Các Hiệp hội ngành, nghề

Doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng thích nghi với xu thế mới của sản xuất toàn cầu

Ngọc Diệp 22/12/2023 - 07:13

Doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng thích nghi với xu thế mới của sản xuất toàn cầu. Không những cần quan tâm đến xu thế xanh hóa, doanh nghiệp Việt Nam đồng thời cũng cần phải chú ý nhiều hơn đến việc dịch chuyển sản xuất đến các quốc gia thân thiện, nội khối trên toàn cầu.

nguyenquocdungdaisumy.jpg
Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng - Ảnh: Báo Quốc tế

Ngày 21/12, phiên toàn thể về Ngoại giao Kinh tế phục vụ phát triển đất nước trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao 32 với chủ đề “Phát huy vai trò tiên phong, xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại, vững mạnh, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng” đã diễn ra.

Tại hội nghị, các đại sứ Việt Nam ở nước ngoài đã đưa ra nhiều ý kiến, nhận xét về tình hình xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian qua cũng như có một số nhận định, khuyến nghị để gia tăng xuất khẩu trong thời gian tới.

Doanh nghiệp xuất khẩu cần phải nhanh chóng thích nghi với xu thế toàn cầu


Triển vọng kinh tế thế giới không mấy khả quan, dự báo chỉ phục hồi nhẹ vào năm 2024. Tuy nhiên, kinh tế thế giới đang chứng kiến những xu hướng phát triển mới mà tất cả các quốc gia, địa phương, doanh nghiệp trên toàn cầu đang phải thích ứng mạnh mẽ.

Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Nguyễn Quốc Dũng đã chỉ ra ba xu hướng nổi trội mà chính phủ và doanh nghiệp Hoa Kỳ đang hết sức quan tâm:

Một là, xu hướng toàn cầu hoá, liên kết kinh tế thế giới đang thay đổi theo hướng tăng tính linh hoạt trong hợp tác thương mại, theo nhóm, theo khối, bảo hộ thương mại nhiều hơn. Do đó, doanh nghiệp đang tiếp tục dịch chuyển chuỗi cung ứng, sản xuất tới các quốc gia thân thiện, nội khối; tăng khả năng tự lực, tự cường trong nước để tăng khả năng ứng phó.

Hai là, xu hướng xanh hoá gắn với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh lương thực, an ninh năng lượng.

Ba là, kinh tế số, chuyển đổi số sẽ trở thành công cụ hỗ trợ, nâng cao năng lực chống chịu, hạn chế đứt gãy chuỗi cung ứng, tăng hiệu suất chất lượng hiệu quả, đây cũng là động lực tăng trưởng mới bao trùm và bền vững hơn.

“Những xu hướng mới đòi hỏi các quốc gia, các khu vực không thể đứng yên, đứng riêng lẻ mà cần sự hợp tác, chia sẻ lợi ích, rủi ro ngày càng cao”, Đại sứ chỉ rõ.

Về xu hướng đầu tư của doanh nghiệp Hoa Kỳ, Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng thông tin, doanh nghiệp nước này thường ưu tiên cao sự ổn định, theo dõi sát và nhạy bén về chính trị. Hiện tại nhiều doanh nghiệp Hoa Kỳ quan tâm vào các lĩnh vực mới nổi như năng lượng tái tạo, chất bán dẫn, năng lượng xanh…

Đáng chú ý, các doanh nghiệp Hoa Kỳ thường có xu hướng hợp tác, đi cùng nhau để cùng tạo một quần thể hệ sinh thái hoàn chỉnh, thuận lợi về cơ sở hạ tầng, logistics, nguồn nhân lực, năng lượng, phong phú, ổn định…

Trên cơ sở đó, Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ kiến nghị một số biện pháp nhằm cụ thể hóa nội hàm kinh tế trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ:

Thứ nhất, Việt Nam cần có cơ chế phối hợp liên ngành dưới sự chủ trì của một Phó Thủ tướng Chính phủ, từ các cơ quan đầu mối tổng hợp, rà soát, đôn đốc việc thực hiện các nội dung đã thoả thuận.

Thứ hai, Bộ, ngành, các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu kỹ các văn kiện, chủ động đề xuất, rà soát các nội dung, kinh phí lộ trình hợp tác cụ thể; tiến hành các công việc chuẩn bị sẵn sàng về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực; chủ động liên hệ, tìm kiếm các đối tác, doanh nghiệp Hoa Kỳ.

Thứ ba, trong quý I/2024, các cơ quan đầu mối nên gặp gỡ, tiến hành họp với phía Hoa Kỳ để xác định rõ các ưu tiên và lộ trình thực hiện.

Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ sẽ tiếp tục làm tốt vai trò cầu nối, tư vấn, phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức trong nước để tìm kiếm, thương lượng với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tương ứng ở Hoa Kỳ; vận động được sự ủng hộ của Quốc hội, chính quyền Hoa Kỳ để có kinh phí cho các hoạt động hợp tác giữa hai nước.

Trọng tâm hợp tác mới trong quan hệ Việt Nam – châu Âu


Việt Nam xuất siêu sang thị trường EU 27 khoảng 31,4 tỷ USD trong năm 2022, tăng 35,2% so với 2021, một con số rất ấn tượng, theo khẳng định của nhiều ý kiến trong hội nghị.

Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên minh châu Âu (EU) Nguyễn Văn Thảo đồng thời nhấn mạnh tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và châu Âu còn rất lớn, không chỉ trong lĩnh vực thương mại mà còn nhiều lĩnh vực khác ví như môi trường và biến đổi khí hậu.

nguyenvanthaodaisuchauau.jpg
Đại sứ Nguyễn Văn Thảo - Ảnh: Báo Quốc tế

Theo Đại sứ Nguyễn Văn Thảo, hiện nay, Bộ Ngoại giao đang thực hiện các khâu cuối cùng trong Đề án phát triển hợp tác với EU đến năm 2030 và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong thời gian tới.

Với một đối tác quan trọng như EU, Việt Nam cần mạnh mẽ thúc đẩy hợp tác. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả trong từng giai đoạn, Việt Nam phải chọn các lĩnh vực trọng điểm để tạo tác động lan tỏa.

Với nhiệm vụ ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, từ góc độ địa bàn EU, chúng tôi xin kiến nghị đưa hợp tác bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu thành lĩnh vực hợp tác trọng điểm giữa hai bên trong thời gian tới. Đại sứ Nguyễn Văn Thảo cho rằng, có nhiều lý do để kiến nghị như trên:

Thứ nhất, hợp tác về môi trường và biến đổi khí hậu là yêu cầu cấp bách của đất nước và lợi ích của dân tộc. Môi trường là vấn đề toàn cầu, hợp tác quốc tế là cần thiết. EU là đối tác số 1 thế giới trong lĩnh vực này. Nhiều năm qua, EU đã đầu tư rất nhiều về tài chính, công nghệ, môi trường thể chế để thúc đẩy lĩnh vực này. Có thể nói, đây là đối tác rất phù hợp với chúng ta hiện nay.

Hợp tác về môi trường và biến đổi khí hậu không chỉ giúp giảm thiểu tác động từ môi trường mà quan trọng hơn, còn giúp chúng ta tăng khả năng thích ứng để phát triển bền vững.

Thứ hai, hợp tác về môi trường và biến đổi khí hậu sẽ tác động mạnh mẽ về thương mại và đầu tư giữa Việt Nam với EU và khu vực. EU là đối tác quan trọng của Việt Nam nhưng kết quả đạt được vẫn còn xa với tiềm năng. Năm 2022, kim ngạch thương mại Việt Nam-EU đạt 52 tỷ USD, chỉ chiếm 1,7% tổng nhu cầu nhập khẩu của EU. Đầu tư của EU vào Việt Nam chỉ 27 tỷ USD, thua xa một số nước.

Bên cạnh đó, thời gian gần đây, EU đã ban hành một loạt các chính sách mới, như chính sách về carbon, chính sách về trách nhiệm giải trình... Những chính sách này sẽ có tác động mạnh mẽ đến xuất khẩu của Việt Nam nếu chúng ta không đáp ứng quy định, nhất là các ngành lớn như dệt may, da giày… Vì thế, lựa chọn tốt nhất là Việt Nam chủ động thích ứng, hợp tác với EU trong lĩnh vực này.

“Và khi chúng ta đặt vấn đề mở rộng hợp tác với EU, đã được phía bạn đánh giá rất cao. Chúng tôi tin, đây là hướng tốt nhất để doanh nghiệp thích ứng với quy định mới của EU và tăng sức cạnh tranh”, Đại sứ Thảo nhấn mạnh.

Thứ ba, hợp tác về môi trường và biến đổi khí hậu với EU sẽ có tác động mạnh mẽ tới các lĩnh vực ưu tiên như kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số. Có điều kiện để thúc đẩy hợp tác bền vững, điện gió, giảm phát thải nhựa đại dương và các vấn đề môi trường. Đây là các lĩnh vực EU có thế mạnh và có nhu cầu hợp tác, đồng thời sẵn sàng hợp tác với Việt Nam.

Hơn nữa, hợp tác về môi trường và biến đổi khí hậu hiện là xu thế của thế giới, không thể cưỡng lại. Trước mắt là EU ban hành các quy định này, sau đây sẽ là Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc cũng sẽ ban hành các quy định tương tự. Nếu Việt Nam đi trước sẽ có cơ hội, tạo lợi thế cạnh tranh. EU muốn đa dạng hợp tác và Việt Nam được coi là đối tác quan trọng của EU trong khu vực.

“Lãnh đạo EU đánh giá cao cam kết của Việt Nam về chống biến đổi khí hậu và giảm phát thải carbon. Chúng tôi kiến nghị cần giữ đà quan hệ với EU, giữ hợp tác về môi trường và biến đổi khí hậu cần đúng lĩnh vực, đúng đối tác, đúng thời điểm”, Đại sứ Nguyễn Văn Thảo nhấn mạnh.

Ngọc Diệp