Đầu tư vào Fintech ở Đông Nam Á giảm 65%, xuống còn 2 tỷ USD trong năm 2023
Singapore chiếm hơn một nửa số khoản đầu tư này, với tổng số tiền đầu tư vào các công ty Fintech tại quốc đảo này là 1,1 tỷ USD.
Theo báo cáo thường niên của nền tảng khởi nghiệp dữ liệu Tracxn, các công ty Fintech ở Đông Nam Á chứng kiến tổng giá trị đầu tư giảm tới 65% trong năm 2023 xuống chỉ còn 2 tỷ USD, so với 5,9 tỷ USD hồi cuối năm 2022.
Số lượng các vòng tài trợ đã thực hiện giảm một nửa, xuống còn 142 trong năm 2023, từ 288 trong năm 2022.
Đầu tư vào giai đoạn hạt giống đã giảm 68% xuống còn 166 triệu USD, từ mức 522 triệu USD trong năm 2022.
Nguồn vốn tài trợ giai đoạn đầu cho các công ty Fintech Đông Nam Á cũng giảm 68%, xuống chỉ còn 836 triệu USD, khác xa so với mức 2,6 tỷ USD mà các công ty Fintech trong khu vực đã thu hút được từ các khoản đầu tư giai đoạn đầu trong năm 2022.
Nguồn vốn tài trợ giai đoạn cuối trong năm 2023 đã cố gắng phá vỡ mốc tỷ USD, nhưng vẫn thấp hơn 64% so với mức 2,8 tỷ USD mà các công ty Fintech của khu vực đã huy động được một năm trước đó.
Singapore dẫn đầu về nguồn tài trợ vào năm 2023, chiếm hơn một nửa hoặc 1,1 tỷ USD tổng nguồn tài trợ cho Fintech ở Đông Nam Á trong năm.
Tuy nhiên, các công ty Fintech Đông Nam Á đã chứng kiến sự gia tăng nguồn tài trợ vào cuối năm, trong đó quý IV là quý thu được tài trợ nhiều nhất, với 689 triệu USD, Tracxn lưu ý. Trong khi đó, quý II là quý được tài trợ ít nhất, với 282 triệu USD.
Ít vòng thu hút được trăm triệu USD
Có ít vòng hút được tài trợ từ 100 triệu USD trở lên trong suốt năm 2023, chỉ có 6 vòng trên toàn Đông Nam Á – thấp hơn so với 16 vòng của năm 2022.
Không có kỳ lân mới nào xuất hiện trong năm thứ hai liên tiếp.
Các giao dịch mua lại cũng giảm xuống chỉ còn 19 giao dịch trong năm 2023, từ 27 giao dịch của năm 2022. Tuy nhiên, con số này cao hơn một chút so với 17 giao dịch năm 2021.
Chỉ có 2 công ty Fintech Đông Nam Á ra mắt công chúng trong 2 năm qua, một vụ IPO năm 2023 và một vụ IPO trong năm 2022.
Fintech trong lĩnh vực tài chính, bảo hiểm phổ biến nhất
Phân khúc cho vay, thanh toán thay thế và bảo hiểm CNTT là 3 phân khúc phổ biến nhất đối với các nhà đầu tư.
Các công ty trong lĩnh vực cho vay thay thế đã thu hút khoản đầu tư trị giá 700 triệu USD trong năm 2023– cao hơn 11% so với năm 2022.
Trong khi đó, mặc dù phân khúc thanh toán đã giành được tổng nguồn vốn tài trợ là 270 triệu USD trong năm 2023, nhưng nguồn tài trợ vẫn thấp hơn tới 87% so với mức 2,1 tỷ USD mà các công ty Fintech của phân khúc này nhận được chỉ một năm trước đó.
Nguồn tài trợ cho phân khúc bảo hiểm CNTT đã tăng hơn gấp đôi trong năm 2023, lên 256 triệu USD. Đây là mức tăng đột biến 105% so với khoản tài trợ 125 triệu USD mà phân khúc này nhận được vào năm 2022.
East Ventures, YCombinator và 500 Global là những nhà đầu tư tích cực nhất của năm 2023.
Antler, Saison Capital và Tenity là những nhà đầu tư giai đoạn hạt giống hàng đầu của năm 2023; trong khi Gobi Partners, Peak XV Partners và Openspace Ventures là những nhà đầu tư giai đoạn đầu tích cực nhất trong năm, theo Tracxn.
Đối với các nhà đầu tư giai đoạn cuối, EDBI, Prosperity7 Ventures và 01Fintech là những nhà đầu tư tích cực nhất.
Nguồn vốn cho Fintech Việt Nam giảm mạnh 84% trong năm 2023 và đây là năm thứ hai liên tiếp không có vòng cấp vốn ở giai đoạn cuối.
Giá trị tài trợ cho các Fintech của Việt Nam chỉ còn 35,3 triệu USD với 8 vòng cấp vốn. Để so sánh, các Fintech Việt Nam đã huy động được 227 triệu USD trong năm 2022, theo dữ liệu từ Tracxn.
Sự chậm lại về nguồn vốn được cho là do thiếu các vòng cấp vốn ở giai đoạn cuối. Không có vòng tài trợ nào ở giai đoạn cuối trong năm thứ hai liên tiếp, so với 300 triệu USD huy động được vào năm 2021.
Cũng không có vòng gọi vốn 100 triệu USD nào được ghi nhận trong lĩnh vực Fintech của Việt Nam năm 2023 và không có kỳ lân mới nào xuất hiện trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, triển vọng lĩnh vực Fintech của Việt Nam dự báo sẽ tươi sáng hơn nhiều.
“Thị trường Fintech Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ cao hơn trong những năm tới”. Tracxn cho biết trong một thông cáo báo chí rằng dân số trẻ am hiểu công nghệ ngày càng tăng và số hóa dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng ở khu vực này.
Chính phủ Việt Nam được cho là cũng đã hỗ trợ phát triển lĩnh vực này. Gần đây nhất, chính phủ đã đưa ra Chiến lược quốc gia về chuyển đổi số, nhằm mục đích tăng tỷ trọng của nền kinh tế số trong GDP lên 20% vào năm 2025.
Tracxn viết: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đang phát triển môi trường Sandbox, nơi các công ty khởi nghiệp Fintech có thể thử nghiệm các sản phẩm mới của mình và điều này giúp chính phủ tìm hiểu các rủi ro liên quan đến các mô hình kinh doanh mới, từ đó phát triển các quy định thúc đẩy đổi mới.
Tính theo phân khúc thì cho vay thay thế, công nghệ ngân hàng và bảo hiểm CNTT thu hút nhiều khoản đầu tư nhất trong các công ty Fintech Việt Nam.
Các công ty Fintech nội trong lĩnh vực cho vay thay thế đã giành được tổng số vốn tài trợ là 17,1 triệu USD trong năm 2023, cao hơn 50% so với một năm trước đó.
Trong khi đó, phân khúc công nghệ ngân hàng đã đảm bảo được nguồn vốn trị giá 10 triệu USD, bằng một nửa số tiền nhận được trong năm 2022.
Nguồn vốn tài trợ cho lĩnh vực bảo hiểm CNTT ở mức 6 triệu USD vào năm 2023, so với mức tài trợ 2,5 triệu USD vào năm 2022.
Infinity Capital, X21 Digital và Avstar là những nhà đầu tư tích cực nhất trong lĩnh vực này.
Y Combinator, Resolution Ventures và ThinkZone là những nhà đầu tư hàng đầu trong các vòng giai đoạn hạt giống trong năm 2023; trong khi Peak XV Partners, JAFCO Asia và Patamar Capital là những nhà đầu tư tích cực nhất trong giai đoạn đầu, theo báo cáo của Tracxn.