Hoạt động ngân hàng

Tây Ninh: Tín dụng ngân hàng động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương

ThS.Trần Trọng Triết 12/01/2024 - 16:28

Dù trải qua tình hình kinh tế trong năm 2023 còn nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh cũng gặt hái được kết quả đáng khích lệ, đáp ứng đủ nguồn vốn tín dụng cho người dân và doanh nghiệp vay vốn, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương.

khach-den-giao-dich-tai-vietcombank-tay-ninh..jpg
Tín dụng ngân hàng động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương

Vượt qua thách thức kinh tế phục hồi tăng trưởng

Kết thúc năm 2023, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh Tây Ninh tăng 5,5%, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh trên 11.000 tỉ đồng, đạt 100% dự toán được giao. Tổng vốn thu hút đầu tư trong năm 2023 đạt 12.264 tỉ đồng, lũy kế có 697 dự án còn hiệu lực với vốn đăng ký là 130.382 tỉ đồng. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài năm 2023 đạt 638 triệu USD; số lũy kế có 364 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với vốn đăng ký là 9.641,6 USD.

Về phát triển doanh nghiệp, lũy kế cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập mới cho 701 doanh nghiệp, với số vốn 5.533,8 tỉ đồng. Hoạt động du lịch có bước phát triển khá lớn khi thu hút 5,1 triệu lượt khách, đạt doanh thu 2.000 tỉ đồng.

Công tác an sinh xã hội được quan tâm, đối tượng chính sách và người yếu thế được chăm lo, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện; bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Đặt trong mối liên hệ triển khai thực hiện chính sách vốn tín dụng với tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương thì sự đóng góp của hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã góp phần không nhỏ trong việc tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế địa phương.

Tín dụng ngân hàng tạo động lực tăng trưởng

Để đạt được tăng trưởng GRDP 5,5%, cùng với các nguồn lực đầu tư, thì dòng vốn tín dụng ngân hàng là yếu tố quan trọng, góp phần vào thành công chung trong phát triển kinh tế-xã hội tại Tây Ninh.

Theo ông Nguyễn Xuân Hiền, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh tỉnh Tây Ninh, trên địa bàn tỉnh hiện có 44 tổ chức tín dụng (TCTD), gồm: 23 chi nhánh ngân hàng thương mại (NHTM), 1 chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), 1 chi nhánh Ngân hàng Hợp tác xã, 1 chi nhánh tổ chức tài chính vi mô; và 18 quỹ tín dụng nhân dân (QTDND) với tổng cộng 130 điểm hoạt động kinh doanh.

Trong năm 2023, NHNN chi nhánh tỉnh đã tổ chức triển khai, quán triệt và thực hiện đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các cơ chế, chính sách của ngành trong hệ thống ngân hàng tỉnh, trọng tâm là phối hợp Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tây Ninh tổ chức 2 hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, qua đó đã phổ biến cơ chế, chính sách của ngành ngân hàng, cũng như giải đáp, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; tham gia hội nghị đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp năm 2023, từ đó đã nắm bắt kịp thời diễn biến tình hình hoạt động tiền tệ, ngoại hối để chỉ đạo, điều hành, cũng như tham mưu, kiến nghị, đề xuất với NHNN, UBND tỉnh trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hấp thu vốn ngân hàng.

Đáng chú ý, trong năm 2023, các TCTD trên địa bàn tiếp tục quan tâm, đẩy mạnh công tác huy động vốn, quảng bá, chăm sóc khách hàng và triển khai các sản phẩm huy động vốn phù hợp, kết quả huy động tiền gửi đạt 65.850 tỉ đồng, tăng 7% so với năm trước. Có được nguồn vốn cùng với nguồn vốn điều hòa từ hội sở chính, các chi nhánh NHTM trên địa bàn đã tích cực chủ động đẩy mạnh vốn tín dụng cho vay các doanh nghiệp, người dân có dòng tiền sản xuất kinh doanh, kết quả dư nợ cho vay tăng 13,5% so với năm trước và đạt dư nợ tín dụng 97.445 tỉ đồng, gồm: cho vay bằng VND đạt 87.645 tỉ đồng, tăng 11,7% và chiếm 89,9% tổng dư nợ; cho vay ngoại tệ quy đổi VND đạt 9.800 tỉ đồng, tăng 32%, chiếm 10,1% tổng dư nợ.

Mặc dù tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, người dân còn gặp khó khăn nhưng đã có sự chuyển biến tốt lên qua từng tháng, từng quý nên nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh tăng; mặt khác các TCTD trên địa bàn đã triển khai thực hiện quyết liệt các giải pháp, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp theo chỉ đạo của NHNN nên mức tăng trưởng tín dụng trong năm khá tốt.

Đánh giá cho vay theo mục đích sử dụng vốn thì dư nợ sản xuất kinh doanh đạt 82.645 tỉ đồng, tăng 15%, chiếm 84,8% tổng dư nợ, trong đó: dư nợ doanh nghiệp đạt 27.901 tỉ đồng, tăng 12,8% so năm trước, với 1.207 doanh nghiệp; dư nợ cho vay tiêu dùng đạt 14.800 tỉ đồng, tăng 6% và chiếm 15,2% tổng dư nợ.

Nếu phân tích tín dụng theo ngành kinh tế thì dư nợ cho vay nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đạt 15.550 tỉ đồng, tăng 14,1% và chiếm 16% tổng dư nợ; dư nợ cho vay công nghiệp đạt 23.250 tỉ đồng, tăng 17,5%, chiếm 23,8% tổng dư nợ; dư nợ cho vay các ngành dịch vụ đạt 58.645 tỉ đồng, tăng 11,8% so năm trước và chiếm 60,2% tổng dư nợ.

Đáng chú ý, các TCTD trên địa bàn tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt các chính sách tín dụng hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP và các chính sách của NHNN. Cụ thể dư nợ cho vay theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 03/2022/TT-NHNN của NHNN đạt 225 tỉ đồng (15 khách hàng), doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất đạt 1.155 tỉ đồng (17 khách hàng) với số tiền lãi được hỗ trợ lũy kế từ đầu chương trình là 5,8 tỉ đồng.

Riêng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách của NHCSXH tỉnh theo Nghị quyết số 11/NQ-CP đạt 226,8 tỉ đồng, với 3.597 khách hàng. Số tiền đã hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 36/2022/NQ-CP của Chính phủ đạt 34,8 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, chương trình tín dụng 120.000 tỷ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP, trên địa bàn tỉnh có 1 dự án nhà ở xã hội là “Dự án chung cư nhà ở xã hội Thành phố Vàng” do Công ty Cổ phần Đầu tư Thành phố Vàng làm chủ đầu tư, đã được UBND tỉnh Tây Ninh công bố. Công ty đang tiếp cận các NHTM để vay vốn theo quy định.

Về thực hiện Thông tư số 02/2023/TT-NHNN quy định cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, các chi nhánh NHTM đã triển khai quyết liệt và kết quả đến nay đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ giữ nguyên nhóm nợ 339 tỉ đồng cho 72 lượt khách hàng, trong đó dư nợ gốc là 323,8 tỉ đồng, dư nợ lãi là 15,3 tỉ đồng.

cong-nhan-lam-viec-tai-mot-cong-ty-che-bien-hat-dieu..jpg
Năm 2023, dư nợ cho vay nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản đạt 15.550 tỉ đồng, tăng 14,1% và chiếm 16% tổng dư nợ

Đẩy mạnh thực hiện mục tiêu và giải pháp năm 2024

Ông Nguyễn Xuân Hiền cho biết, năm 2024, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã đề ra kế hoạch, mục tiêu về vốn huy động tăng 10 - 12% so năm trước. Dư nợ tín dụng tăng từ 13 – 15% so năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ dưới 3%.

Để thực hiện đạt được kế hoạch mục tiêu đề ra, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh quyết tâm, nỗ lực thực hiện các giải pháp, sau: triển khai thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước và của ngành về lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng trong hệ thống ngân hàng Tây Ninh để kịp thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực tiền tệ - ngân hàng trên địa bàn phục vụ phát triển kinh tế địa phương;

Chỉ đạo và giám sát các TCTD trên địa bàn thực hiện tốt các nhiệm vụ, định hướng và giải pháp của ngành và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tiếp tục nắm bắt tình hình biến động về thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng trên địa bàn để kịp thời phản ánh, đề xuất, kiến nghị với NHNN, Tỉnh ủy, UBND tỉnh nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc (nếu có);

Thực hiện tốt công tác thanh toán; tiền tệ kho quỹ và quản lý ngoại hối, vàng trang sức, mỹ nghệ trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật; thực hiện tốt công tác điều hòa tiền mặt, đảm bảo giao dịch tiền mặt thông suốt và đáp ứng đầy đủ nhu cầu về giá trị và cơ cấu cho TCTD, Kho bạc Nhà nước. Xây dựng và thực hiện tốt Kế hoạch kiểm tra công tác ngoại hối, công tác an toàn kho quỹ năm 2024;

Tiếp tục phối hợp tốt với các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện Đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021 – 2025 theo chỉ đạo của NHNN và UBND tỉnh; chỉ đạo các TCTD thực hiện tốt định hướng hoạt động tín dụng năm 2024 của NHNN, tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát tín dụng vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tiếp tục cải cách thủ tục, đơn giản hóa quy trình cấp tín dụng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trong tiếp cận tín dụng; duy trì hoạt động đường dây nóng, kiểm tra, giám sát, nắm bắt những vướng mắc của các ngân hàng trên địa bàn để tháo gỡ hoặc kiến nghị tháo gỡ;

Xây dựng và triển khai thực hiện nghiêm túc kế hoạch thanh tra năm 2024, tập trung vào những nội dung theo đúng định hướng của NHNN; chỉ đạo các TCTD nâng cao chất lượng tín dụng, tích cực thu hồi, xử lý nợ xấu và thực hiện kiến nghị, cảnh báo qua công tác thanh tra, giám sát.

Tiếp tục giám sát các QTDND thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; việc phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương trong hoạt động và triển khai phương án xử lý QTDND hoạt động yếu kém...; thực hiện tốt Quy chế phối hợp đã ký với các sở, ban, ngành tỉnh đặc biệt là thực hiện Quy chế phối hợp đã ký giữa ngân hàng và Công an Tây Ninh, Cục Thi hành án Dân sự; công tác Quốc hội…

ThS.Trần Trọng Triết