Xem xét thông qua Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5
Sau khi Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại 3 kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến nhiều lần và 5 lần có ý kiến chính thức, 3 cuộc họp của đại biểu chuyên trách và nhiều lần Chủ tịch Quốc hội, các Phó chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng đã làm việc với các cơ quan, đến nay, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã cơ bản hoàn thiện, dự kiến sẽ trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp bất thường khai mạc vào ngày 15/1/2024.
Tại Phiên họp thứ 29 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật hết sức quan trọng, có tác động sâu rộng đến mọi mặt xã hội, mọi tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp trước mắt và lâu dài. Vì vậy, yêu cầu các cơ quan, bộ ngành liên quan tập trung cao độ trong việc tiếp thu, chỉnh sửa.
Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá, cơ quan chủ trì soạn thảo và cơ quan chủ trì thẩm tra đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, công phu. Đặc biệt, đã xin ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học nhiều vòng, nhiều lần; tổ chức lấy ý kiến của nhân dân với trên 12 triệu lượt tham gia góp ý.
"Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến tại 3 kỳ họp. Còn Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cho ý kiến nhiều lần và 5 lần có ý kiến chính thức qua các thông báo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chưa kể, rất nhiều lần Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng đã làm việc với các cơ quan. Đồng thời, 3 cuộc họp của đại biểu chuyên trách cũng đã cho ý kiến về dự luật này. Cho đến nay, cơ bản dự án luật đã hoàn thiện và thể chế hóa, bao quát được Nghị quyết 18 của Trung ương, bám sát Hiến pháp, cương lĩnh của Đảng, pháp luật hiện hành", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.
Từ những kết quả đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 5 của Quốc hội, dự kiến khai mạc vào 15/1 tới.
Theo Chủ tịch Quốc hội, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 tới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục xem xét 3 vấn đề của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), gồm: Một là, vấn đề thu hồi đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại dịch vụ; Hai là, vấn đề dự án tạo quỹ đất, quỹ phát triển đất…; Ba là, phương pháp định giá đất, thẩm quyền, trách nhiệm quyết định định giá đất.
Trình bày Báo cáo tóm tắt về việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, dưới sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Quốc hội và Lãnh đạo Chính phủ, trong thời gian qua, các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ, khẩn trương, hiệu quả trong tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật. Các cơ quan đã dành nhiều thời gian để thảo luận, nghiên cứu tiếp thu, giải trình và hoàn thiện phương án kỹ thuật thể hiện chính sách nhằm bảo đảm cách hiểu rõ ràng, thống nhất, phản ánh đúng nội hàm từng chính sách trong dự thảo Luật Đất đai. Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 16 chương và 260 điều. So với dự thảo Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp giữa 2 đợt của kỳ họp thứ 6, dự thảo Luật đã bỏ 5 điều, hoàn thiện, chỉnh lý, sửa đổi 250 điều.
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại các kỳ họp, của Thường vụ Quốc hội và của nhân dân, của các cơ quan tổ chức để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị, tới đây, Ủy ban Kinh tế sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, đảm bảo các ý kiến được giải trình đầy đủ, thuyết phục.
Một số nội dung cần lưu ý gồm rà soát toàn bộ dự thảo luật để đảm bảo thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng trong Nghị quyết 18, đảm bảo hoàn thành các mục tiêu, nguyên tắc, quan điểm đặt ra khi sửa đổi Luật, đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong dự thảo luật và các luật có liên quan, đặc biệt là các luật mới được sửa đổi, ban hành và không để xảy ra vướng mắc, xung đột pháp luật khi thực thi.