Khối ngoại mua ròng trở lại sau 20 phiên, VN-Index chưa thể bứt phá qua MA200
Sự quyết đoán tăng trước đường xu hướng dài hạn chưa được ghi nhận ở phiên hôm nay dù cho khối ngoại trở lại mua ròng và chứng khoán châu Á có sắc xanh đồng loạt. Thậm chí, VN-Index còn mất điểm nhẹ về cuối phiên.
Định vị thị trường
Nhà đầu tư trong nước đang phải chịu ức chế tâm lý khá nhiều khi VN-Index đang bị bỏ lại khá xa trong xu hướng tích cực chung của các thị trường châu Á. Kết quả giao dịch của các thị trường tốt nhất khu vực như NIKKEI 225 (+1,13%), TWSE (+0,79%), KOSPI (+0,42%) đều tốt hơn VN-Index trong phiên hôm nay bất chấp thành tích vẫn đang vượt trội.
Chỉ số đã không có sự quyết đoán trong việc bứt phá khỏi đường MA200, thậm chí còn quay đầu giảm điểm nhẹ về cuối phiên.
Chất xúc tác
Sau 20 phiên bán ròng liên tiếp, khối ngoại đã có lần đầu tiên trở lại mua vào trên thị trường chứng khoán Việt Nam với giá trị ròng đạt trên 100 tỷ đồng. Riêng HOSE đã nhận được 114,22 tỷ đồng với các mã được mua tốt nhất là HCM (+55,7 tỷ đồng), TPB (+42,18 tỷ đồng), MSN (+30,05 tỷ đồng), VHM (+28,65 tỷ đồng).
Tất nhiên, diễn biến mới này có thể chưa hoàn toàn đảo ngược xu hướng bán ròng của khối ngoại thời gian qua bởi đây cũng là giai đoạn cuối năm với tâm lý chuẩn bị nghỉ lễ tại các thị trường chứng khoán thế giới.
Lẽ ra, về mặt tâm lý, thị trường cần phải thể hiện tích cực khi đã nới lỏng phần nào nút thắt tâm lý còn lại. Tuy nhiên, điều này lại chưa xảy ra ở phiên hôm nay khi quy mô khớp lệnh tiếp tục tăng khá chậm rãi so với phiên hôm qua, tăng 4,17%.
Vận động thị trường
Nhiệm vụ điều tiết thị trường hiện đều nằm trong tay các cổ phiếu vốn hóa lớn và các mã này đã không thể hiện ý chí rõ ràng. Độ rộng của VN30 tới khi hết phiên giao dịch có sự cân bằng với 13 mã tăng so với 13 mã giảm.
Tăng tốt nhất trong VN30 chỉ có TPB (+2,1%), MSN (+1,2%) đạt biên độ trên 1% trong khi chiều ngược lại SAB (-1%) là mã giảm mạnh nhất. Các cổ phiếu Ngân hàng như MBB (-0,3%), STB (-0,4%), VCB (-0,1%), VPB (-0%), BID (0%) đều không đóng góp nhiều vào vận động chỉ số trong khi VHM (0%), VIC (+0,1%), VRE (-0,2%) cũng gần như tương tự.
VN-Index thiếu đi sự hậu thuẫn cần thiết nên đã không thể đáp ứng được kỳ vọng và còn giảm điểm nhẹ, mất 0,26 điểm (-0,02%) xuống 1.121,99 điểm. Giá trị giao dịch đạt 19.333 tỷ đồng trong đó có hơn 7.100 tỷ đồng đến từ thỏa thuận. Riêng cổ phiếu VHM đã có thỏa thuận tới hơn 4.000 tỷ đồng.
Các mã Midcap và Penny hầu như cũng đều "án binh bất động" và chấp nhận dao động trong biên độ hẹp. Số mã giảm thậm chí có phần còn nhỉnh hơn thể hiện qua độ rộng toàn sàn đạt 43% mã giảm so với 38% mã tăng giá.
Các mã được xem là nhóm đi trước cả thị trường như BMP (+0,19%), GMD (+0,42%), HAH (-1,69%), SZC (-1,11%) đều chưa có thêm bước tiến đáng kể nào.
Sức ì của HOSE cũng đang kìm hãm 2 sàn còn lại. HNX-Index và UPCoM-Index đều không có đột phá nào khi biến động trái chiều nhau, lần lượt giảm 0,29% và tăng 0,25%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt 2.100 tỷ đồng.