Tâm điểm chứng khoán: “sóng” ngân hàng còn duy trì?
Các chuyên gia có quan điểm trái chiều xoay quanh khả năng giữ được đà tăng giá của nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng, được gọi là nhóm cổ phiếu “vua” đã trở lại mạnh mẽ thời gian qua. Vậy liệu nhiệt tăng ở nhóm cổ phiếu này có giữ được khi mà đây là nhóm vốn hóa lớn, cần dòng tiền lớn để duy trì sức tăng?
Chúng tôi ghi nhận ý kiến các chuyên gia xoay quanh khả năng duy trì “sóng” tăng của cổ phiếu ngành ngân hàng:
Cần dòng tiền lớn hơn nữa từ NĐTNN
Ông Quản Trọng Thành, Giám đốc Phân tích CTCK Maybank Investment bank (MSVN)
Trên thị trường, quan điểm về ngành ngân hàng khá lẫn lộn, đặc biệt quan điểm về nợ xấu từ giữa năm 2021 khiến giá cổ phiếu ngành này điều chỉnh giảm, định giá P/B ở quanh mức 1,3 - 1,4 lần. Thị trường không nhìn vào ngành này theo 12 tháng mà luôn nhìn hiện tại, với đánh giá nợ xấu như vậy sẽ làm cho lợi nhuận ngành không đạt mục tiêu. Nhưng về cuối năm, khi tín dụng tăng mạnh làm cho tỷ lệ nợ xấu về mặt toán học quy mô tín dụng tăng kéo tỷ lệ nợ xấu giảm.
Yếu tố thứ hai, một số ngân hàng lớn như Vietcombank, BIDV cho thấy vẫn duy trì quy mô lợi nhuận có tăng trưởng, thậm chí tăng mạnh như BIDV, hay gần đây có LPBank. Điều này làm cho sự quan tâm, đánh giá của thị trường với ngành tăng lên, khác với sự lo ngại trước đó về nợ xấu.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng có những thông điệp về chính sách tốt cho ngành hơn. Cụ thể, ngay từ đầu 2024, NHNN đã giao room tín dụng giúp các ngân hàng chủ động phát triển kinh doanh, với hạn mức tín dụng 15%. NHNN sẵn sàng điều chỉnh lên 16% khi nhu cầu kinh tế tốt lên.
Nếu như trước đây, một số phân tích ngành ngân hàng bày tỏ quan điểm nghi ngại thì gần đây đã tích cực trở lại. Các chuyên gia đánh giá năm sau tăng trưởng ngành quay trở lại tốt hơn năm 2023, ước tính dao động tăng trưởng ở mức 15-20%, lạc quan có thể lên đến 23%. Với MSVN nhìn nhận tăng trưởng ở mức khoảng 18%, với đánh giá mức độ tăng trưởng lợi nhuận đủ duy trì tỷ lệ ROE quanh 18%, là mức sinh lời tốt nhất trong khu vực cũng như trên thế giới.
Với định giá 1,3 - 1,4 lần nhìn 12 tháng tới là mức thấp trong 10 năm nay, các quan điểm đánh giá lại thì dòng tiền có sự quay lại với ngành. Đặc biệt cổ phiếu ngân hàng là ngành vốn hóa lớn, khi tăng không phải tiền nhỏ lẻ mà là tiền lớn, cho thấy sự quay lại thật chứ không phải lướt sóng ngắn bởi nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Tôi cho rằng, con sóng cổ phiếu ngân hàng có thể duy trì đến khoảng tháng 4, khi ĐHĐCĐ diễn ra, các ngân hàng công bố kế hoạch về tăng trưởng, cổ tức. Sau đó, cần chú ý kết quả kinh doanh quý I so với kế hoạch 2024 có đủ tạo niềm tin, từ đó sẽ có sự điều chỉnh hoặc phân hóa sau giai đoạn phục hồi.
Điều quan trọng, sự phục hồi ngành ngân hàng liên quan chất lượng tài sản, tăng trưởng tín dụng liên quan tới phục hồi ngành bất động sản. Tôi kỳ vọng ngành này cũng có tín hiệu hồi phục từ nửa cuối quý II/2024, tín hiệu rõ hơn từ quý III, niềm tin quay lại đẩy đợt phục hồi nữa của ngành ngân hàng. Theo tôi, năm 2024 ngành ngân hàng có thể duy trì mức tăng giá quanh 18-20% là phù hợp tốc độ phục hồi, khả năng sinh lời.
Dòng tiền không đổ vào ngành nào mãi
Ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao, CTCK KIS Việt Nam
Việc cổ phiếu ngân hàng tạo sóng thời gian qua do một số yếu tố. Thứ nhất đến từ việc NHNN công bố mức tín dụng cho năm 2024 khá cao. Các ngân hàng không lo hiện tượng thiếu room, hạn chế khả năng cho vay, thay vào đó có thể “bung” vốn lớn đáp ứng việc cho vay, làm cho kết quả kinh doanh ngân hàng sẽ tốt hơn.
Thứ hai, gần như Fed sẽ giảm lãi suất trong thời gian sắp tới. NHNN có khả năng sẽ giảm tiếp lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp. Khi lãi huy động giảm, lãi cho vay sẽ giảm theo, khách hàng và nhà đầu tư sẽ mạnh dạn vay vốn sử dụng đòn bẩy tài chính nhiều hơn. Khi đó các ngân hàng gia tăng lượng vốn cho vay, nâng cao NIM tốt hơn, là yếu tố tích cực cho cổ phiếu ngành.
Các ngân hàng sau năm 2023 gặp nhiều khó khăn, dưới chỉ đạo của Thủ tướng và NHNN, các ngân hàng cải tiến thủ tục cho vay, hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp cận dòng vốn vay nhiều hơn.
Cuối cùng, đến từ việc một số quỹ đầu tư bắt đầu giải ngân trở lại cho chu kỳ đầu tư năm mới. Đặc biệt là dòng vốn ngoại có những phiên giảm bán ròng, có những phiên chuyển sang mua ròng, có những phiên mua lượng lớn trong đó có cổ phiếu ngân hàng, điều này giúp cho nhà đầu tư nội giải ngân theo.
Tôi không cho rằng sóng cổ phiếu ngân hàng duy trì được nhiệt tăng. Về nguyên lý vận hành thị trường, dòng tiền không đổ vào ngành nào mãi, nhà đầu tư cũng không mua mãi một nhóm cổ phiếu nào đó đẩy giá lên cao được. Đặc trưng thị trường là dòng tiền dịch chuyển dần qua các nhóm ngành. Dòng tiền sau khi đã đổ vào nhóm ngân hàng, tạo con sóng vừa phải, sắp tới dòng tiền sẽ dịch chuyển qua ngành mới ngành chưa tăng trưởng mạnh như bất động sản khu công nghiệp, dân dụng, đầu tư công, chứng khoán và thép.
Cần chú ý 3 giai đoạn
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam
Yếu tố khiến cổ phiếu ngân hàng hút dòng tiền, đầu tiên, thời điểm tháng 11, 12 năm 2023, tăng trưởng tín dụng tăng mạnh, kéo theo tăng trưởng tín dụng cả năm lên 13,5%, dù chưa đạt mục tiêu 14% nhưng đã là mức tốt.
Thứ hai, thời gian qua nhiều ngân hàng giảm lãi suất huy động khiến chi phí vốn giảm 1-2% trong quý IV, giúp cho ngân hàng có NIM tốt trong giai đoạn này, tạo dư địa cho ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất để kích thích tăng trưởng tín dụng trở lại.
Thứ ba, khác với mọi năm, ngay đầu năm 2024, NHNN giao mức room tín dụng 15% cho các ngân hàng để chủ động hơn trong hoạt động tín dụng.
Yếu tố nữa liên quan câu chuyện nới thêm quy định ở Thông tư 06 về việc giãn hoãn các khoản nợ xấu.
Việc này giúp các ngân hàng chưa phải ghi nhận, trích lập khoản nợ xấu với những doanh nghiệp ảnh hưởng từ COVID ngay từ 2024 mà được gia hạn thêm. Điều này giúp ngân hàng có dư địa để vừa đảm bảo mục tiêu tăng trưởng vừa duy trì mặt bằng lãi suất thấp hỗ trợ doanh nghiệp.
Cuối cùng liên quan tình hình chung của nền kinh tế khi mọi người kỳ vọng 2024 hồi phục trở lại sau năm 2023. Với thanh khoản hệ thống dồi dào sẽ tạo điều kiện giúp các ngân hàng có hoạt động dễ thở hơn so với những năm trước.
Sóng cổ phiếu ngành này có duy trì? Tôi cho rằng là có. Tuy nhiên cần chú ý 3 giai đoạn. Đầu tiên là giai đoạn kỳ vọng nhóm này trong 2024, thường giai đoạn này cổ phiếu tăng nóng. Có thể thấy giá cổ phiếu thường tăng nhanh hơn nền tảng doanh nghiệp. Tới thời điểm các cổ phiếu không đủ hấp dẫn cho việc tăng tiếp sẽ bước vào giai đoạn điều chỉnh, định giá lại. Tôi cho rằng sẽ rơi vào cuối quý I đầu quý II. Hết quý II nhóm ngân hàng bắt đầu quay trở lại hút dòng tiền và tăng, vì khi đó mức tăng trưởng nền kinh tế hồi phục hơn.