Bảng xếp hạng các cổ phiếu Ngân hàng đang ở gần đỉnh thời đại nhất
Chỉ trong 2 tuần giao dịch đầu tiên của năm 2024, thị trường chứng khoán đã chứng kiến 2 cổ phiếu Ngân hàng phá kỷ lục giá là ACB, BID. Trong khi sóng tăng của cổ phiếu Ngân hàng có thể vẫn chưa chấm dứt, một số mã khác cũng đang tiến gần hơn về mức giá kỷ lục của chính mình.
Theo thống kê sau phiên 10/1, VN-Index còn cách mức điểm số kỷ lục của chỉ số khoảng 24,4% với việc đóng cửa tại 1.161,54 điểm. Nhóm cổ phiếu Ngân hàng đang là trụ cột của thị trường trong đợt sóng đầu năm với một số mã đã tự phá kỷ lục giá của chính mình. Nổi bật nhất là trường hợp BID đã liên tục phá kỷ lục và vừa có thêm kỷ lục giá mới 47.800 đồng/cổ phiếu trong phiên 10/1.
Trong khi đó, cổ phiếu ACB cũng vừa có giá cao nhất thời đại 25.750 đồng/cổ phiếu trong phiên 08/1.
Sóng ngành cũng được thể hiện rõ hơn khi một số mã cổ phiếu Ngân hàng khác cũng đang nỗ lực cải thiện thị giá và ở gần đỉnh hơn so với VN-Index.
Cụ thể, ngoài ACB và BID, 7 cổ phiếu VCB (-4,5%), NAB (-5,15%), HDB (-7,62%), LPB (-11,02%), MBB (-15,27%), CTG (-16,57%), STB ( -19,75%) đang có chênh lệch thị giá so với giá kỷ lục dưới 24%.
Với xu hướng kỹ thuật chung vẫn được duy trì, các cổ phiếu kể trên được xem là những trường hợp có xác suất cao nhất có thể tạo ra những kỷ lục mới bởi dòng tiền ngắn hạn thường sẽ ưu tiên những mã "nhẹ" nhất.
Còn với một số cổ phiếu Ngân hàng còn lại, nhiệm vụ tăng giá có phần nặng nề hơn. Dù vậy, cũng cần ghi nhận những nỗ lực tăng "đuổi"của các mã OCB, VIB, SHB, MSB. Từ đầu năm 2024, OCB đã tăng 9,77%, VIB tăng 7,4%, SHB tăng 11,1%, MSB tăng 6,54%.
Theo đánh giá của ông Bùi Văn Huy, Giám đốc Công ty Chứng khoán DSC chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, việc thị trường có sự tham gia của cổ phiếu Ngân hàng thể hiện sự tích cực của trạng thái dòng tiền. Khi lượng tiền lớn đã tham gia, thị trường chung có thể được hưởng lợi nhờ sự luân chuyển qua lại giữa các nhóm cổ phiếu tạo cơ hội giao dịch, vì dấu hiệu tiền vào sẽ ở trong thị trường ít nhất một khoảng thời gian, nếu không có tin xấu gì bất thường.
Các thông tin về kết quả kinh doanh quý IV/2023 và thông tin về tín dụng đã thúc đẩy cổ phiếu Ngân hàng. Dù vậy, bên cạnh kết quả kinh doanh ở thời điểm hiện tại của ngân hàng, nhà đầu tư cũng cần chú ý hơn tới tình trạng nợ xấu.
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu Ngân hàng cũng cần thanh khoản rất lớn để kéo, do đó khi kéo nhóm, chỉ số tăng nhanh nhưng rất dễ bị hụt hơi nếu dòng tiền không đủ khỏe. Hiện dòng tiền có lẽ phù hợp với những phiên quanh 15 nghìn tỷ đồng một cách đều đặn hơn là những phiên tỷ đô.
"Bên cạnh đó, dòng tiền vào sóng Ngân hàng theo thông tin cấp tín dụng đầu năm 2024. Tuy nhiên, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng 15% theo kế hoạch cũng không phải là nhiệm vụ dễ dàng với nhà điều hành và các tổ chức tín dụng", ông Huy nói.