Tin tức

Dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi): Khẩn trương tiếp thu, chuẩn bị trình Quốc hội thông qua

Minh Đức 15/01/2024 19:24

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 5, chiều ngày 15/1, Quốc hội đã tiến hành thảo luận về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

thao-luan-luat-tctd.jpg
Toàn cảnh phiên thảo luận về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5

Dự thảo Luật chỉnh lý 15 chương, 210 điều

Trình bày tóm tắt Báo cáo Tóm tắt một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, tại Kỳ họp thứ 6, các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tiếp tục cho ý kiến đối với dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Ngay sau Kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan có liên quan phối hợp chặt chẽ, nghiên cứu kỹ lưỡng, có trách nhiệm để tiếp thu, chỉnh lý, giải trình ý kiến của các ĐBQH, ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan để hoàn thiện dự thảo Luật bảo đảm yêu cầu cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng theo chủ trương của Đảng, nghị quyết Quốc hội; bảo đảm nguyên tắc thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; có tính kế thừa; bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, phù hợp với chuẩn mực kế toán và thông lệ quốc tế; tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức tín dụng (TCTD); tăng khả năng chống chịu của hệ thống TCTD; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ngân hàng.

Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 15 chương và 210 điều (tăng 7 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6).

Báo cáo về việc tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, về nghiệp vụ ủy thác và đại lý, giao đại lý, tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng bổ sung quy định tại khoản 2 Điều 113 và tương tự tại các điều tương ứng với từng loại hình tổ chức tín dụng như sau: “Ngân hàng thương mại được thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm, phù hợp với phạm vi hoạt động đại lý bảo hiểm theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước”.

Về giới hạn cấp tín dụng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý theo hướng quy định lộ trình cụ thể tại khoản 1 Điều 136 dự thảo Luật với thời hạn giảm dần giới hạn cấp tín dụng trong 5 năm từ khi Luật có hiệu lực đến năm 2029 nhằm bảo đảm minh bạch, rõ ràng, đồng thời tránh tác động đột ngột đến hoạt động của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, nhưng vẫn hạn chế việc tập trung tín dụng vào một khách hàng và một nhóm khách hàng, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho đối tượng khách hàng khác.

Liên quan đến việc can thiệp sớm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (Chương IX), ông Vũ Hồng Thanh nêu rõ: Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định giao Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định thực hiện can thiệp sớm khi tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thuộc một hoặc một số trường hợp. Trong đó có trường hợp “Số lỗ lũy kế của tổ chức tín dụng, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài lớn hơn 15% giá trị của vốn điều lệ, vốn được cấp và quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc theo kết luận thanh tra, kiểm toán của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu” tại khoản 1 Điều 156.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng bổ sung giải pháp hạn chế tăng trưởng tín dụng nhằm kiểm soát rủi ro cũng như quy mô của tổ chức tín dụng, tránh tình trạng có tổ chức tín dụng đang yếu kém mà vẫn tăng trưởng và mở rộng hoạt động như thời gian qua, đến khi phát hiện đã muộn (quy mô tăng lên rất nhanh do không bị kiểm soát về hoạt động và tăng trưởng tín dụng) khiến cho việc xử lý càng trở nên khó khăn hơn và phải sử dụng nhiều nguồn lực hơn.

Vấn đề xử lý trường hợp tổ chức tín dụng bị rút tiền hàng loạt, vay, cho vay đặc biệt (Chương XI) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, giải trình. Theo đó, tiếp thu ý kiến của ĐBQH và trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, để bảo đảm tính thống nhất của quy định trong dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉnh lý khoản 3 Điều 191 như sau: “Ngân hàng thương mại, Ngân hàng Hợp tác xã, Quỹ Tín dụng nhân dân, Tổ chức Tài chính vi mô được vay đặc biệt từ Ngân hàng Nhà nước; vay đặc biệt từ tổ chức bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi; vay đặc biệt từ tổ chức tín dụng khác” để phù hợp với các tổ chức tín dụng có nhận tiền gửi cá nhân bị rút tiền hàng loạt.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật chỉnh lý khoản 1 Điều 192 như sau: “Tổ chức tín dụng được vay đặc biệt từ Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng khác trong trường hợp: a) Để chi trả tiền gửi cho người gửi tiền theo quy định tại Điều 191 của Luật này; b) Để thực hiện phương án phục hồi, phương án chuyển giao bắt buộc” bảo đảm phù hợp với quy định tại Điều 171 (cho phép công ty tài chính được vay đặc biệt để thực hiện phương án phục hồi, Điều 182 (cho phép ngân hàng thương mại được chuyển giao bắt buộc vay đặc biệt để thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc) và Điều191 của dự thảo Luật (cho phép một số loại hình tổ chức tín dụng được vay đặc biệt trong trường hợp bị rút tiền hàng loạt).

Khoản 2 và khoản 3 Điều 192 được chỉnh lý như sau: "Ngân hàng thương mại, Ngân hàng Hợp tác xã, Quỹ Tín dụng nhân dân, Tổ chức Tài chính vi mô được vay đặc biệt từ tổ chức bảo hiểm tiền gửi theo quy định của pháp luật về Bảo hiểm Tiền gửi. Ngân hàng Hợp tác xã chỉ cho vay đặc biệt đối với Quỹ Tín dụng nhân dân theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước".

Còn băn khoăn về xử lý nợ xấu, công khai báo cáo tài chính

Góp ý vào dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đại biểu Võ Mạnh Sơn nêu rõ, sau hơn 12 năm thực hiện, Luật Các tổ chức tín dụng đã góp phần lành mạnh hóa các tổ chức tín dụng, hoàn thiện các cơ sở pháp lý để bảo vệ lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý cho hoạt động thanh tra, giám sát các tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, đại biểu cũng chỉ rõ, quá trình thực hiện, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng trước yêu cầu mới, Luật đã bộc lộ một số hạn chế cần nghiên cứu, bổ sung, chỉnh sửa cho phù hợp với hoạt động của các tổ chức tín dụng và thực tiễn quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước. Đại biểu Võ Mạnh Sơn bày tỏ thống nhất cao với Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật của UBTVQH.

Về hạn chế thành viên Hội đồng quản trị tại điểm b khoản 2 Điều 43 của dự thảo Luật, đại biểu Võ Mạnh Sơn đề nghị cần cân nhắc thận trọng hơn quy định này vì có thể sẽ gây nhiều vướng mắc trên thực tế. Tham gia Hội đồng quản trị một tổ chức tín dụng không phải là công việc toàn thời gian nên những người này thường có công việc khác.

Đại biểu đến từ đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, việc hạn chế điều kiện thành viên Hội đồng quản trị như dự thảo Luật có thể dẫn đến việc khó tìm được người đủ năng lực, kinh nghiệm, kiến thức để tham gia Hội đồng quản trị.

Về giới hạn tỷ lệ sở hữu quy định tại Điều 63 của dự thảo Luật, đại biểu Sơn cho rằng, mục tiêu tăng tính an toàn cho hệ thống ngân hàng là cần thiết, song biện pháp tiếp tục giảm tỷ lệ sở hữu tối đa chưa phải là giải pháp phù hợp vào thời điểm này. Đại biểu Võ Mạnh Sơn nhận thấy, nên giữ tỷ lệ sở hữu như quy định hiện hành. Đồng thời, Luật cần quy định chặt chẽ hơn về điều kiện và thủ tục cấp tín dụng cho ngân hàng liên quan tới cổ đông sở hữu cổ phần, không áp dụng hồi tố trong các trường hợp đã sở hữu trước ngày Luật này có hiệu lực.

Đồng quan điểm với đại biểu Võ Mạnh Sơn, đại biểu Đoàn Thị Lê An - Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng chỉ rõ việc khống chế tỷ lệ sở hữu cổ phần có thể ảnh hưởng tới các ngân hàng và không có nhiều ý nghĩa để hạn chế sở hữu chéo. "Điều này chỉ kiểm soát được về mặt hồ sơ. Việc khống chế tỷ lệ không quan trọng bằng việc giám sát thực thi quy định, chưa nói đến việc có thể tạo ra rào cản ngăn cản dòng vốn ngoại chảy vào hệ thống ngân hàng", đại biểu Đoàn Thị Lê An phân tích.

Cho ý kiến về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông bày tỏ băn khoăn về việc dự thảo lần này bỏ quy định về thủ tục thu giữ tài sản bảo đảm trong xử lý nợ xấu (Điều 188 của dự thảo luật tại kỳ họp thứ 6).

Theo đại biểu Dương Khắc Mai, trên thực tế việc thu giữ tài sản và bàn giao tài sản cho bên mua sau khi bán thành công gặp rất nhiều khó khăn, kéo dài nhiều năm và có nhiều trường hợp không thực hiện được do bên bảo đảm, bên giữ tài sản không hợp tác, có hành vi chống đối và làm đơn, thư khiếu kiện, cơ quan có thẩm quyền căn cứ quy định tại Khoản 11 Điều 7 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT ngày 29/9/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường từ chối thực hiện hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, quyền sở hữu tài sản. Đồng thời các tổ chức tín dụng rất khó khăn trong việc quản lý, bảo vệ tài sản sau khi thu giữ. Để đảm bảo quyền lợi của các bên có liên quan cũng như việc thượng tôn pháp luật, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu lại cho phù hợp.

Về vấn đề này, đại biểu Phạm Đức Ấn (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội) Chủ tịch HĐTV Agribank kiêm Chủ tịch Hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho rằng, việc duy trì cơ chế chính sách theo Nghị quyết 42 và tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu là cần thiết; bởi vì thu hồi này không phải tạo ra đặc quyền đặc lợi cho gì cho tổ chức tín dụng mà việc thu giữ theo Nghị quyết để đảm bảo là quyền lợi chung mang tính xã hội nhiều hơn.

Cũng liên quan đến xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm, đại biểu Nguyễn Việt Hà - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang đề nghị giữ nguyên quy định về thu giữ tài sản bảo đảm, kê biên tài sản bảo đảm của bên phải thi hành án, hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự, vụ việc vi phạm hành chính như quy định trong dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 nhằm đảm bảo tính pháp lý và xử lý hiệu quả nợ xấu.

Theo đại biểu Hà, việc thu giữ tài sản bảo đảm quy định như dự thảo tại Kỳ họp thứ 6 là phù hợp với quy định pháp luật, bảo đảm nguyên tắc tôn trọng sự thỏa thuận của các bên trong giao dịch dân sự, do các tổ chức tín dụng muốn thu giữ tài sản bảo đảm thì phải có sự đồng ý của khách hàng, việc này được thể hiện ở văn bản thỏa thuận giữa hai bên.

"Tại Nghị quyết 42, những quy định trên là những nội dung cốt lõi, trọng yếu trong việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, nhằm đảm bảo công tác xử lý nợ xấu có cơ ở pháp lý để triển khai hiệu quả trên thực tế", đại biểu Nguyễn Việt Hà nói thêm.

Liên quan đến việc bổ sung quy định ở Điều 159 của Dự thảo, yêu cầu tổ chức tín dụng phải thuyết minh rõ số dự phòng rủi ro chưa được trích lập, số lãi phải thu, phải thoái, chưa phân bổ trong báo cáo tài chính bao gồm cả báo cáo tài chính niêm yết công khai tại dự thảo Luật, đại biểu Phạm Đức Ấn cho rằng, quy định như vậy chưa phù hợp với thực tiễn, cần nghiên cứu, rà soát đảm bảo tính khả thi.

Đồng tình với đại biểu Phạm Đức Ấn, đại biểu Vũ Hồng Luyến - Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên phân tích, trên thực tế, căn cứ quy định pháp luật và các chuẩn mực kế toán hiện hành, các báo cáo tài chính hằng năm của tổ chức tín dụng đều được kiểm toán độc lập xác nhận đã được công khai theo quy định và đã có số liệu về lãi phải thu và dự phòng cho số lãi phải thu. Việc việc bổ sung yêu cầu có thuyết minh và công khai số liệu cụ thể về số dự phòng rủi ro chưa trích lập và số lãi phải thu chưa phân bổ cần phải cân nhắc hết sức kỹ lưỡng hoặc có thể bỏ yêu cầu này. Nếu không thận trọng khi thực hiện yêu cầu này trên thực tế có thể ảnh hưởng rất lớn đến uy tín, hình ảnh của tổ chức tín dụng trong khi tổ chức tín dụng đang cần có sự ổn định và sử dụng các biện pháp tự thân để khắc phục khó khăn trở lại hoạt động bình thường. Do đó, đại biểu Vũ Hồng Luyến đề nghị Ban soạn thảo dự thảo Luật nghiên cứu xem xét thêm về nội dung này.

Tại phiên thảo luận, các ĐBQH cũng đã cho ý kiến và đưa ra đề xuất kiến nghị về quy định xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém; biện pháp hỗ trợ tổ chức tín dụng được can thiệp sớm; quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân;...

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, các đại biểu Quốc hội đã đưa ra nhiều phát biểu tâm huyết, trách nhiệm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các cơ quan liên quan tập trung nghiên cứu, khẩn trương tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia để hoàn thiện báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án luật, trình báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chuẩn bị trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Minh Đức