Đón nhận ý chí mạnh mẽ hơn từ Bluechips, VN-Index đã rướn qua MA200
Thị trường khó có thể chinh phục được xu hướng tăng dài hạn nếu như thiếu đi sự đồng thuận của các cổ phiếu lớn. Các nỗ lực mạnh hơn từ nhóm cổ phiếu lớn đã ghi nhận rõ hơn giúp VN-Index đóng cửa trên MA200 trong phiên giao dịch ngày 28/12.
Định vị thị trường
Chứng khoán châu Á trong những phiên cuối cùng của năm 2023 đang giao dịch khá "rực rỡ" với những phiên tăng điểm đồng loạt. Phiên hôm nay (ngày 28/12), thị trường chứng khoán Trung Quốc và Hong Kong ghi nhận mức tăng mạnh nhất khu vực với CSI 300 (+2,34%), Hang Seng (+2,61%).
Trong khi đó, thị trường Hàn Quốc cũng nối tiếp những thành tích trước đó với phiên tăng 1,6%.
Sau giai đoạn lình xình quanh đường MA200, chỉ số KOSPI đã bỏ lại VN-Index khá xa khi nới thành tích từ đầu năm lên mức 18,73%.
Chỉ số đại diện cho thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã cố gắng bắt nhịp cùng diễn biến khu vực nhưng với biên độ hẹp hơn, tăng 0,62%. Dù vậy, cần ghi nhận trạng thái chỉ số đã đóng cửa trên đường MA200.
Chất xúc tác
Về mặt dòng tiền, phiên hôm qua đã ghi nhận phiên đầu tiên khối ngoại mua ròng trở lại với quy mô ròng trên 100 tỷ đồng. Lực mua thậm chí còn ấn tượng hơn nữa khi họ mua ròng gấp hơn 3 lần phiên hôm qua. Trên HOSE, khối ngoại mua ròng 442 tỷ đồng, HNX mua ròng 11,21 tỷ đồng, còn UPCoM bị bán ròng 121,83 tỷ đồng.
Đóng góp của khối ngoại dù vậy cũng chỉ chiếm 6,42% tổng giao dịch 2 chiều. Còn lại tiền nội vẫn chiếm tỷ trọng áp đảo của HOSE và đã có sự cải thiện nhiều hơn. Khớp lệnh HOSE đã gia tăng 9,65% so với phiên hôm qua.
Vận động thị trường
Các mã được khối ngoại mua ròng nhiều nhất trên HOSE là VHC (+0,27%), HCM (+1,8%), FUEVFVND (+0,5%), HSG (+1,11%), ASM (+1,96%), HPG (+0,72%), đều tăng điểm nhẹ. Tuy nhiên, thực tế, các cổ phiếu có tác động tới thị trường lại là những trường hợp có dòng tiền nội chi phối.
SSB (+4,4%), VHM (+4,3%), VIC (+2,3%), TCB (+2,1%), ACB (+1,9%), VIC (+1,9%), VNM (+1,5%), VRE (+1,1%) là những mã đã tham gia nhiều nhất vào nỗ lực kéo điểm số cho VN30 với tỷ trọng tham gia của nhà đầu tư nội lấn lướt.
Kết phiên giao dịch, VN30 tăng tới 1,13% với giá trị giao dịch đạt 6.214 tỷ đồng. Trong khi đó, theo thống kê, nhà đầu tư nước ngoài chỉ mua ròng rổ này chưa đến 100 tỷ đồng: chiều mua vào là 590 tỷ đồng còn chiều bán ra là 499 tỷ đồng.
Tác động VN30 tới VN-Index được ghi nhận về mặt điểm số nhiều hơn là sự lan tỏa tới thị trường chung. Chỉ số VN-Index đóng cửa tăng 6,94 điểm (+0,62%) lên 1.128,93 điểm nhưng phần lớn các cổ phiếu vẫn còn khá cầm chừng.
Chỉ có một số ngoại lệ như TLD (+6,82%), SIP (+6,84%), ITC (+6,76%), HNG (+6,78%) tăng trần, trong khi các mã HCM (+1,8%), NKG (+1,87%), DXG (+0,79%), VCI (+1,55%), VGC (+1,68%)... chỉ tăng quanh biên độ 1%.
2 chỉ số còn lại là HNX-Index và UPCoM-Index đều không thể được sự "nhạy bén" khi chỉ tăng 0,33 và 0,59% dù đã có những tín hiệu dẫn dắt của HOSE. Giao dịch của 2 sàn vẫn thấp, đạt hơn 1.800 tỷ đồng.