kho đối của các nhãn hàng rất nhiều. Do đó, các nhãn hàng sẽ tập trung những chương trình kích cầu, "sale bùng nổ" trong tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024, đồng thời đẩy mạnh bán hàng qua kênh thương mại điện tử để kích thích sức mua.