Giá lúa Thu Đông lập đỉnh mới, nông dân phấn khởi bước vào sản xuất vụ Đông Xuân
Giá lúa vụ Thu Đông tiếp tục tăng cao và tạo lập đỉnh giá mới, có thời điểm tăng đến 10.000 đồng/kg.
Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 12/2023 xuất khẩu gạo đạt 292.192 tấn, trị giá 200,132 triệu USD, so với nửa đầu tháng 12/2022 tăng 43,91%, lượng và 91,65% về kim ngạch.
Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/12/2023, xuất khẩu gạo đạt hơn 7,93 triệu tấn, trị giá hơn 4,53 tỷ USD, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 15,37% về lượng và tăng 35,88% về kim ngạch.
Giá lúa Thu Đông lập đỉnh mới
Theo nông dân Nguyễn Văn Hòa - canh tác hơn 50 công (1 công = 1.000 m2) ruộng ở phường Long Phú, Thị xã Tân Châu, An Giang, thu hoạch vụ lúa Thu Đông 2023 ở Đồng bằng sông Cửu Long đang dần về cuối vụ, chỉ còn một số diện tích ở tỉnh An Giang. Hiện nay nông dân ở Thị xã đang thu hoạch lúa Thu Đông và bán với giá 9.800 đồng/kg. Vào tuần trước, một số thời điểm ngắn, giá bán thậm chí lên mức 10.000 đồng/kg.
“Hơn 40 năm gắn bó với cây lúa, đây là lần đầu tiên trong đời tôi bán lúa được giá 9.800 đồng/kg, đây là mức giá có “nằm mơ” tôi và bà con ở đây cũng không dám nghĩ đến. Chưa có vụ lúa nào vui như vụ lúa này”, ông Hòa nói.
Ông Hòa cho biết, lúc mới xuống giống lúa Thu Đông có nhiều cò lúa, lái lúa tới hỏi mua lúa non giá 8.000 đồng/kg, và đặt cọc 500.000 đồng/công, nếu lúc đó lấy cọc bây giờ bị lỗ 1.800 đồng/kg.
"Khi giá lúa lên cò lúa không trả thêm tiền cho nông dân nhưng ngược lại giá lúa giảm họ sẽ xin, nếu không cho họ tìm đủ mọi cách như bỏ cọc, kéo dài thời gian thu hoạch hoặc gây khó khăn khác. Bây giờ cũng vậy, lúa Đông Xuân 2023 – 2023 vừa sạ cò lúa đến hỏi mua giá từ 8.700 - 9.000 đồng/kg đối với giống Đài Thơm 8, giống lúa IR 50404 có 8.300 – 8.400 đồng/kg và đặt cọc trước 500.000 đồng/công nhưng bà con ở đây không ai bán lúa non”, ông Hoà nói thêm.
Một doanh nghiệp gạo ở miền Tây cho biết, ngày 21/12/2023, mảng gạo chợ tại Sa Đéc nguồn gạo nguyên liệu Việt về ít, nguồn Campuchia có lai rai, chủ yếu là gạo OM 5451 và gạo Sóc Miên. Gạo OM 5451 loại đẹp và gạo thơm tại các kho gạo chợ cho giá cao hơn trung bình từ 50-70 đồng/kg so với mặt bằng chung mới mua được gạo.
Việc giá gạo chợ tại các đầu mối được đẩy lên thì giá gạo bán trong nước sẽ còn tăng cao trong những ngày tới, đặc biệt là vào dịp cuối năm nhu cầu tiêu dùng trong nước tăng và để bước qua năm mới làm ăn thuận lợi người Việt Nam có truyền thống “gạo đầy lu, muối đầy hũ” nên sẽ tăng mua gạo dự trữ trong nhà.
Thị trường gạo xuất khẩu tiếp tục thuận lợi đến nửa đầu năm sau
Dẫn nguồn Oryza, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết giá gạo xuất khẩu các loại của các nước Việt Nam, Thái Lan và Pakistan cụ thể như sau:
Gạo loại 5% tấm của Việt Nam có giá 663 USD/tấn, so với một tuần trước giá gạo Việt Nam không thay đổi, trong khi đó, gạo 5% tấm Thái Lan tăng 3 USD/tấn, đạt mức giá 646 USD/tấn, còn gạo 5% tấm của Pakistan vẫn ở mức giá 593 USD/tấn. Như vậy, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đang cao hơn gạo cùng loại của Thái Lan 17% USD/tấn, và cao hơn Pakistan 70 USD/tấn. Đối với loại gạo 25% tấm, gạo Việt Nam cao hơn gạo Thái Lan đến 643 USD/tấn đang ở mức 643 USD/tấn, so với gạo 25% tấm của Pakistan thì gạo Việt Nam cao hơn đến 130 USD/tấn.
Dự báo thị trường xuất khẩu gạo cuối năm và nửa đầu năm sau, VFA nhận định xuất khẩu gạo sẽ tiếp tục thuận lợi do nhu cầu thế giới tăng cao.
Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2023-2024 đạt gần 518 triệu tấn, trong khi tổng mức tiêu thụ là 525 triệu tấn, tăng 2,8 triệu tấn so với năm trước, và USDA cho rằng nhu cầu nhập khẩu từ các nước sẽ tăng trong đó có Philippines.
Ông Leocadio Sebastian, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Phillipines cho rằng: “Việt Nam và Philippines có quan hệ giao thương rất lâu năm, và trong thời gian tới chúng tôi cần nhập khẩu một lượng gạo lớn để tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, ngoài mua gạo của Việt Nam chúng tôi sẽ hỗ trợ các bạn xây dựng vùng sản xuất lúa tốt hơn”.
Các chuyên gia ngành hàng lúa gạo cùng có chung nhận định, gắn liền với xu thế của thế giới hoạt động sản xuất và chế biến lúa gạo của Việt Nam đã có sự dịch chuyển lớn, đặc biệt chủng loại gạo thơm chất lượng cao đã đáp ứng tốt thị hiếu tiêu dùng của các thị trường lớn.
Để giảm giá thành gạo xuất khẩu, tăng tính cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu sắp tới đây, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ tập trung cắt giảm các khâu trung gian, tập trung vào công tác khuyến nông giúp người nông dân sản xuất lúa một cách bền vững và hiệu quả.
Theo số liệu của Cục Trồng trọt – Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, đến nay vụ Thu Đông 2023, các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã thu hoạch được 610 ngàn ha/ 685 ngàn ha diện tích gieo sạ, năng suất bình quân khoảng là 57 tạ/ha; vụ Đông Xuân 2023-2024, đã bắt đầu gieo sạ được 651 nghìn ha/ 1,5 triệu ha diện tích kế hoạch.