Các Hiệp hội ngành, nghề

Surimi và bột cá sẽ sớm gia nhập "câu lạc bộ" tỷ đô

Nguyễn Huyền 25/12/2023 - 11:45

Trong khi xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn thì sản xuất, xuất khẩu surimi (bột cá xay làm thực phẩm cho người) và bột cá đang phát triển mạnh và được dự báo sẽ sớm gia nhập vào câu lạc bộ xuất khẩu tỷ đô trong tương lai gần.

Hội nghị ngành Surimi và Bột cá - Thành lập câu lạc bộ doanh nghiệp Surimi và Bột cá VASEP
Hội nghị ngành Surimi và Bột cá - Thành lập câu lạc bộ doanh nghiệp Surimi và Bột cá VASEP

Thu về từ 300 – 420 triệu USD surimi xuất khẩu mỗi năm

Surimi được đánh giá là sản phẩm thủy sản phổ biến, được sử dụng như một thành phần quan trọng trong một số món ăn, đặc biệt là trong ẩm thực châu Á. Ngoài ra, người tiêu dùng ưa chuộng surimi vì giá trị dinh dưỡng cao, thời hạn sử dụng phù hợp.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, surimi và bột cá là nhóm ngành đặc trưng và tiêu biểu tạo nên chuỗi kinh tế tuần hoàn của thủy sản. Nhóm ngành này không chỉ tạo công ăn việc làm cho nông, ngư dân và người dân tại các địa phương, mà còn đóng góp đáng kể cho kinh tế thủy sản của đất nước và chăn nuôi nói chung.

Trong 5 năm qua, mỗi năm Việt Nam thu về 300 – 420 triệu USD từ sản phẩm surimi xuất khẩu, bao gồm cả surimi cá biển và surimi cá tra, chiếm 4%-5% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước. Trong số hàng trăm sản phẩm thủy sản đông lạnh, chế biến, tươi, sống, khô… surimi là một phân khúc có dư địa và tiềm năng phát triển vì đặc thù phù hợp của nghề cá trong nước và xu hướng gia tăng tiêu thụ của thị trường thế giới.

“Sản xuất, xuất khẩu surimi đang và sẽ phát triển mạnh vì được đánh giá là sản phẩm thủy sản phổ biến nhờ hiệu quả về mặt chi phí, được sử dụng như một thành phần quan trọng trong một số món ăn, đặc biệt là trong ẩm thực châu Á. Ngoài ra, người tiêu dùng ưa chuộng surimi vì giá trị dinh dưỡng cao, thời hạn sử dụng phù hợp”, ông Hòe nói.

Việt Nam hiện có hơn 100 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu các mặt hàng chả cá và surimi. Theo ý kiến của các doanh nghiệp và địa phương, vấn đề lớn nhất của ngành chế biến surimi và bột cá là quy trình bảo quản cá đánh bắt, nước thải môi trường và nguồn nhân công tay nghề cao. Nếu giải quyết được những vấn đề này thì ngành surimi và bột cá sẽ sớm gia nhập vào câu lạc bộ tỷ USD trong tương lai gần.

Kim ngạch xuất khẩu khẩu bột cá đạt 120 - 130 triệu USD năm 2023

Bên cạnh tăng trưởng sản phẩm surimi thì ngành bột cá cũng đang tăng đáng kể, mấy năm gần đây hoạt động nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam và thế giới ngày càng tăng về diện tích nuôi lẫn sản lượng nên nhu cầu về thức ăn thủy sản tăng nhanh. Dự kiến xu hướng này sẽ còn tiếp tục tăng trong vài năm tới vì bột cá là một trong những nguồn nguyên liệu chính để sản xuất thức ăn chăn nuôi nói chung và thủy sản nói riêng.

Việt Nam sản xuất 530- 540 nghìn tấn bột cá/năm, trong đó xuất khẩu 200-280 nghìn tấn, bao gồm cả bột cá sản xuất từ cá biển và bột cá sản xuất từ phụ phẩm cá tra. Việt Nam cũng đồng thời nhập khẩu 130-140 nghìn tấn/năm bột cá có hàm lượng protein cao. Trong 10 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu 108 triệu USD bột cá các loại và nhập khẩu khoảng 89 triệu USD. Ước tính năm nay kim ngạch xuất khẩu bột cá của Việt Nam 120 - 130 triệu USD và nhập khẩu khoảng 100 – 110 triệu USD.

Có thể nói, surimi và bột cá đang trở thành nhóm ngành có vị trí quan trọng của thủy sản Việt Nam, dư địa phát triển còn lớn nhưng cũng ngày càng có nhiều các yêu cầu đặc thù liên quan đến môi trường, kiểm soát IUU, chứng nhận bền vững để duy trì vị trí quan trọng trong kinh tế tuần hoàn của ngành thủy sản.

Tại “Hội nghị ngành Surimi và Bột cá - Thành lập câu lạc bộ doanh nghiệp Surimi và Bột cá VASEP”, do VASEP tổ chức mới đây, bà Nguyễn Thị Thu Sắc cho biết, cơ hội sản xuất xuất khẩu surimi và bột cá của Việt Nam còn rất tiềm năng, vì vậy khi Câu lạc bộ Surimi và Bột cá đi vào hoạt động không chỉ thể hiện sự đóng góp của 2 nhóm hàng này vào toàn ngành kinh tế thủy sản Việt Nam, mà còn thể hiện sự đóng góp chia sẻ và tuân thủ về kinh tế tuần hoàn và IUU của EU.

Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, với lợi thế khai thác thủy sản tại 28 tỉnh ven biển và nuôi trồng thủy sản là lợi thế của Việt Nam trong thời gian tới, nhu cầu surimi và bột cá trên thị trường ngày càng phát triển và lĩnh vực này Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển. Bột cá của Việt Nam rất tốt nhưng tại sao lại đi nhập khẩu bột cá từ nước ngoài, đây là vấn đề khiến Cục Thủy sản trăn trở.

tran-dinh-luan-5307.jpg
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản

“Có phải do chúng ta chưa áp dụng công nghệ tiên tiến nên lợi thế ngành hàng chưa phát huy? Bên cạnh đó, để thủy sản Việt Nam có thể đi vào thị trường thế giới dễ dàng vấn đề “nhãn xanh” cũng phải hết sức chú trọng. Cục Thủy sản sẽ cùng đồng hành với VASEP để đưa ngành hàng thủy sản phát triển bền vững và đi theo nền kinh tế tuần hoàn”, ông Luân nói.

Nguyễn Huyền