FPT lên kế hoạch 5 tỷ USD doanh thu từ thị trường nước ngoài
Đây được đánh giá là mục tiêu đầy tham vọng của tập đoàn công nghệ Việt Nam.
Ngày 11/1/2024, Tập đoàn FPT công bố mục tiêu dài hạn của chiến lược toàn cầu hóa là “bước lên đẳng cấp cao hơn trong nhóm doanh nghiệp dịch vụ công nghệ thông tin tỷ USD”, đạt 5 tỷ USD doanh thu cho thị trường nước ngoài vào năm 2030.
Đây được đánh giá là mục tiêu đầy tham vọng của tập đoàn công nghệ Việt Nam. Trước đó, FPT mất 25 năm để cán mốc mục tiêu doanh thu 1 tỷ USD.
Trước đó, năm 1998, FPT bắt đầu chiến lược toàn cầu hóa, cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) cho thị trường nước ngoài.
Công ty tìm đường ra nước ngoài bằng các mô hình và quy trình chuẩn “công nghiệp” như ISO hay CMM, mở văn phòng ở Bangalore (Ấn Độ - 1999), rồi ở Thung lũng Silicon Valley (Mỹ - 2000) nhưng sớm thất bại. Khách hàng đầu tiên FPT có được chỉ mang về doanh số theo đơn vị nghìn đô.
Thậm chí khi đạt được quy mô 1 triệu USD doanh thu, công ty vẫn đứng trước lằn ranh sinh tử - có tiếp tục theo đuổi kế hoạch xuất khẩu phần mềm hay không? FPT chỉ thực sự cất cánh khi chinh phục thành công được một trong những thị trường “khó tính” nhất là Nhật Bản từ năm 2005.
Từ nhóm 17 nhân sự ban đầu, quy mô nhân sự trong lĩnh vực dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài của FPT đã cán mốc 30.000 người thuộc 70 quốc tịch. Từ Việt Nam, FPT đã hiện diện tại 30 quốc gia, bao gồm những thị trường phát triển nhất như Mỹ, Nhật Bản, Singapore, châu Âu, trở thành đối tác của gần 100 công ty thuộc Top 500 doanh nghiệp hàng đầu thế giới (Fortune Global 500).
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT chia sẻ: “Nếu như trước đây, FPT luôn phải chủ động đi tìm đối tác, khách hàng thì nay rất nhiều khách hàng, đối tác lớn lại chủ động tìm đến Việt Nam và FPT. Đã đến lúc thế giới cần Việt Nam. Việt Nam đang trở thành điểm đến mới của thế giới, đã vươn lên số 2 thế giới về phần mềm, chỉ sau Ấn Độ.”
Theo lãnh đạo FPT, doanh thu từ dịch vụ chuyển đổi số hiện đã chiếm gần 50% tổng doanh thu từ dịch vụ CNTT cho thị trường nước ngoài. Trong đó, tập trung vào các công nghệ mới như Cloud - chiếm 40% doanh thu dịch vụ chuyển đổi số, các công nghệ khác như AI, phân tích dữ liệu chiếm 12%; RPA & Lowcode chiếm 10%...