Các Hiệp hội ngành, nghề

Sắp có Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu

Lâm An 21/01/2024 21:24

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến các địa phương, doanh nghiệp để xây dựng Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu theo chỉ đạo của Chính phủ.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Tháng 10/2023, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái có cuộc họp với Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Tài chính và các ban ngành để bàn về việc xây dựng một Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 95 và Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu.

Trên cơ sở ý kiến thống nhất của các bộ, cơ quan, Phó Thủ tướng yêu cầu thống nhất các nội dung liên quan đến công thức giá, điều hành giá, tính toán các khoản định mức trong giá cơ sở, quản lý, sử dụng giám sát quỹ bình ổn giá và việc phân công nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan liên quan.

Bộ Công Thương được giao chủ trì, phối hợp với các bên liên quan xây dựng Nghị định mới thay thế các Nghị định về kinh doanh xăng dầu hiện tại, trình Chính phủ trong quý II.

Mới đây, Bộ Công Thương đã có công văn đề nghị các Sở Công Thương rà soát, có ý kiến đánh giá những mặt được, những mặt tồn tại của các quy định hiện hành tại các Nghị định về kinh doanh xăng dầu. Từ đó, góp ý, đề xuất nội dung mới nhằm xây dựng Nghị định mới trong lĩnh vực này.

Như vậy, Nghị định 80 sửa đổi, bổ sung 2 Nghị định 83 và 95 về kinh doanh xăng dầu vừa được ban hành cách đây hơn 2 tháng cũng sẽ được xem xét để thay thế.

Một chuyên gia trong lĩnh vực xăng dầu cho biết, trước đó, sửa Nghị định 83 mất hơn hai năm, chuẩn bị tương đối kĩ càng và thận trọng, để có được Nghị định 95. Nhưng sau 1 năm lại tiếp tục phải sửa để có Nghị định 80 do thị trường xăng dầu có biến động bất thường. Nghị định 80 vừa ra đời được vài tháng nhưng vẫn phải sửa do còn nhiều bất cập.

TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, còn nhiều vấn đề phải bàn khi sửa các Nghị định về kinh doanh xăng dầu. Theo ông, việc sửa Nghị định hoặc xây dựng Nghị định mới phải trên cơ sở kế thừa vì các quy định cũ vẫn có tác dụng nhất định, không phải tất cả đều lạc hậu.

Vị chuyên gia cũng lưu ý một số vấn đề cần làm rõ trong Nghị định mới như phương thức giao dịch xăng dầu, cần giảm bớt các khâu trung gian. Nội dung này cũng được ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công Ty TNHH MTV Bội Ngọc (Trà Vinh) đề xuất khi góp ý về xây dựng Nghị định mới.

Trước đó, kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ ra rằng, Bộ Công Thương quy định thương nhân phân phối xăng dầu được mua bán với nhau, dẫn đến nhiều hành vi mua bán xăng dầu trái quy định, hệ thống kinh doanh xăng dầu bị phá vỡ; "biến" thương nhân đầu mối thành thương nhân phân phối.

Ngoài làm tăng chi phí lưu thông, việc thương nhân đầu mối mua bán với nhau và thương nhân phân phối mua bán xăng dầu với nhau sẽ tạo ra tầng nấc trung gian, dẫn đến việc hưởng chiết khấu chênh lệch giá.

Theo Giám đốc Công ty Bội Ngọc, để giảm các bước trung gian cần quy định doanh nghiệp đầu mối, phân phối và bán lẻ không được mua bán qua lại với nhau. Ông dẫn ví dụ cùng một lượng xăng dầu qua tay mua bán nhiều lần sẽ khiến chi phí bán buôn tăng lên, chiếm hết phần chi phí và lợi nhuận của doanh nghiệp bán lẻ. Đây cũng là một trong những nguyên nhân đại lý, cửa hàng bán lẻ bị lỗ, dừng bán gây gián đoạn nguồn cung cho thị trường, ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng, an ninh năng lượng, phát triển kinh tế.

Ngoài ra, đại diện doanh nghiệp này đề nghị doanh nghiệp đầu mối phải thành lập doanh nghiệp bán lẻ riêng, hạch toán độc lập để có báo cáo tài chính, chi phí, lãi lỗ riêng nhằm phản ánh đúng tình hình kinh doanh và tài chính của khâu bán lẻ.

Theo ông, việc phân chia không rõ ràng đã tạo ra bất công bằng các khâu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu mối chiếm đoạt phần chi phí định mức, dẫn đến chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ có lúc về 0 đồng. “Bộ Tài chính phải tính lại chi phí định mức rõ ràng ở các khâu, trong đó có chi phí định mức của doanh nghiệp bán lẻ. Phần chi phí này là cần thiết để doanh nghiệp trang trải cho hoạt động khi tham gia thị trường mà Nghị định trước đây quy định không rõ ràng”, ông Tây góp ý.

Khi xây dựng Nghị định mới, một số chuyên gia cũng đặc biệt nhấn mạnh tới công tác điều hành giá của mặt hàng xăng dầu, trong đó có quan điểm tự do hoá giá cả, để thị trường quyết định cung cầu, doanh nghiệp được định giá bán lẻ. Tuy nhiên, để xăng dầu theo cơ chế thị trường, chuyên gia lưu ý khâu kiểm tra, kiểm toán. Theo đó, Nhà nước phải định kỳ kiểm tra doanh nghiệp đầu mối về tính giá thành, các khoản chi phí hợp lý, hợp lệ để giá cả đúng thực chất.

Đại diện một doanh nghiệp xăng dầu khác cũng đề xuất đưa thời gian điều chỉnh giá về tần suất hai tuần một lần để phù hợp với chu kỳ kinh doanh, bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu để tránh doanh nghiệp chiếm dụng vốn và sinh ra nhiều vi phạm tiêu cực trong quản lý tài chính, sửa quy định về xuất hoá đơn điện tử sau từng lần…

Lâm An