Chứng khoán

Dư nợ cho vay margin của MBS đạt mức cao nhất lịch sử trong quý IV/2023

Mai Hương 12/01/2024 - 20:43

Báo cáo tài chính riêng lẻ của CTCK MB cho thấy, lợi nhuận của công ty đã tăng liên tiếp 4 quý. Đáng chú ý, dư nợ margin của MBS còn vượt qua giai đoạn thị trường chứng khoán bùng nổ từ 2021-2022, đồng thời đạt mức kỷ lục từ trước đến nay.

mbs1_agaj.png

So với quý III/2023, doanh thu hoạt động của MBS gần như tăng trưởng không đáng kể, đạt 539 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế của MBS vẫn tăng gần 4%, đạt 172,88 tỷ đồng, qua đó ghi nhận quý thứ 4 liên tiếp tăng trưởng về lợi nhuận.

mbs1.png

Mảng đem lại doanh thu lớn nhất là cho vay margin với lãi từ cho vay và phải thu đạt 219 tỷ đồng, tăng 18,5% so với quý trước. Trong khi đó, mảng đứng sau là môi giới lại ghi nhận sự sụt giảm doanh thu gần 20% xuống 171,2 tỷ đồng, dù thị phần môi giới trên HOSE của MBS vẫn tăng thêm từ 5,09% lên 5,21%.

mbs3.png
Thị phần MBS trên HOSE.

Đáng chú ý, dư nợ cho vay và ứng trước của MBS lại tăng trưởng mạnh tới 40% trong quý IV/2023, đạt 9.218 tỷ đồng. Đây là mức cho vay kỷ lục trong lịch sử hoạt động MBS trong khi đó tốc độ tăng trưởng cho vay chỉ xếp sau quý II/2023, giai đoạn thị trường ghi nhận sóng tăng nhờ hiệu ứng hạ lãi suất của Ngân hàng Nhà Nước.

mbs2.png

Trong giai đoạn thị trường chứng khoán bùng nổ từ 2021-2022, mức dư nợ cho vay lớn nhất ghi nhận được tại MBS cũng chỉ hơn 7.500 tỷ đồng.

Với quy mô vốn chủ sở hữu hơn 5.000 tỷ đồng, room cho vay margin còn lại của MBS hiện chỉ còn 8,51%, bởi theo quy định, các CTCK chỉ được cho vay tối đa 200% vốn chủ sở hữu.

Tính chung cả năm, MBS đạt doanh thu 1.815,95 tỷ đồng, hoàn thành 67% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế đạt 716 tỷ đồng, hoàn thành 79,6% kế hoạch cả năm.

Mai Hương