Chứng khoán

Tâm điểm chứng khoán: Thị trường có thể thoát khỏi sự trầm lắng?

Mai Hương 25/12/2023 - 11:20

Không khí giao dịch của thị trường trước khi kết thúc năm 2023 đang trở nên trầm lắng và kém sôi động. Các chuyên gia đã đưa ra quan điểm về xu hướng giao dịch những phiên cuối năm và giai đoạn đầu năm 2024.

tamdiemck187-7766-2315.jpg
Từ trái qua: Ông Đinh Quang Hinh, ông Bùi Văn Huy, ông Trần Trương Mạnh Hiếu.

Xu hướng bán ròng của nhà đầu tư ngoại có thể hạ nhiệt nhưng nhà đầu tư nội vẫn dè dặt

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường, Khối Phân tích VNDIRECT

Theo tôi, việc khối ngoại duy trì bán ròng 18 phiên liên tiếp đang là yếu tố gây ra tâm lý thận trọng đối với dòng tiền nội và là tác nhân chính cản trở đà phục hồi của thị trường chứng khoán.

Vậy điều gì đã khiến dòng tiền ngoại liên tục bán ròng thời gian gần đây, bất chấp việc áp lực tỷ giá đã hạ nhiệt. Điều này xuất phát từ sự đối lập, lệch pha giữa các thị trường tài chính trên thế giới. Theo đó, việc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phát đi tín hiệu ngừng tăng lãi suất điều hành và dự báo 3 đợt giảm lãi suất trong năm tới đã kéo các thị trường phát triển, đặc biệt là Mỹ tăng điểm mạnh. Thậm chí có chỉ số chứng khoán Mỹ đã vượt đỉnh lịch sử.

Có thể thấy, thị trường Mỹ và một số thị trường phát triển khác như Nhật Bản đang “vượt trội” so với phần còn lại. Điều này khiến dòng vốn đầu tư dịch chuyển về các thị trường vốn đang có thành tích tốt và xu hướng mạnh như thị trường chứng khoán Mỹ, thị trường Nhật Bản. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Việt Nam có thành tích không tốt trong giai đoạn từ cuối tháng 9/2023 tới nay.

Điều đó khiến dòng vốn đầu tư gián tiếp, đặc biệt là dòng tiền đầu cơ, có xu hướng rút ròng và tìm kiếm cơ hội ở những thị trường thuận lợi hơn. Việc khối ngoại liên tục bán ròng với giá trị lớn đã khiến dòng tiền nội “chùn bước” và là lực cản chính cho sự phục hồi của các chỉ số chứng khoán trong nước.

Tuần tới, trong bối cảnh nhiều thị trường phát triển sẽ đóng cửa một vài phiên để nghỉ lễ, áp lực bán của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam có thể hạ nhiệt. Tuy nhiên, xu hướng này có thể chỉ là tạm thời dẫn tới tâm lý dè dặt, thận trọng của nhà đầu tư nội chưa thể giải tỏa hoàn toàn. Trong bối cảnh đó, các chỉ số chứng khoán khó có thể kỳ vọng bứt phá mạnh trong tuần giao dịch cuối cùng của năm 2023.

Theo đó, tôi cho rằng, chỉ số VN-Index có thể phục hồi nhẹ hướng tới vùng 1.120-1.130 điểm trong tuần tới. Nhà đầu tư nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải và hạn chế sử dụng đòn bẩy ở thời điểm này, đặc biệt trong bối cảnh xu hướng tăng trung hạn của chỉ số VN-Index chưa được xác lập cho đến khi VN-Index vượt “thuyết phục” qua vùng kháng cự quanh 1.150 điểm.

Thanh khoản thấp tốt hơn là những phiên "bùng nổ xịt"

Ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, Công ty Chứng khoán DSC

Thực tế cho thấy, sau câu chuyện hạ lãi suất 4 lần liên tiếp, thị trường không có câu chuyện đủ lớn để kích hoạt dòng tiền. Trong khi đó, đà phục hồi kinh tế tích cực nhưng vẫn chậm rãi khiến dòng tiền có xu hướng thận trọng. Lãi suất thấp nhưng tiền vẫn ở tiền gửi ngân hàng cho thấy tâm lý thận trọng và môi trường kinh doanh không tốt. Nếu kinh tế phục hồi tích cực, niềm tin và dòng tiền có xu hướng cái thiện nhưng sẽ theo cách từ từ, không đột biến được.

Tôi cho rằng, dòng tiền duy trì thấp nhưng đều đặn. Các phiên tiền vào đột biến và giao dịch tỷ đô thường là những phiên “bùng nổ xịt” trong suốt thời gian qua. Tiền vào đột biến chỉ là cách cá nhân FOMO vào cả thị trường một lúc và sau đó là các phiên hụt thanh khoản. Thị trường thanh khoản thấp cũng không sao, vẫn có sự phân hóa còn tốt hơn vội vã tiền vào đột biến rồi không duy trì được.

Thị trường chứng khoán thích sự kiện, câu chuyện hơn là một quá trình. Ví dụ quá trình phục hồi kinh tế nếu có tích cực cũng sẽ kéo tiền từ từ trở lại chứ không ồ ạt được. Quá trình nâng hạng đã là câu chuyện nhiều năm và hiện tại cũng phải cần được "chốt hạ" mới kích hoạt dòng tiền.

Trước tiên, xét về biểu hiện, thị trường hiện tại kém sôi động với thanh khoản thấp, khối ngoại bán ròng dứt khoát và tâm lý dè dặt của nhà đầu tư cá nhân.

Sẽ khó có hiệu ứng tích cực từ thị trường thế giới khi Mỹ đã quá mua và có những dấu hiệu phân phối. Trong khi Trung Quốc và các thị trường Đông Nam Á khá yếu. Trong nước thì kinh tế vẫn phục hồi nhưng chậm. Khối ngoại vẫn bán ròng vì thực sự Việt Nam không hấp dẫn trong ngắn hạn nếu so lên bàn cân với nhiều thị trường.

Tuần tới sẽ xuất hiện nhiều thông tin vĩ mô quý IV/2023 và tháng 1/2024 sẽ là mùa kết quả kinh doanh. Dự báo cá nhân tôi thì số liệu vĩ mô sẽ kém hơn kỳ vọng còn số liệu kết quả kinh doanh thì phân hóa, khó có đột biến.

Nhiều khả năng sẽ tương đồng như mùa số liệu vĩ mô quý III/2023 nên sẽ cần khoảng 1 tháng để thị trường hấp thụ hết thông tin này (tháng 10/2023 đáy ngắn hạn).

Điểm nhấn trong mùa BCTC quý IV/2023 sẽ là nợ xấu nhóm ngân hàng và lợi nhuận nhóm cổ phiếu Bất động sản (nhóm này hiện đã tăng nhiều, chủ yếu do kỳ vọng).

Từ bối cảnh ở trên, có thể thấy vẫn chưa có nhiều động lực cho thị trường bứt phá trong tuần giao dịch mới. Biên độ dao động hiện tại là vùng 1.080-1.120 điểm.

Trong khi đó, dịp nghỉ Lễ Giáng sinh và năm mới cận kề, khả năng thanh khoản thị trường vẫn ở mức thấp. Các dữ liệu kinh tế quan trọng và kết quả quý IV/2023 sẽ định hướng kỳ vọng thị trường, tương tự như cách thị trường đã diễn biến cuối quý III/2023. Nếu dữ liệu tốt hơn kỳ vọng, thị trường sẽ tự tin hơn và bứt phá khỏi 1.120 điểm.

Nếu trong khoảng kỳ vọng, biên biến động 1.080-1.120 điểm sẽ được duy trì. Còn nếu kém hơn kỳ vọng, khả năng thủng 1.080 sẽ xảy ra. Như đã nói ở trên, với những tín hiệu từ nền kinh tế thực, tôi không bi quan, nhưng không đặt xác suất cao cho việc các dữ liệu sắp tới sẽ tốt hơn kỳ vọng.

Thị trường khó bùng nổ khi Tết Nguyên Đán đã đến gần

Ông Trần Trương Mạnh Hiếu, Trưởng phòng phân tích Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam

Nguyên nhân khiến cho thị trường thiếu đi sự sôi động gần đây là do ảnh hưởng từ kỳ nghỉ lễ cuối năm. Theo đó, ở các thị trường châu Âu và Mỹ chuẩn bị cho kỳ nghỉ giáng sinh và cuối năm. Thường nhà đầu tư sẽ ít giao dịch trong giai đoạn này. Điều này cũng ảnh hưởng phần nào đến tâm lý nhà đầu tư trên thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, giai đoạn này cũng là vùng trũng thông tin khi không có nhiều thông tin quan trọng có thể tác động đến thị trường. Nên nhà đầu tư cũng hạn chế giao dịch và chờ đợi những thông tin quan trọng.

Dự kiến khi kỳ nghỉ cuối năm qua đi thị trường sẽ sôi động trở lại. Tuy nhiên, sẽ không thể thực sự bùng nổ khi kỳ nghỉ Tết Nguyên đán đang đến gần.

Tôi kỳ vọng thị trường sẽ duy trì xu hướng tăng trưởng trong suốt năm 2024 nhờ vào sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam, xu hướng này đã bắt đầu từ quý I/2023.

Thứ hai là dòng vốn FDI, hiện dòng vốn này đang có xu hướng tăng cường đầu tư vào Việt Nam, với các hiệp định FTA và sự hợp tác toàn diện hiện tại, Việt Nam đang trở thành điểm sáng trong thu hút dòng vốn này.

Cuối cùng, FED dự kiến sẽ bắt đầu giảm lãi suất trong năm 2024, có thể là từ quý II/2024. Một số nhóm cổ phiếu có thể dẫn dắt xu hướng thị trường có thể kể đến như bất động sản khu công nghiệp, cảng biển với câu chuyện về dòng vốn FDI và khả năng phục hồi kinh tế khi kỳ vọng FED giảm lãi suất trong năm 2024. Nhu cầu tiêu dùng của các thị trường như Mỹ và châu Âu có thể phục hồi. Khi đó, đơn hàng ở các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ gia tăng, đồng thời nhu cầu với logistics và cảng biển sẽ tăng trở lại.

Ngoài ra, ngành chứng khoán với câu chuyện KRX sẽ đi vào hoạt động trong thời gian tới.

Mai Hương