Đầu ra nào cho 7 triệu tấn gạo trong đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao?
Khi đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hec-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng Xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn triển khai thành công, mỗi năm Việt Nam sẽ có khoảng 7 triệu tấn gạo chất lượng cao. Đầu ra toàn bộ lượng gạo này sẽ giải quyết ra sao?
Trong quá trình triển khai đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hec-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng Xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030”, nhà nước sẽ thực hiện thí điểm các chính sách mới như: Chi trả tín chỉ carbon dựa trên kết quả; tập trung vào sản xuất phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh; phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng tuần hoàn, tận dụng tối đa phụ phẩm từ sản xuất lúa gạo; khai thác đa giá trị, tạo ra nhiều sản phẩm chế biến từ lúa gạo, ... Các thí điểm thành công tại ĐBSCL sẽ được mở rộng ra toàn quốc, hướng tới mục tiêu đưa “Phát triển xanh, giảm phát thải, chất lượng cao” trở thành thương hiệu của lúa gạo Việt Nam.
Sự thay đổi nhận thức của người sản xuất và kinh doanh lúa gạo; hợp tác công - tư hiệu quả; và sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế như WB, IFC, ADB, IRRI… sẽ là chìa khóa thành công cho đề án. Tuy nhiên, vấn đề mà các doanh nghiệp gạo đang rất quan tâm hiện nay là đầu ra của sản phẩm.
Mỗi năm đề án sẽ sản xuất ra 7 triệu tấn gạo chất lượng cao
Theo tính toán, năng suất sản xuất lúa trung bình ở khu vực ĐBSCL là 7 tấn/ha, và 1 triệu hecta lúa chất lượng cao sẽ có khoảng 7 triệu tấn lúa, tương đương 3,5 triệu tấn gạo trong mỗi vụ lúa.
Khu vực này mỗi năm trồng hai vụ lúa Đông Xuân và Hè Thu, như vậy hàng năm sẽ có 7 triệu tấn gạo chất lượng cao được nông dân làm ra, và tương đương với lượng gạo mà Việt Nam đang xuất khẩu mỗi năm. Đầu ra của 7 triệu tấn gạo này sẽ như thế nào, xuất khẩu bao nhiêu và tiêu dùng nội địa là bao nhiêu?
Một doanh nghiệp xuất khẩu gạo tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, việc Chính phủ quyết định xây dựng phát triển đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hec-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng Xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” (đề án) của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ góp phần nâng cao chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam, góp phần giảm phát thải khí nhà kính, vì vậy, sự ra đời của đề án là một việc làm rất đúng đắn và đúng với xu thế nên được toàn xã hội ủng hộ.
Song, cốt lõi của vấn đề là khi đề án này đi vào sản xuất và cho ra sản phẩm thì đầu ra của 7 triệu tấn gạo chất lượng cao vẫn chưa được đề cập đến, thị trường trong nước như thế nào và thị trường xuất khẩu ra sao, đội ngũ bán hàng gồm những ai và ai là người tham gia giải bài toán đầu ra, họ có đủ tầm hay không, vì một lượng gạo lớn như vậy không phải chỉ một hay hai doanh nghiệp có thể làm được.
Mặt khác, chi phí sản xuất lúa trong đề án sẽ cao hơn lúa sản xuất đại trà nên giá bán phải cao hơn, nhưng nếu bán với giá cao rất khó để người tiêu dùng trong nước chấp nhận, nếu xuất khẩu liệu bên mua có chấp nhận giá cao. Vấn đề quan trọng nhất là cần phải xuất khẩu hết lượng gạo này mới đạt được kết quả cuối cùng.
Theo vị này, hiện nay có 2 doanh nghiệp đang có ý định tham gia vào đề án, nhưng 1 trong 2 doanh nghiệp này chỉ đang đứng thứ 30 trong top các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam, mỗi năm xuất khẩu khoảng 200.000 đến 300.000 tấn gạo, khi tham gia vào đề án nếu họ không xuất khẩu hết lượng gạo trong đề án thì lượng gạo dư ra sẽ đi về đâu?
"Nếu cộng khối lượng gạo xuất khẩu của cả 2 doanh nghiệp này lại chưa được 500.000 tấn gạo/năm. Vậy lượng gạo dôi ra họ sẽ bán như thế nào trong khi đây là hàng chất lượng cao người tiêu dùng phải chấp nhận giá mua cao. Đó là chưa kể có gì để chứng minh đây là hàng chất lượng cao", lãnh đạo doanh nghiệp đặt vấn đề.
Vị này cho rằng, để giải được bài toán đầu ra ổn định cho toàn bộ sản lượng lúa gạo của đề án rất cần có sự hỗ trợ từ bộ chủ quản như Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn, các ban ngành làm công tác xúc tiến thương mại và các nhà xuất khẩu gạo, đặc biệt là những doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn cùng nhau liên kết thành một chuỗi mới giải quyết được bài toán đầu ra.
Do vậy, việc trước tiên cần phải xác định đường đi của 7 triệu tấn gạo này là những thị trường nào, ở thị trường đó những ai sẽ là người mua hàng và là người bán hàng, và theo quan điểm chung thì hiện nay có 20 doanh nghiệp xuất khẩu gạo hàng đầu Việt Nam, họ đang có thị trường ổn định và hàng năm xuất khẩu một lượng gạo rất lớn, cho nên nhà nước cần tận dụng tốt thị trường của họ, nếu không có họ tham gia thì đầu ra của 7 triệu tấn gạo trong đề án sẽ khó giải quyết được ổn thỏa.
“Muốn giải bài toán đầu ra cho 7 triệu tấn gạo chất lượng cao cần thiết phải có sự tham gia của ít nhất 10 doanh nghiệp xuất khẩu gạo hàng đầu Việt Nam hiện nay, như: Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1), Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), Intimex, Thành Tín, Quốc tế gia, ... Nếu được 20 doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn tham gia vào chuỗi sản xuất này thì cơ hội thành công sẽ càng cao.
Song, gạo chất lượng cao trong đề án có thể bán như gạo bán buôn từ trước đến nay hay không đó mới là vấn đề”, lãnh đạo doanh nghiệp này nói.