Quy hoạch Hà Nội: Cần khai thác tiềm năng thế mạnh đặc thù của Thủ đô
Quy hoạch Thủ đô tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực được tập trung theo 5 tuyến hành lang và vành đai kinh tế, gắn với 5 trục phát triển; đồng thời, chú trọng phát triển 5 loại hình không gian: không gian xây dựng, không gian ngầm, không gian số, không gian văn hoá, không gian công cộng (đặc biệt là không gian xanh).
Ngày 9/1/2024 đã diễn ra Hội thảo tham vấn ý kiến đối với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ông Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì Hội thảo. Hội thảo còn có sự tham gia của các Bộ, ngành, UBND thành phố Hà Nội, các sở ngành của thành phố Hà Nội và các chuyên gia, nhà khoa học.
Xác định vấn đề trọng tâm, khâu đột phá của Hà Nội
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội được lập trong bối cảnh đã có Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định rất rõ về định hướng phát triển của đất nước đến năm 2045, Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 05/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cùng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020 – 2025; Quốc hội thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia và Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đặc biệt, hiện nay đã có 109/110 quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia hoàn thành việc lập, thẩm định và phê duyệt; trong đó 20 quy hoạch cấp quốc gia và 7 quy hoạch tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Hồng đã được phê duyệt.
Mặc dù tiến độ yêu cầu gấp (thời gian thực tế triển khai khoảng 12 tháng so với quy định là 24 tháng), song Quy hoạch Thủ đô Hà Nội vẫn được triển khai công phu, bài bản, nghiêm túc, tuân thủ các quy định của pháp luật về quy hoạch. Trong quá trình triển khai lập quy hoạch, Thành phố Hà Nội đã tổ chức xin ý kiến 21 Bộ, cơ quan Trung ương; 15 tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô và vùng Đồng bằng sông Hồng; các chuyên gia, nhà khoa học và xin ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư thông qua website của cơ quan lập Quy hoạch Thủ đô. Nội dung Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã thể hiện tư duy, tầm nhìn mới, phù hợp với định hướng phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021-2030; phát huy vai trò là cực tăng trưởng, động lực phát triển cho các địa phương trong Vùng Thủ đô, Vùng đồng bằng sông Hồng.
Khẳng định Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục và giao dịch quốc tế của cả nước; đóng vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng trong phát triển đất nước, là một trong những động lực chính để thúc đẩy sự phát triển kinh tế của cả nước, do đó, để bảo đảm Quy hoạch Thủ đô Hà Nội có chất lượng, hiệu quả và khả thi, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học tập trung cho ý kiến về: các vấn đề trọng tâm cần giải quyết, các khâu đột phá trong phát triển, cách nghĩ, cách làm phi truyền thống, khác biệt trong quan điểm phát triển; các quan điểm, mục tiêu, kịch bản phát triển của Thủ đô trong thời kỳ quy hoạch; các ngành, lĩnh vực kinh tế cần ưu tiên, cũng như định hướng, giải pháp phát triển các ngành, lĩnh vực đó.
Phát biểu ý kiến tại hội thảo, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh bày tỏ mong muốn nhận được ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, các đại biểu xác định các điểm nghẽn, thuận lợi, khó khăn, cơ hội, thách thức của Thủ đô Hà Nội trong bối cảnh mới và mục tiêu trở thành Thành phố toàn cầu; bảo vệ, khai thác các giá trị của hệ thống sông, hồ, đặc biệt là sông Hồng, vấn đề hài hoà giữa phòng chống lũ và khai thác các giá trị sông Hồng để phát triển; phân vùng kinh tế-xã hội, phân vùng đô thị, phân vùng liên huyện; các giải pháp để huy động nguồn lực phát triển, nhất là các nguồn lực mới, khơi thông các nguồn lực đang tồn tại dưới dạng tiềm năng...
Điểm mới, có tính đột phá mạnh mẽ trong định hướng phát triển Hà Nội
Báo cáo tóm tắt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đại diện đơn vị tư vấn lập quy hoạch, GS, TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân đã trình bày 3 nội dung chính gồm: Tiềm năng đặc thù; thực trạng phát triển và định hướng quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Hà Nội đồng thời có nhiều tiềm năng thế mạnh đặc thù mà hiếm Thủ đô nào trên thế giới có được. Nếu được khai thác toàn diện sẽ tạo sự phát triển bứt phá và trở thành Thủ đô hấp dẫn bậc nhất trên thế giới. Tuy vậy, thực trạng phát triển của Hà Nội cho thấy vị thế kinh tế của Hà Nội tăng dần với cả nước nhưng lại có xu hướng giảm dần trong vùng đồng bằng sông Hồng giai đoạn 2010-2022.
Mật độ kinh tế và mật độ dân số của Hà Nội đều thấp so với TP. Hồ Chí Minh và thấp hơn nhiều so với các Thủ đô khác trong khu vực. Mật độ kinh tế của Hà Nội là 3,06 tỷ đồng/ha, bằng 1/2 so với TP. Hồ Chí Minh 6,58 tỷ đồng/ha. So với các nước, mật độ kinh tế của Hà Nội chỉ có 0,13 triệu USD/ha, thấp hơn rất nhiều so với Bangkok là 1,15 triệu USD/ha, Kuala Lumpur 2,46 triệu USD/ha, Tokyo 4,56 triệu USD/ha và Seoul 6,34 triệu USD/ha.
Cùng với đó, mật độ dân số của Hà Nội cũng chỉ có 2.511,65 người/km2 so với 4.470 người/km2 của TP. Hồ Chí Minh. So với các Thủ đô khác trong khu vực thì Hà Nội thấp hơn rất nhiều so với mật độ dân số 5.454 người/km2 của Bangkok, 8.166 người/km của Kuala Lumpur và 15.839 người/km2 của Seoul.
Điều đó cũng khẳng định dư địa đầu tư và sức chịu tải phát triển của Hà Nội còn rất lớn.
Về chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động Hà Nội cao cả nước và vùng đồng bằng sông Hồng nhưng đang có xu hướng giảm dần; tỷ trọng đóng góp TFP thiếu ổn định trong khi tỷ trọng đóng góp của vốn tăng dần; hệ số ICOR của Hà Nội cao hơn bình quân chung cả nước và gấp 1,4 lần TP. Hồ Chí Minh.
Xuất phát từ những tiềm năng, lợi thế và những kết quả đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã đề xuất những điểm mới, có tính đột phá mạnh mẽ trong định hướng phát triển, bao gồm:
Thứ nhất, quy hoạch đề xuất 5 quan điểm phát triển chung và 3 quan điểm về tổ chức không gian. Về quan điểm phát triển, nhấn mạnh rõ những yếu tố liên quan đến “tạo sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô và cả nước cùng phát triển”; “phát triển bao trùm, nhanh và bền vững”; phát triển đô thị xanh; sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm của Thủ đô; phát triển bền vững trên nguyên tắc “thuận tự nhiên”; lấy tiêu chí phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, kiểm soát chất lượng môi trường hướng đến mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0”. Về tổ chức không gian, Quy hoạch Thủ đô tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực được tập trung theo 5 tuyến hành lang và vành đai kinh tế, gắn với 5 trục phát triển; đồng thời, chú trọng phát triển 5 loại hình không gian: không gian xây dựng, không gian ngầm, không gian số, không gian văn hoá, không gian công cộng (đặc biệt là không gian xanh).
Thứ hai, quy hoạch Thủ đô đưa ra 20 mục tiêu cụ thể, gồm 6 mục tiêu về kinh tế; 5 mục tiêu về xã hội; 6 mục tiêu về môi trường; 2 mục tiêu về đô thị và nông thôn và 1 mục tiêu về quốc phòng, an ninh. Trong số các mục tiêu đặt ra của giai đoạn này, Hà Nội xác định một số chỉ tiêu cao hơn mức bình quân chung của cả nước như: Tỷ trọng kinh tế số chiếm 40% trong GRDP; GRDP bình quân/người đạt khoảng 13.500 - 14.000 USD; Diện tích cây xanh sử dụng công cộng trong đô thị khoảng 10 - 12 m2/người; Tỷ lệ đô thị hóa đạt 65 - 70%...
Thứ ba, xác định 5 trụ cột phát triển Thủ đô bao gồm văn hóa và di sản; 3 chuyển đổi (chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn); Hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối cao; Xã hội số, kinh tế số, đô thị thông minh; Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo và 6 nhiệm vụ trọng tâm cụ thể Bảo vệ môi trường; Giao thông, phát triển đô thị, nông thôn; Kinh tế; Văn hóa xã hội; An ninh, an toàn; Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực. Quy hoạch Thủ đô đã xác định nhiệm vụ về môi trường là nhiệm vụ cấp bách, cần giải quyết triệt để ô nhiễm các dòng sông, làm sống lại hình ảnh dòng sông xanh, sạch, gắn liền với văn hóa lịch sử Thủ đô; xử lý ô nhiễm môi trường không khí và giải quyết dứt điểm tình trạng ngập, úng cục bộ.
Quy hoạch còn xác định 4 đột phá phát triển, bao gồm: Đột phá về thể chế và quản trị; Đột phá về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và kết nối; Đột phá về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và khai thác tài nguyên nhân văn; Đột phá về đô thị, môi trường và cảnh quan.
Thứ tư, xác định các ngành, lĩnh vực của Thủ đô phải đi đầu trong ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, tiếp cận các xu hướng phát triển mới của cách mạng 4.0; phát triển thông minh và kinh tế số, chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ dựa trên nền tảng chuyển đổi số với các trung tâm cơ sở dữ liệu lớn và điều hành thông minh.
Trong đó, xác định phương hướng phát triển các ngành quan trọng (thương mại, tài chính, du lịch, công nghiệp, nông, lâm nghiệp và thủy sản); phương hướng phát triển các ngành, lĩnh vực (Y tế và chăm sóc sức khỏe người dân; Giáo dục và đào tạo; Văn hóa, thể thao; Lao động, việc làm, an sinh xã hội; Khoa học và công nghệ; An ninh, quốc phòng, đối ngoại…); Phương án quy hoạch hệ thống đô thị và tổ chức lãnh thổ thuộc khu vực nông thôn; Phương án phát triển các khu chức năng và kết cấu hạ tầng kỹ thuật.
Thứ năm, nghiên cứu phân bổ không gian phát triển thành 5 vùng phát triển kinh tế - xã hội, 5 không gian chú trọng phát triển nhằm khai thác, sử dụng và phát huy hiệu quả các nguồn lực phát triển, đồng thời có sự liên kết hài hòa giữa các tiểu vùng, giữa các không gian dựa trên cơ sở các tiềm năng, lợi thế so sánh của các vùng, ưu tiên phát triển một số tiểu vùng mang tính dẫn dắt, chú trọng một số không gian mới để tạo động lực phát triển. Các phương án quy hoạch các ngành, lĩnh vực, địa bàn được tập trung phát triển theo 4 tuyến hành lang và 1 vành đai kinh tế để Thủ đô Hà Nội thực sự trở thành đầu mối hội tụ, trung tâm kết nối, động lực lan toả nội vùng và liên vùng, đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối với các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô, vùng trung du miền núi phía Bắc, hướng tới các cửa khẩu quốc tế, các cảng biển khẳng định Hà Nội là động lực phát triển vùng, là cực tăng trưởng của quốc gia, cửa ngõ của khu vực ASEAN kết nối với Trung Quốc.
Tại Hội thảo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin tham vấn, lấy ý kiến của các Bộ và các cơ quan, tổ chức liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học đối với bản Quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trên cơ sở đó, cơ quan lập quy hoạch sẽ tập trung nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch vùng để sớm tổ chức thẩm định và trình phê duyệt theo quy định.
Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt sẽ là một trong những căn cứ quan trọng để thành phố Hà Nội triển khai xây dựng các kế hoạch, chương trình phát triển gắn với việc khai thác, huy động và sử dụng các nguồn lực trong thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phấn đấu xây dựng Thủ đô Hà Nội thực sự trở thành thành phố “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”.