TS. Lê Xuân Nghĩa: Chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp sẽ khởi sắc hơn trong năm 2024
Nền tảng vĩ mô ổn định, tăng trưởng kinh tế vĩ mô năm 2024 được dự báo sẽ cao hơn năm 2023, mặt bằng lãi suất thấp hơn,… TS. Lê Xuân Nghĩa dự báo, thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp sẽ khởi sắc.
Nhìn vào diễn biến của thị trường chứng khoán (TTCK), TS. Lê Xuân Nghĩa - Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia nhận định, lòng tin của các nhà đầu tư vào triển vọng tăng trưởng của Việt Nam khá cao, đặc biệt là lòng tin của nhà đầu tư nước ngoài, kể cả đầu tư gián tiếp và đầu tư trực tiếp.
“Các nhà đầu tư nước ngoài đang tiếp tục ở lại thị trường Việt Nam. Thỉnh thoảng họ bán ròng, nhưng rồi lại nhanh chóng mua ròng. Họ không chuyển tiền đầu tư ra nước ngoài nhiều như một số thị trường khác, dù lãi suất ở Mỹ, châu Âu khá cao. Họ vẫn để tiền ở tài khoản ở Việt Nam lúc muốn thì họ lại mua lại. Điều này cho thấy, họ vẫn có lòng tin vào TTCK Việt Nam, đó là dấu hiệu tốt”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định.
Lướt qua các nhóm cổ phiếu và diễn biến trong năm, vị chuyên gia này phân tích, sau khi thị trường rơi vào tình trạng rất bi quan ở cuối năm 2022, thị trường lại dần phục hồi trở lại. Cổ phiếu của các doanh nghiệp thuộc khối thị trường tài chính, như ngân hàng, công ty chứng khoán… phục hồi nhanh nhất. Dù mức độ phục hồi chưa ổn định nhưng dù sao đây cũng là khu vực tạo ra trụ cột cho toàn bộ thị trường tài chính.
Thời gian gần đây một số mã chứng khoán nhóm dầu khí đã phục hồi nhờ giá dầu thế giới tăng. Trong bối cảnh, xung đột địa chính trị trên thế giới khả năng còn kéo dài, nhiều dự đoán rằng nhóm dầu khí tiếp tục được đầu tư nhiều hơn.
“Về nhóm bất động sản, tình trạng đóng băng của thị trường này có thể còn kéo dài và có thể kéo dài 2-3 năm”, TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định và cho rằng: “Đây là vấn đề mà nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư chứng khoán hay trái phiếu doanh nghiệp cũng như đầu tư bất động sản lo ngại nhất. Tuy vậy, thời gian gần đây, một số dấu hiệu phục hồi đã xuất hiện”.
Dự báo cho năm 2024, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, thị trường sẽ có những điểm mạnh và những thuận lợi rất rõ ràng. Đó là nền tảng vĩ mô ổn định và tăng trưởng kinh tế sẽ cao hơn năm 2023, với mục tiêu đặt ra là 6,5%. “Điều đó cũng có tác động tâm lý khá tốt cho thị trường”.
Thuận lợi nữa là trong năm 2024, lãi suất tại các nước châu Âu, Mỹ có khả năng giảm. Khi lãi suất giảm, dòng vốn sẽ hướng tới các nước đang phát triển, đặc biệt là các thị trường mới nổi và có triển vọng phục hồi tốt như Việt Nam.
Một thuận lợi nữa cho thị trường trong năm 2023, đó là lãi suất ngân hàng đang ở mức rất thấp. Đây là cơ hội tốt cho doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp lãi suất thấp. Lãi suất ngân hàng thấp cũng là yếu tố thuận lợi khiến kênh đầu tư chứng khoán hấp dẫn hơn.
Dù có nhiều thuận lợi nhưng TS. Lê Xuân Nghĩa cũng lưu ý, sẽ có những thách thức phải đối mặt. Đầu tiên là cầu thế giới vẫn ở mức thấp. Nguyên nhân là, sau đại dịch COVID-19, thế giới xuất hiện xu hướng sống tối giản và tiết kiệm hơn. Đặc biệt, kinh tế Trung Quốc đang khá trì trệ, có dấu hiệu thiểu phát, nên cầu càng khó phục hồi nhanh. Theo đó các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ khó khăn.
Một thách thức nữa là tiêu chuẩn mới về kinh tế xanh và xu hướng tiêu dùng xanh. Từ năm 2024 trở đi, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng như các doanh nghiệp phải đáp ứng các yêu cầu về kinh tế xanh ngày càng rõ ràng hơn. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã hướng các doanh nghiệp niêm yết phải có báo cáo khí phát thải nhà kính.
Châu Âu cũng yêu cầu, năm 2023, các doanh nghiệp trong các ngành: xi măng, phân bón, gỗ, sắt thép… muốn xuất khẩu vào châu Âu phải có báo cáo phát thải khí nhà kính. Từ năm 2026, tất cả các mặt hàng nhập khẩu vào EU phải có báo cáo này.
Theo lộ trình đến năm 2030 thuế suất đánh vào phát thải lên đến 18-20%. Đến năm 2034 thuế suất lên đến 100%. Theo đó, cứ 1 tấn phát thải khí nhà kính theo định giá của Singapore vào khoảng 60-80 USD, thì phải nộp thuế 60-80 USD.
“Báo cáo khí phát thải, tiêu chuẩn xanh… là rào cản kỹ thuật rất là nghiêm trọng cho tất cả các doanh nghiệp của Việt Nam. Điều đáng lo là nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa có sự chuẩn bị cho mối nguy này”, TS. Lê Xuân Nghĩa bày tỏ.