CEO ngân hàng và quan chức Ngân hàng Trung ương nói gì về lãi suất và nền kinh tế
Tuần này, các nhà lãnh đạo thế giới và Giám đốc điều hành doanh nghiệp đã tập trung tại Davos, Thụy Sĩ để tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2024, bàn thảo về các chủ đề như biến đổi khí hậu, xung đột địa chính trị, trí tuệ nhân tạo và quan trọng nhất là lãi suất.
Để đối phó với mức lạm phát cao nhất kể từ những năm 1980, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất quỹ liên bang - lãi suất để quy định lãi suất vay thế chấp, thẻ tín dụng và lãi suất cho vay mua ô tô - lên hơn 5 điểm phần trăm trong 16 tháng qua. Việc thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh mẽ khiến một số nhà kinh tế lo ngại việc tăng lãi suất có thể dẫn đến suy thoái kinh tế.
Tâm lý thị trường cuối cùng đã bắt đầu thay đổi vào cuối năm 2023 khi lạm phát hạ nhiệt đáng kể. Tuy nhiên, các quan chức FED đưa ra những dự báo không chắc chắn, thậm chí cảnh báo rằng có thể cần tăng thêm lãi suất, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế. Tại cuộc họp chính sách mới nhất vào tháng 12, FED đã giữ lãi suất chủ chốt ổn định ở mức 5,25 - 5,50% lần thứ ba liên tiếp.
Dưới đây là một số ý kiến của các CEO ngân hàng lớn và các quan chức ngân hàng trung ương nói về lãi suất tại Davos trong tuần này:
Các CEO ngân hàng và các nhà đầu tư Mỹ mong đợi nhanh giảm lãi suất trong năm 2024
Dự đoán về việc cắt giảm lãi suất nhiều lần trong năm 2024 đã thúc đẩy sự phục hồi của các chỉ số chứng khoán lớn của Mỹ trong 3 tháng qua. Nhiều nhà đầu tư tin rằng FED còn nhiều bước nữa mới đạt được mục tiêu hạ cánh mềm, nơi mà nền kinh tế quá nóng chuyển sang tăng trưởng chậm mà không rơi vào suy thoái.
“Thị trường rõ ràng đang tiến tới trạng thái có nhiều đợt cắt giảm lãi suất. Không nghi ngờ gì nữa, chúng ta đã đạt được nhiều tiến triển trong vấn đề lạm phát”, Giám đốc điều hành Goldman Sachs (GS) David Solomon nói. “Tùy thuộc vào tiến triển diễn ra như thế nào, điều đó sẽ quyết định hướng đi của chính sách.”
Vị CEO này thừa nhận đã nhìn thấy một số dấu hiệu về sự hạ cánh nhẹ nhàng nhưng cũng cảnh báo không nên quá lạc quan. Ông nói: “Tôi nghĩ thật khó để nhìn nhận quan điểm của thị trường về 7 đợt cắt giảm trong năm nay”. “Tôi thực sự nghĩ rằng có khả năng về một số đợt cắt giảm lãi suất, một số nới lỏng trong năm nay là phù hợp. Nhưng điều này thực sự sẽ phụ thuộc vào những gì dữ liệu cho thấy.”
Giám đốc điều hành Bank of America (BAC) Brian Moynihan cho biết, đội nghiên cứu của ông dự đoán sẽ có 4 lần cắt giảm lãi suất vào năm 2024 và 4 lần nữa vào năm 2025 cho đến khi lãi suất dài hạn duy trì ở mức 3%- 3,5%. “Mọi người nói lãi suất cao hơn. Nhưng trong sơ đồ lớn của lịch sử, lãi suất như vậy không phải cao hơn. Lãi suất chỉ cao hơn kể từ cuộc khủng hoảng tài chính,” ông nêu quan điểm.
Anne Walsh, Giám đốc đầu tư của Guggenheim Investment Management, một công ty quản lý tài sản toàn cầu có trụ sở tại Mỹ dự đoán, FED sẽ cắt giảm lãi suất 6 lần trong năm nay do nguy cơ suy thoái kinh tế có thể xảy ra. Ông này cho rằng: “Chúng tôi chỉ lo ngại hơn một chút rằng nền kinh tế sẽ chậm lại nhiều hơn quan điểm hạ cánh mềm đó”.
Các quan chức ngân hàng trung ương châu Âu tỏ ra thận trọng hơn
Bà Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cho biết, không thể xác định được ngày nào sẽ cắt giảm lãi suất và mọi động thái sẽ xoay quanh việc chắc chắn rằng lạm phát đang hạ nhiệt xuống mức mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương.
Francois Villeroy de Galhau, Thống đốc Ngân hàng Pháp và là thành viên Hội đồng Quản trị của ECB thì nói rằng, ECB có thể sẽ giảm chi phí vay vào cuối năm nay nhưng lưu ý rằng các quyết định cắt giảm lãi suất sẽ cần phải được xem xét bởi các dữ liệu.
Ông Villeroy nói: “Còn quá sớm để tuyên bố chiến thắng lạm phát, nhưng khi bạn nhìn vào những gì chính sách tiền tệ đã đạt được trong 12 tháng qua, chúng tôi có thể khá tự tin”. “Rất có thể sẽ có một đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay nhưng lúc nào thì vẫn còn quá sớm để bàn.”
Ông Villeroy có cùng quan điểm với đồng nghiệp tại ECB, ông Joachim Nagel, Chủ tịch Ngân hàng trung ương Đức Deutsche Bundesbank. “Chúng ta vẫn có tỷ lệ lạm phát cơ bản rất cao ở châu Âu, ở Đức và đó là lý do tại sao nên chờ đợi dữ liệu. Sau đó, chúng tôi sẽ quyết định tại Hội đồng quản trị về việc áp dụng chính sách nào”, ông Nagel nói.
Ông Villeroy nhấn mạnh tầm quan trọng của sự kiên nhẫn khi theo đuổi mục tiêu giảm lạm phát đầy tham vọng của ECB. Ông nói: “Chúng ta phải nhìn thấy lạm phát neo ở mức khoảng 2% một cách vững chắc và lâu dài”. “ Vững chắc ở đây có nghĩa là chúng ta phải xem xét dữ liệu bao gồm lạm phát cơ bản và tiền lương; lâu dài có nghĩa là xem xét tới các dự báo cũng như kỳ vọng lạm phát.”