Công nghệ

Công bố báo cáo hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở Việt Nam

Ngọc Diệp 11/01/2024 - 21:39

Báo cáo năm 2023 tiếp tục là cơ sở dữ liệu uy tín toàn diện và cập nhật nhất về hệ sinh thái đổi mới sáng tạo (ĐMST) tại Việt Nam dành cho các nhà lãnh đạo, quản trị, phát triển chiến lược doanh nghiệp.

doimoisangtao.jpg

Năm 2023 tiếp tục là một năm nhiều sóng gió và khó khăn của kinh tế thế giới. Quá nhiều "cơn gió nghịch" đã đẩy kinh tế toàn cầu năm 2023 vào một trong những giai đoạn ảm đạm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2007-2008.

Tính đến tháng 8/2023, tổng vốn đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp toàn cầu trị giá 187,6 tỷ USD, giảm 46,4% so với cùng kỳ năm 2022. Trung bình mỗi tháng 23,4 tỷ đô la được đầu tư cho startup, sụt giảm rõ rệt so với 37 tỷ USD/tháng của năm 2022.

Tốc độ tăng trưởng kỳ lân cũng đã giảm mạnh, chỉ tăng 8,5% (từ năm 2022 đến năm 2023) so với 67% (từ năm 2021 đến năm 2022) và 80% (từ năm 2020 đến năm 2021). Số lượng kỳ lân mới trung bình hằng tháng của năm 2023 cũng đánh dấu mốc thấp nhất trong vòng hơn 4 năm qua (tổng hợp từ StartupBlink, Crunchbase, CBInsights).

Những thông tin này được đưa ra trong “Báo cáo Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2023”, đây là năm thứ 3 báo cáo được thực hiện, với cấu trúc mới và diện mạo mới; tiếp tục là cơ sở dữ liệu toàn diện, uy tín, khắc họa toàn cảnh hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo Mở Việt Nam trong năm 2023.

Báo cáo được thực hiện bởi Nền tảng kết nối Đổi mới sáng tạo mở BambuUP dưới sự bảo trợ của Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ (NATEC) và Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp Sáng tạo Quốc gia (NSSC).

1101dmst.png

Sau hơn 3 tháng triển khai, sáng 11/1, Báo cáo Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2023 đã chính thức ra mắt.

Báo cáo năm 2023 tiếp tục là cơ sở dữ liệu uy tín toàn diện và cập nhật nhất về hệ sinh thái đổi mới sáng tạo (ĐMST) tại Việt Nam dành cho các nhà lãnh đạo, quản trị, phát triển chiến lược doanh nghiệp.

Báo cáo tổng hợp số liệu khảo sát, phân tích, dự báo với sự cố vấn của hơn 45 chuyên gia hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực quản trị, phát triển chiến lược, khởi nghiệp, công nghệ, đầu tư... Báo cáo có giá trị tư vấn, định hướng cho doanh nghiệp về chiến lược ĐMST để có thể tồn tại và thích ứng trong thời kỳ được dự báo là tiếp tục có nhiều biến động sắp tới.

Những tiềm năng và thách thức đối với doanh nghiệp, tập đoàn tại Việt Nam được tổng hợp thông qua phân tích chuyên sâu về xu hướng ĐMST, xu hướng công nghệ trên thế giới, khu vực và tình hình cụ thể tại Việt Nam.

Ngoài ra, báo cáo còn đề xuất một số cách thức tiếp cận, hướng dẫn nhằm giúp doanh nghiệp tiến tới ĐMST mở, thuận lợi bước vào năm vận hành mới.

Năm nay báo cáo được phát hành với cấu trúc, diện mạo mới với chủ đề “Thế giới phẳng của đổi mới sáng tạo” (The Flat World of Innovation), với mục tiêu giới thiệu những giải pháp ĐMST của Việt Nam ra thế giới mạnh mẽ hơn và đưa những giải pháp của thế giới về Việt Nam để tạo luồng chảy giao thoa tri thức và kinh nghiệm triển khai hoạt động ĐMST.

Thay vì tổng hợp các nội dung vào 1 bản báo cáo dài duy nhất, báo cáo được phát hành dưới dạng một bộ với 3 cuốn nội dung riêng, để báo cáo phát huy tối đa vai trò của mình đối với người đọc. Nội dung cụ thể bao gồm 3 chủ đề chính:

Cuốn 1: Thế giới 2030 - Những xu hướng sẽ định hình tương lai.

Cuốn 2: Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2023.

Cuốn 3: Thế giới phẳng của đổi mới sáng tạo.

Phát biểu tại buổi lễ ra mắt báo cáo, ông Phạm Dũng Nam, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Khởi nghiệp Sáng tạo Quốc gia (NSSC) kiêm Giám đốc Đề án 844 nói: “Báo cáo có ý nghĩa đặc biệt trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở Việt Nam, đặc biệt là trong sự vận động của các xu hướng từ quốc tế. Tôi tin rằng Báo cáo Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo Mở Việt Nam 2023 sẽ tạo được nhiều tiếng vang cả trong nước và quốc tế, và góp phần tạo nên bước chuyển mình để đổi mới sáng tạo Việt Nam bứt phá".

Báo cáo năm 2023 không chỉ là một nguồn thông tin và dữ liệu hữu ích mà còn là minh chứng cho một ‘Thế giới phẳng' thực sự của ĐMST với việc kết nối các hệ sinh thái ĐMST quốc tế lại gần nhau.

Trong khuôn khổ Lễ công bố, ông David Kim, Tổng Giám đốc The Invention Lab (Hàn Quốc), đã công bố một chương trình trong năm 2024 nhằm kết nối các nhà sáng lập tại Việt Nam và Hàn Quốc (Founder Meets Founder Program) dưới sự hợp tác giữa The Invention Lab và BambuUP, mở đường cho những doanh nghiệp “đa quốc tịch”, phát triển song song ở 2 thị trường đầy tiềm năng của châu Á.

Ông David Kim cho biết: “Founder Meets Founder sẽ giống như một chương trình tăng tốc, kết nối các nhà lãnh đạo, nhà sáng lập, trí tuệ và công nghệ ở hai quốc gia Việt Nam - Hàn Quốc hiện cùng chung lý tưởng, mục tiêu. Những startup được hình thành và lớn lên thuộc khuôn khổ chương trình, nhờ quá trình tuyển chọn kỹ lưỡng sẽ có mức độ thấu hiểu văn hóa và khả năng tiếp cận thị trường cao hơn. Thông qua chương trình, chúng tôi nâng cao năng lực cho hệ sinh thái giải pháp đổi mới sáng tạo của 2 nước, để các doanh nghiệp và tập đoàn ở cả Hàn Quốc và Việt Nam có thể đổi mới sáng tạo nhanh hơn, với tỉ lệ thành công lớn hơn".

Ngọc Diệp