Lãnh đạo các ngân hàng kỳ vọng gì trong năm 2024
Tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024 vừa diễn ra, đại diện các tổ chức tín dụng trong nước và quốc tế đều đánh giá cao những kết quả ngành Ngân hàng đã đạt được trong năm 2023. Bên cạnh đó, các phát biểu cũng kỳ vọng năm 2024, Chính phủ, NHNN và các bộ, ngành tiếp tục quyết liệt tháo gỡ khó khăn, qua đó, giúp các ngân hàng có thêm nhiều điều kiện để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế. Tạp chí Thị trường Tài chính tiền tệ xin trân trọng giới thiệu.
Agribank đã triển khai 8 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay
Với nhận định chung năm 2023 là năm mà kinh tế vĩ mô sẽ tiếp tục khó khăn và tác động tiêu cực nhiều hơn đối với khách hàng vay vốn so với năm 2022, chính vì vậy, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và NHNN, ngay từ đầu năm Agribank đã đề ra nhiều giải pháp để hoàn thành kế hoạch kinh doanh mà trong đó là trọng tâm là cải tiến thủ tục cho vay, hỗ trợ khách hàng vay vốn với quan niệm giúp cho khách hàng cũng là tạo điều kiện cho chính mình.
Theo đó, trong khả năng tài chính, Agribank đã triển khai 8 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay cho nhiều đối tượng khách hàng với mức giảm lớn nhất 4%/năm; tính chung cả năm 2023, tổng số lãi Agribank hỗ trợ cho khách hàng là khoảng 4.850 tỷ đồng.
Agribank triển khai 13 chương trình tín dụng ưu đãi quy mô 200.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi thấp hơn từ 2-3%/năm so với lãi suất cho vay thông thường; thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng khó khăn về dòng tiền trả nợ.
Hết năm 2023, Agribank hoàn thành các chỉ tiêu như huy động vốn đạt 1 triệu 885 nghìn tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 1 triệu 550 nghìn tỷ đồng, trong đó trên 60% dành cho “Tam nông”, tỷ lệ nợ xấu thấp hơn mức NHNN giao, lợi nhuận nộp ngân sách thực hiện đúng cam kết đảm bảo để Agribank được tăng vốn điều lệ 17.100 theo Đề án Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5. Agribank tập trung tăng cường phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số; số lượng giao dịch thanh toán trên kênh số của Agribank hiện chiếm trên 92%.
Để triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2024, Agribank xin được có một số kiến nghị, đề xuất như sau:
Một là, hoạt động sản xuất, xuất khẩu hàng hoá của doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2024 được dự báo tiếp tục gặp khó khăn. Vì vậy, để hỗ trợ cho tăng trưởng, việc kích thích sản xuất, tiêu dùng trong nước là rất quan trọng mà mấu chốt là việc tăng cường chính sách tài khoá, giải pháp thúc đẩy đầu tư công ngay từ đầu năm, đồng thời tháo gỡ vướng mắc về pháp lý liên quan đến dự án đầu tư, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy, môi trường, từ đó sẽ thúc đẩy tăng nhu cầu sử dụng vốn tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì được hoạt động, từng bước vượt qua khó khăn và đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.
Hai là, Chính phủ cần sớm xây dựng chính sách hỗ trợ tăng trưởng xanh như giảm, miễn thuế, chính sách hỗ trợ lãi suất đồng hành cùng các tổ chức tín dụng để khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, cải tiến, chuyển đổi sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, sản xuất xanh của các nước nhập khẩu đang và sẽ áp dụng. Đây là thách thức mới ngày càng tăng đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra, Chính phủ cũng cần có cơ chế cụ thể để Bộ Kế hoạch Đầu tư đưa vào kế hoạch bố trí ngân sách nhà nước cấp bù lãi suất cho ngân hàng thương mại thực hiện chính sách này. Hiện nay, Agribank vẫn còn gần 2.500 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất giai đoạn 2009 - 2010 nhưng vẫn chưa được bố trí ngân sách cấp bù.
Ba là, do điều kiện khó khăn kéo dài, mang tính dây chuyền cho nên đến nay, đa số các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng tiêu cực. Nhiều doanh nghiệp có nợ nhóm 1 khả năng đang đối diện với nguy cơ không trả được nợ gốc hoặc lãi đúng hạn vì không thu được tiền hàng do đối tác gặp khó khăn. Vì vậy, đề nghị NHNN cần sớm sửa đổi Thông tư số 02/2023/TT-NHNN cho phép tổ chức tín dụng được cơ cấu nợ giữ nguyên nhóm nợ với thời gian hợp lý để hỗ trợ doanh nghiệp. Việc triển khai chậm cơ chế này sẽ dễ dẫn đến các doanh nghiệp áp dụng các giải pháp tiêu cực để giữ nguyên nhóm nợ.
Cuối cùng, liên quan đến vấn đề cổ phần hoá Agribank, theo quy định tại Nghị định 126, việc cổ phần hoá chỉ được triển khai sau khi có phương án sắp xếp xử lý cơ sở nhà đất được phê duyệt. Trong khi đó, nguồn gốc hình thành, tình trạng pháp lý của các cơ sở nhà đất của Agribank có nhiều vướng mắc nên việc xử lý kéo dài. Mặc dầu rất cố gắng nhưng trong năm 2023 cũng chỉ xử lý được 12 mảnh, hiện còn 29 mảnh/2.174 mảnh vẫn chưa giải quyết được. Agribank sẵn sàng bàn giao nguyên trạng cho địa phương 29 mảnh còn vướng mắc này để triển khai cổ phần hoá, vì vậy kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo vấn đề này, mà không chờ xử lý tổng thể sau khi Luật Đất đai mới được thông qua và có hiệu lực.
Cần tiếp tục nâng cấp hạ tầng số và ban hành đồng bộ các cơ chế chính sách nền tảng pháp lý số
Năm 2023 là một năm cực kỳ khó khăn trong điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt, quyết đoán của Thủ tướng Chính phủ, sự điều hành linh hoạt sáng tạo của Ban Lãnh đạo NHNN, NHNN đã thành công với 1 chính sách tiền tệ tích cực, chủ động cân bằng đã hỗ trợ tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, kéo giảm lãi suất, ổn định tỷ giá; hỗ trợ doanh nghiệp người dân; ban hành nhiều quy định, chính sách nâng cao năng lực, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng. Đây chính là những điều kiện tiên quyết cho cộng đồng doanh nghiệp, cho các tổ chức tín dụng nói chung, BIDV nói riêng thực hiện tốt các nhiệm vụ kinh doanh; phát triển thể chế đã đề ra.
Theo đó, kết thúc niên độ 2023, BIDV đã hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu kế hoạch NHNN giao. Quy mô Tổng tài sản đạt trên 2 triệu 260 nghìn tỷ đồng. Dư nợ tín dụng đạt 1 triệu 750 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 16,6%; vốn tín dụng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN.
Đặc biệt, BIDV đã quyết liệt triển khai chỉ đạo của Chính phủ, NHNN trong việc thực hiện các chương trình tín dụng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận tín dụng, cơ cấu lại nợ, cho vay mới, giảm, miễn lãi, phí. Với tất cả các biện pháp đó, năm 2023, BIDV giảm lợi nhuận gần 5.900 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, duy trì, phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh.
Về chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng. Thực hiện chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ về Chương trình chuyển đổi số Quốc gia, NHNN đã ban hành nhiều chính sách chương trình hành động và đang tích cực đi đầu trong ứng dụng CNTT và chuyển đổi số Quốc gia. Bản thân các TCTD cũng ý thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, đến nay, theo thống kê đã có trên 96% NHTM đã và đang xây dựng Chiến lược chuyển đổi số.
Sau hơn 2 năm thực hiện Quyết định 810 ngày 11/05/2021 về Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến 2025, định hướng đến 2030, BIDV đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu theo lộ trình kế hoạch của NHNN. Cụ thể, BIDV đã chuyển đổi căn bản hoạt động kinh doanh ngân hàng, chuyển dịch từ kênh quầy sang kênh số, với 2 kênh ngân hàng điện tử chủ lực phục vụ doanh nghiệp và người dân là iBank và SmartBanking. Số lượng và giá trị giao dịch tăng trưởng mạnh (năm 2023: có hơn 93% số lượng giao dịch toàn hàng thực hiện trên kênh số; có 15 triệu khách hàng giao dịch trên kênh số với doanh số giao dịch hơn 14,2 triệu tỷ đồng); triển khai mô hình eZone tại các chi nhánh trên toàn quốc; nghiên cứu ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) Robot tự động, Chatbot trong phục vụ chăm sóc khách hàng; ứng dụng AI vào việc định danh khách hàng điện tử eKYC… Đặc biệt, ngày 29/11/2023, BIDV cho ra mắt hệ thống BIDV OPEN API phục vụ cho mô hình Ngân hàng mở (Openbanking) với trên 3.000 đối tác kết nối API, 47 trung gian thanh toán, dịch vụ công, kho bạc Nhà nước, Bảo hiểm xã hội…
Về triển khai Quyết định 06/QĐ-TTg ngày 6/1/2022 của Thủ tướng Chính phủ (Đề án 06) và Quyết định 264/QĐ-NHNN ngày 02/03/2023 của Thống đốc NHNN. BIDV đang tích cực phối hợp với các đơn vị của Bộ Công an, NHNN triển khai phục vụ 4 nhóm tiện ích của Đề án 06. BIDV đang phối hợp với C06 Bộ Công an và các đơn vị liên quan triển khai chương trình làm giàu cơ sở dữ liệu khách hàng, dữ liệu sinh trắc học phục vụ cho yêu cầu tất cả các giao dịch có giá trị trên10 triệu phải xác thực bằng dữ liệu sinh trắc học…
Để thúc đẩy chuyển đổi số hoạt động ngân hàng diễn ra mạnh mẽ hơn nữa, đề nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách hỗ trợ và chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan tiếp tục nâng cấp hạ tầng số (viễn thông, mạng Internet, kết nối 5G); ban hành đồng bộ các cơ chế chính sách nền tảng pháp lý số (quy định về chia sẻ thông tin, về dữ liệu; xây dựng và ban hành cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (Sandbox) hoạt động Fintech trong lĩnh vực ngân hàng…).
Luật giao dịch điện tử có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 sẽ tạo ra xung lực rất lớn đẩy mạnh giao dịch số. Do đó, đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm ban hành các quy định, hướng dẫn (đặc biệt là Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dung tiền mặt) tạo điều kiện cho các NHTM đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái phục vụ nhu cầu của khách hàng.
Luật hóa Nghị quyết 42, để tạo hành lang pháp lý và cơ chế cho hoạt động xử lý nợ
Trên cơ sở bám sát các chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, VietinBank luôn tích cực triển khai có kết quả các giải pháp trọng tâm nhằm phát huy vai trò là NHTM Nhà nước chủ lực, trụ cột, tiên phong trong việc cung ứng vốn cho nền kinh tế, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân.
Kết thúc năm 2023, ngân hàng đạt được một số kết quả nổi bật như: tăng trưởng dư nợ tích cực, hỗ trợ phát triển kinh tế, tiên phong thực hiện các chính sách của Chính phủ và NHNNVN, đến cuối năm dư nợ tăng trưởng tín dụng đạt 15,6%, tương đương đóng góp thêm gần 200 nghìn tỷ cho nền kinh tế; triển khai hiệu quả các chính sách của Chính phủ và NHNN như: hỗ trợ lãi suất theo Thông tư 03/2023/TT-NHNN với dư nợ hỗ trợ lãi suất là 12 nghìn tỷ đồng, tích cực thực hiện các biện pháp hỗ khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN,…;
Quyết liệt tiết giảm chi phí hoạt động theo chỉ đạo của NHNN với tỷ lệ CIR ở mức 28% thuộc nhóm thấp nhất ngành, quản trị chi phí vốn hiệu quả, tạo cơ sở để ngân hàng thực hiện 5 đợt giảm sàn lãi suất cho vay; tăng cường các sáng kiến chuyển dịch kênh, ứng dụng công nghệ, tự động hóa nhiều bước nhằm tiết giảm thời gian, chi phí giao dịch, gia tăng trải nghiệm của khách hàng, hiện khoảng 63% nghiệp vụ trọng yếu, 98% giao dịch của khách hàng cá nhân và 81% giao dịch của khách hàng doanh nghiệp tại VietinBank được thực hiện thông qua kênh số.
Nhằm tiếp tục phát huy vai trò hỗ trợ nền kinh tế, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và góp phần tăng trưởng kinh tế, VietinBank kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, phối hợp Bộ Tư pháp để: (i) sửa đổi, bổ sung rút gọn thủ tục phê duyệt dự án đầu tư bất động sản; (ii) UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện giải quyết các vướng mắc trong phê duyệt, trình phê duyệt quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết, kế hoạch sử dụng đất đảm bảo quỹ đất cho nhu cầu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân;
VietinBank cũng kiến nghị cơ chế tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính của ngân hàng, cũng như các NHTM Nhà nước khác. Hiện tại, VietinBank đã nhận được ý kiến của NHNN và Bộ Tài chính cho phép giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2022 để tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu. Do đó, VietinBank đề xuất: (i) các cơ quan có thẩm quyền cho phép ngân hàng được giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2023 để tăng vốn; (ii) phê duyệt chủ trương cho phép VietinBank được giữ lại toàn bộ lợi nhuận hàng năm của giai đoạn 2024 - 2028 để tăng vốn, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng.
Đối với vấn đề xử lý nợ xấu, để nợ xấu được xử lý có hiệu quả rất cần sự phối hợp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc từ các ngành, các cấp. Do đó, VietinBank đề xuất Luật hóa Nghị quyết 42, để tạo hành lang pháp lý và cơ chế cho hoạt động xử lý nợ. Các cơ quan có liên quan rà soát toàn diện các quy định pháp luật liên quan đến xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, để đề xuất ban hành sửa đổi/bổ sung, thiết lập mối liên kết giữa các quy định pháp luật, đồng thời quy định rõ nguyên tắc ưu tiên áp dụng pháp luật khi phát sinh những quy định khác nhau.
Đồng thời, các cơ quan tòa án, thi hành án cần đẩy nhanh tiến độ giải quyết, xử lý vụ việc, đảm bảo thực hiện đúng các quy định về thời hạn tố tụng, thời hạn thi hành án theo quy định của pháp luật để đẩy nhanh tiến độ, tăng hiệu quả xử lý, thu hồi nợ xấu của các TCTD.
MB đã hoàn thành phương án chuyển giao bắt buộc để báo cáo Ngân hàng Nhà nước trình Chính Phủ phê duyệt chính thức Đề án
MB đánh giá cao quá trình thúc đẩy đầu tư công các dự án giao thông trọng điểm năm nay. Trên cơ sở đó các chỉ số kinh tế vĩ mô đã phản ánh được sự điều hành quyết liệt, chủ động của Chính phủ, cũng như NHNN.
Ngay từ đầu năm, NHNN đã ban hành Chỉ thị 01/CT-NHNN, định hướng toàn ngành thực hiện nghiêm, hiệu quả chính sách tiền tệ năm 2023. Trong quá trình triển khai, NHNN điều hành linh hoạt, điều tiết hoạt động ngành Ngân hàng đạt được những mục tiêu tăng trưởng tín dụng, đảm bảo thanh khoản, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về nhu cầu vốn cho người dân, doanh nghiệp đồng thời ổn định lãi suất, quản lý nợ xấu. Kết quả là, tăng trưởng tín dụng toàn ngành đạt 13,71%, huy động vốn đạt 10,85%.
Đặc biệt, năm 2023, chúng ta làm một việc quan trọng là giảm được chi phí lãi vay của người dân và doanh nghiệp xuống từ 2-4%, điều hành tỷ giá linh hoạt, qua đó góp phần đưa Việt Nam được các tổ chức quốc tế nâng xếp hạng tín nhiệm lên BB+; hoạt động chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng cũng phát triển nhanh. Các ngân hàng có quy mô chuyển đổi số nhanh có mức giao dịch từ 50-99%, giá trị tăng 5,4-10,8% tùy phương thức thanh toán; hệ thống thanh toán ổn định, an toàn, thông suốt.
Với hoạt động kinh doanh của MB trong năm 2023 đạt: tăng trưởng tín dụng đạt 28,8%; giảm lãi suất cho vay từ 2-4%; kiểm soát chất lượng tín dụng chặt chẽ; tỷ lệ nợ xấu đến cuối năm ở mức 1,23%, trích lập dự phòng đầy đủ. Các chỉ số an toàn tuân thủ đảm bảo theo quy định; đóng góp vào ngân sách nhà nước là 7.700 tỷ đồng.
Về triển khai đề án tái cơ cấu, MB đã tham gia đề án tái cơ cấu ngành Ngân hàng với mục tiêu lành mạnh hóa tình hình tài chính, nâng cao hiệu hoạt động, nâng cao chất lượng hoạt động và năng lực quản trị, đáp ứng thích nghi với khó khăn, phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Trên cơ sở đó, MB đã xây dựng theo chỉ đạo chung của toàn ngành, tập trung tăng trưởng tín dụng theo đúng định hướng, chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, 65% dư nợ tăng mới theo nhóm ngành ưu tiên của Chính phủ; triển khai các chương trình ESG – tín dụng xanh; kiểm soát hiệu quả chi phí, nâng cao hoạt động từng điểm giao dịch, ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ sâu, rộng tới từng hoạt động của ngân hàng.
Với mục tiêu xử lý căn bản, triệt để nợ xấu, kiểm soát tỷ lệ nợ xấu, khắc phục các tồn tại, vi phạm rủi ro trong hoạt động, xử lý nợ xấu, hạn chế nợ xấu phát sinh. Theo đó, tổng giá trị xử lý/thu hồi nợ xấu năm 2023 của MB đạt hơn 5,3 nghìn tỷ đồng, giá trị thu hồi theo Nghị quyết 42 đạt hơn 17,1 nghìn tỷ đồng. Đồng thời, ngân hàng cũng triển khai các dự án quản trị rủi ro, ứng dụng dữ liệu, mô hình trong việc phát hiện sớm, dự báo rủi ro; bước đầu triển khai Basel III…
Với mục tiêu xây dựng và triển khai đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại và phát triển ngân hàng, MB thường xuyên rà soát và hoàn thiện hệ thống Quản trị - Điều hành – Giám sát theo thông lệ tiên tiến, quy định pháp luật, NHNN hiện hành…
MB triển khai nhiều giải pháp phối hợp với TCTD được kiểm soát đặc biệt để cải thiện hiệu quả kinh doanh, góp phần giảm lỗ lũy kế, hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2023 được NHNN giao. Đến nay, MB đã hoàn thành phương án chuyển giao bắt buộc để báo cáo Ban Kiểm soát đặc biệt và Ngân hàng Nhà nước trình Chính Phủ phê duyệt chính thức Đề án.
Dự báo năm 2024 còn nhiều khó khăn, thách thức, MB mong muốn Chính phủ, NHNN tiếp tục kiên định với các mục tiêu duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thực thi chính sách tiền tệ chủ động; Điều hành linh hoạt, thường xuyên quan tâm và tạo điều kiện, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, ngân hàng để tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, phát triển kinh tế bền vững.
Chính phủ và NHNN đã có một năm ấn tượng trong việc lãnh đạo, điều hành về chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng
Năm 2023 là một năm đầy thách thức đối với việc điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng ở Việt Nam do gặp nhiều khó khăn từ trong và ngoài nước. Trước những áp lực lớn như vậy, tôi đánh giá cao và chúc mừng Chính phủ và NHNN đã có một năm ấn tượng trong việc lãnh đạo, điều hành về chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng, góp phần đã đạt được các mục tiêu và hiệu quả kinh tế như: Tăng trưởng GDP 5,05%, cao hơn so với mức toàn cầu, kiểm soát lạm phát năm thành công ở mức 3,8%; vốn FDI thực hiện cao nhất trong 5 năm gần đây, khẳng định vị thế một điểm đến đầu tư hấp dẫn hàng đầu và một trung tâm sản xuất - đối tác thương mại đầy tiềm năng.
Chúng tôi đánh giá đây là một nỗ lực và thành tựu quan trọng trong bối cảnh áp lực lạm phát toàn cầu. Sự giám sát chặt chẽ và can thiệp kịp thời của NHNN đã giúp nền kinh tế ổn định, đảm bảo ổn định giá tiêu dùng.
Trong suốt năm 2023, NHNN đã linh hoạt điều hành chính sách tiền tệ với một số hành động như: (i) 4 lần giảm lãi suất điều hành; (ii) đảm bảo thanh khoản và kiểm soát nợ xấu; (iii) nỗ lực thực hiện chuyển đổi số và các sáng kiến ngân hàng xanh. Những chiến lược này không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc kích thích kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp trong thời kỳ kinh tế khó khăn, mà còn tăng cường sức khỏe và hiệu quả hoạt động của hệ thống ngân hàng.
Sự tin tưởng và đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với những thành tựu và hoạt động điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam là minh chứng rõ ràng nhất. Đáng chú ý nữa có thể kể tới như Bộ Tài chính Mỹ tiếp tục xác định Việt Nam không thao túng tiền tệ, nâng cao xếp hạng tín dụng quốc gia của Việt Nam năm 2023, Việt Nam được vinh danh là một trong 3 quốc gia tốt nhất thế giới tại Báo cáo đánh giá Ngân hàng Trung ương toàn cầu.
Hướng tới năm 2024, Nhóm Công tác ngân hàng nước ngoài rất lạc quan khi đưa ra dự đoán về những cơ hội và thách thức trong năm tới. Chúng tôi đánh giá cao việc Chính phủ và NHNN tiếp tục nỗ lực và quyết tâm chỉ đạo hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế.
Chúng tôi xin bày tỏ sự trân trọng và đánh giá cao tới Chính phủ Việt Nam và NHNN về cách tiếp cận chủ động, linh hoạt và nỗ lực trong việc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo cân bằng kinh tế. BWG cam kết đóng góp những công nghệ tiên tiến, an toàn nhất, cùng việc chia sẻ các kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn để góp phần hiện thực hóa mục tiêu phát triển ngành ngân hàng Việt Nam vững mạnh, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của đất nước.