Đi qua phiên đáo hạn phái sinh, VN-Index giữ được trên mốc 1.100 điểm
Phiên đáo hạn phái sinh ít nhiều vẫn có sự căng thẳng tâm lý thể hiện qua việc chỉ số VN-Index chỉ đảo chiều trong phiên ATC.
Định vị thị trường
Các chỉ số chứng khoán châu Á đã tăng tốc trong phiên hôm qua ghi nhận sự điều chỉnh sau khi thị trường Mỹ giảm điểm. Chỉ số NIKKEI 225 sau khi lên đỉnh 33 năm đã giảm 1,59%, KOSPI cũng giảm 0,55% sau khi chạm đỉnh 4 tháng còn TWSE giảm 0,52 sau khi chạm đỉnh 8 tháng.
Tạm thời, VN-Index vẫn ưu tiên đi theo quỹ đạo riêng bởi sự kiện đáo hạn phái sinh đã diễn ra trong phiên chiều nay. Chỉ số tiếp tục bị đè trong phiên và chỉ quay đầu giảm về cuối phiên.
Chất xúc tác
Khối lượng mở của hợp đồng tương lai VN30F2312 tiếp tục giảm trước phiên, về còn 26.649 đơn vị trong khi VN30F2401 tăng lên 34.535 nghìn đơn vị.
Chốt phiên, VN30 đóng cửa tại 1.097 điểm còn VN30F2312 đóng cửa tại 1.094,7 điểm. Với cách tính giá thanh toán cuối cùng* của hợp đồng tương lai chỉ số VN30 được thay đổi kể từ tháng 6/2022, chênh lệch sẽ không đáng kể so với VNF302312.
Phái sinh tác động tâm lý tới thị trường cơ sở khiến cho khớp lệnh của HOSE có phiên thứ 6 liên tiếp dưới mức bình quân 20 phiên và còn giảm hơn 4% so với phiên hôm qua.
Dù cho nhà đầu tư nước ngoài đã hạ tỷ trọng giao dịch 2 chiều xuống 10,4% nhưng tiền nội nhìn chung vẫn chưa thay đổi quan điểm.
Theo thống kê, khối ngoại có phiên bán ròng thứ 17 liên tiếp trên HOSE với giá trị ròng là 536 tỷ đồng. Các mã bị khối ngoại bán ròng nhiều nhất là HPG (-106 tỷ đồng), STB (-53,6 tỷ đồng), KBC (-52,5 tỷ đồng), VCB (-50,9 tỷ đồng), VND (-45,3 tỷ đồng).
Tính riêng tháng 12, khối ngoại đã bán ròng 9.934 tỷ đồng, chiếm hơn 40% tổng giá trị bán ròng từ đầu năm 2023. Quy mô bán ròng của khối ngoại trên HOSE hiện đã vượt 1 tỷ USD, đạt 24.788 tỷ đồng.
Vận động thị trường
Các mã bị khối ngoại bán ròng nhiều nhất kể trên thực tế không giảm nhiều. STB (-1,3%), KBC (-1,27%), VCB (-0,25%), VND (-0,91%) chỉ giảm quanh biên độ 1% trong khi HPG giữ mức tham chiếu.
Các cổ phiếu lớn khác như BID (+1,2%), TCB (+1%), VJC (+1%) vẫn đủ khả năng để triệt tiêu sức nặng được tạo ra để kéo VN30 và VN-Index đóng cửa trên tham chiếu.
Chỉ số VN-Index chốt phiên tăng 1,67 điểm lên 1.102,43 điểm (+0,15%). Tổng khối lượng giao dịch sàn đạt 520,99 triệu đơn vị, tương đương 11.290 tỷ đồng.
Độ rộng của HOSE được giữ khá cân bằng với 42% mã giảm so với 37,5% mã tăng giá. Một số cổ phiếu như HAG (+6,8%), DBC (+2,92%), DIG (+1,36%), NKG (+1,25%), PNJ (+4,48%), HSG (+1,16%), HDG (+3,78%), DRC (+6,82%), PC1 (+2,34%) vẫn có kết quả tích cực hơn mặt bằng chung.
Trong đó HAG thậm chí đã trở lại tăng trần để khắc phục hết thiệt hại của phiên chốt lời ngày 19/12. Được biết, bà Đoàn Hoàng Anh - con gái ông Đoàn Nguyên Đức vừa đăng ký mua 1.000.000 cổ phiếu HAG thông qua khớp lệnh trên sàn từ ngày 25/12/2023 đến ngày 23/1/2024.
Trong khi đó, PNJ vừa đưa số liệu ước tính 11 tháng. Lũy kế 11 tháng năm 2023, doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế PNJ lần lượt đạt 29.495 tỷ đồng và 1.732 tỷ đồng (tăng 5,7% so với cùng kỳ). Công ty đã hoàn thành 89,4% chỉ tiêu lợi nhuận năm 2023.
Như vậy, thị trường vẫn giữ được mốc 1.100 điểm sau khi kỳ đáo hạn phái sinh tháng 12 chính thức đi qua. Các vận động tích cực sẽ cần được tái khởi động trở lại sau khi các nút thắt đều đã được tháo gỡ.
2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index chốt phiên giao dịch đều tăng điểm nhẹ, lần lượt 0,14% và 0,79%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 1.400 tỷ đồng.
*Giá thanh toán cuối cùng sẽ là giá trị trung bình số học giản đơn của chỉ số VN30 trong 30 phút cuối cùng của ngày đáo hạn (bao gồm 15 phút khớp lệnh liên tục và 15 phút khớp lệnh định kỳ đóng cửa) sau khi đã loại trừ đi 3 mức giá trị chỉ số cao nhất và 3 mức giá trị chỉ số thấp nhất của phiên khớp lệnh liên tục.