Các trung gian thanh toán đang xử lý 7 - 8 tỷ giao dịch/năm
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, các trung gian thanh toán đang xử lý 7 - 8 tỷ giao dịch/năm. Hoạt động của các công ty trung gian thanh toán được cấp phép đã phát huy vai trò là cầu nối giúp cho việc xử lý giao dịch thanh toán của các tổ chức tín dụng được diễn ra nhanh hơn, phục vụ được thêm nhiều khách hàng và phân khúc thị trường hơn.
Chiều ngày 9/1/2023 tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), NHNN Việt Nam tổ chức Hội nghị “Chuyên đề công tác thanh toán tại tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán”. Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng tham dự và chủ trì Hội nghị.
Dự Hội nghị có các đại biểu là lãnh đạo một số vụ, cục thuộc đơn vị thuộc NHNN, đại diện Bộ Công an và các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (TCTGTT)…
Các trung gian thanh toán xử lý 7-8 tỷ giao dịch/năm
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho biết, từ 8 công ty trung gian thanh toán (TGTT) được NHNN cấp giấy phép hoạt động thí điểm trong giai đoạn 2008-2010, đến nay NHNN đã cấp giấy phép hoạt động cho tổng cộng 51 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
"Các trung gian thanh toán xử lý 7-8 tỷ giao dịch/năm. Hoạt động của các công ty TGTT được cấp phép đã phát huy vai trò là cầu nối giúp cho việc xử lý giao dịch thanh toán của các tổ chức tín dụng được diễn ra nhanh hơn, phục vụ được thêm nhiều khách hàng và phân khúc thị trường hơn", Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cho biết.
Các TCTGTT đã có những đóng góp quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội. Người dân đã dần quen với sự hiện diện của các TCTGTT qua quảng cáo, thanh toán các dịch vụ hàng ngày.
Đặc biệt, bên cạnh các ngân hàng, thanh toán dịch vụ công tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh đã được các tổ chức này hỗ trợ rất tốt. Đây là một điển hình về vai trò ngày càng tăng của các TCTGTT đối với hoạt động hành chính.
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được của dịch vụ TGTT trong thời gian qua, vẫn còn tồn tại những hạn chế cần tiếp tục khắc phục trong thời gian tới.
Do vậy, Hội nghị này được tổ chức nhằm đánh giá những kết quả đạt được trong thời gian qua, nhìn nhận những hạn chế chủ quan và khách quan cũng như những thách thức trong an ninh, an toàn bảo mật của hoạt động cung ứng dịch vụ TGTT; đồng thời, là dịp để NHNN thông tin tới các tổ chức TGTT định hướng về công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động TGTT trong thời gian tới.
Qua Hội nghị này, các đơn vị sẽ chia sẻ kinh nghiệm, đồng thời đề xuất các giải pháp hữu hiệu để giúp các tổ chức TGTT hoạt động tuân thủ quy định pháp luật, đảm bảo an ninh, an toàn, bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của khách hàng.
Báo cáo kết quả hoạt động và công tác bảo đảm an ninh, an toàn trong cung ứng dịch vụ TGTT, ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết, hiện nay các TCTGTT hầu hết cung cấp đầy đủ các dịch vụ cơ bản như ví điện tử, thu chi hộ, dịch vụ cổng thanh toán...
Trong đó sự tăng trưởng của ví điện tử rất đáng chú ý, cụ thể: năm 2023 ghi nhận tổng số lượng giao dịch ước đạt xấp xỉ 4,09 tỷ giao dịch với giá trị giao dịch đạt khoảng 1,90 triệu tỷ đồng tăng 47,15% về số lượng và 41,78% về giá trị so với năm 2022. Bình quân 1 ví điện tử đang hoạt động phát sinh khoảng 10 giao dịch/tháng, cùng giao dịch là xấp xỉ 4,80 triệu đồng/tháng.
Giải pháp thúc đẩy TCTGTT phát triển lành mạnh
Đánh giá những kết quả tích cực và khẳng định vai trò của các TCTGTT, báo cáo cũng chỉ ra những vấn đề còn tồn tại liên quan. Đó là việc tuân thủ các quy định pháp luật của một số TCTGTT trong quá trình hoạt động còn chưa cao, chưa thực sự nghiêm túc trong việc tuân thủ các quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022 và các văn bản, quy định pháp luật có liên quan; Một số TCTGTT cung cấp dịch vụ còn chưa đúng các quy định của pháp luật; Công tác nhận biết khách hàng,đảm bảo an ninh, an toàn trong quá trình cung cấp dịch vụ còn chưa được quan tâm đúng mức.
Cùng với đó, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao trong lĩnh vực thanh toán ngày càng diễn biến phức tạp và có xu hướng gia tăng, gây ra những rủi ro và hệ lụy đối với dịch vụ TGTT như mất an toàn hệ thống công nghệ thông tin; đánh cắp thông tin khách hàng, lấy cắp tiền trong tài khoản ví điện tử, lợi dụng dịch vụ TGTT cho các hành vi vi phạm pháp luật…
Để khắc phục những tồn tại và bảo vệ quyền lợi chính đáng của khách hàng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Phạm Anh Tuấn đưa ra các định hướng giải pháp để các TCTGTT phát triển lành mạnh, đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
Về phía NHNN, ngay trong đầu năm 2024 sẽ sớm hoàn thiện hành lang pháp lý, ban hành các Thông tư thay thế cho Thông tư số 39/2016/TT-NHNN, Thông tư 20/2022/TT-NHNN, Thông tư 46/2014/TT-NHNN. Đây là những văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến hoạt động của các TCTGTT.
NHNN cũng sẽ tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, cảnh báo, chấn chỉnh các tổ chức để nghiêm túc chấp hành các quy định. Phối hợp cùng Cục An ninh kinh tế A04, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) kiểm tra giải pháp eKYC từ các tổ chức.
Tăng cường phối hợp với các cơ quan và tổ chức liên quan trong công tác phòng,chống tội phạm về hoạt động thanh toán, cũng như ngăn ngừa việc lợi dụng dịch vụ thanh toán, dịch vụ TGTT cho các giao dịch bất hợp pháp; cập nhật, cảnh bảo kịp thời những phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm cho các tổ chức cung ứng dịchvụ thanh toán, tổ chức TGTT để có biện pháp phòng, chống hiệu quả.
Ông Tuấn cũng cho biết thêm, trong thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ triển khai phần mềm “Hệ thống thông tin quản lý hỗ trợ quản lý, giám sát và phòng ngừa rủi ro gian lận trong hoạt động thanh toán” (Hệ thống SIMO) nhằm từng bước phát triển kho dữ liệu tập trung thông tin về các tài khoản thanh toán, ví điện tử có dấu hiệu nghi ngờ hoặc liên quan đến giao dịch gian lận, bất hợp pháp.
NHNN sẽ sớm hoàn thiện và đẩy mạnh khai thác “Hệ thống thu thập thông tin trực tuyến” (Hệ thống ODCS) để kết nối, truy vấn, thu thập, giám sát số dư tài khoản đảm bảo thanh toán của các TCTGTT mở tại các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh thị trường thanh toán cần sự đóng góp của các TCTGTT. Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, để đẩy mạnh phát triển thanh toán điện tử nói chung, hoạt động cung ứng dịch vụ TGTT nói riêng, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác phối hợp phòng, chống tội phạm, đảm bảo công tác an ninh, an toàn hoạt động cung ứng dịch vụ TGTT, Phó Thống đốc yêu cầu tập trung triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, trong đó:
Các đơn vị, Vụ, Cục NHNN hỗ trợ các đơn vị cung ứng dịch vụ TGTT xử lý những vấn đề còn vướng mắc, khó khăn, nhất là về cơ chế, chính sách. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động, công khai và xử lý nghiêm vi phạm của đơn vị cung ứng dịch vụ TGTT.
Các đơn vị cung ứng dịch vụ TGTT xây dựng kế hoạch thực hiện và khắc phục những tồn tại đã được phát hiện, cảnh báo, chấn chỉnh và khuyến nghị. Trong đó, chú trọng công tác kiểm soát nội bộ, nâng cao năng lực quản trị điều hành, xác định phương hướng hoạt động hiệu quả, phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
Phó Thống đốc đặc biệt lưu ý đến vấn đề thiếu nguồn nhân lực tại nhiều tổ chức cung ứng dịch vụ TGTT. Việc tuyển dụng nhân sự ngoài việc đáp ứng kiến thức về công nghệ còn cần hiểu biết cả về nghiệp vụ ngân hàng.
Ngoài ra, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cũng lưu ý các đơn vị cần cân nhắc đến vấn đề tối ưu chi phí hoạt động, tránh lãng phí... Đồng thời, cần có chiến lược thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ của mình trong thị trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt…