Sóc Trăng: Dòng chảy tín dụng chính sách đang phát huy hiệu quả
Cùng với hiệu ứng lan tỏa từ việc triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình, đang phát huy hiệu quả tích cực trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.
Bảo đảm an sinh xã hội chính sách cơ bản để giảm nghèo
Bảo đảm an sinh xã hội là chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng trong lãnh đạo đất nước. Đây là chính sách cơ bản để giảm nghèo, bảo đảm đời sống của nhân dân, thực hiện công bằng, tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh.
Theo dữ liệu báo cáo kết quả cho thấy, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025 có tổng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 trên 801 tỉ đồng; đến nay, toàn tỉnh giải ngân trên 359,4 tỉ đồng (không bao gồm vốn huy động), đạt tỉ lệ 66,95%.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có tổng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là 2.357,5 tỉ đồng; kết quả giải ngân nguồn vốn năm 2022, năm 2023 được 274.020 triệu đồng, đạt 78,11%. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững có tổng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 trên 53,5 tỉ đồng; kết quả giải ngân nguồn vốn năm 2022, năm 2023 được 42.805 triệu đồng, đạt 32,04%.
Đáng chú ý, sau 2 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025 đến nay có 18/42 mục tiêu, chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, các chỉ tiêu còn lại đảm bảo đúng lộ trình và dự kiến đến năm 2025 đạt chỉ tiêu nghị quyết và kế hoạch đề ra.
Đối với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, tính đến nay, toàn tỉnh có 64 xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 16 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và hiện tỉnh chưa có xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; toàn tỉnh có 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và hiện chưa có huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, kết quả giảm tỉ lệ hộ nghèo hằng năm từ 2 - 3%, trong đó, giảm tỉ lệ hộ nghèo dân tộc Khmer từ 3 - 4%. Kết quả đạt được trong các năm qua tỉ hộ nghèo giảm bình quân là 2,1%, đạt chỉ tiêu đề ra.
Tín dụng chính sách phát huy hiệu quả
Một trong những nguồn lực của tỉnh Sóc Trăng đạt được những kết quả rất quan trọng trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia là tổ chức quản lý, sử dụng rất hiệu quả là vốn tín dụng chính sách, qua đó góp phần rất lớn vào kết quả chung của tỉnh.
Các chương trình tín dụng chính sách tham gia trực tiếp thực hiện 4/7 dự án thành phần của Chương trình giảm nghèo bền vững; tham gia thực hiện 9/19 tiêu chí nông thôn mới; tham gia thực hiện 2/10 dự án thành phần của Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; giải ngân cho gần 7.100 khách hàng, với số tiền 294 tỉ đồng thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, tổng dư nợ cho vay trên 4.700 tỉ đồng, với 154.000 hộ nghèo và đối tượng chính sách.
Hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11 ở tỉnh đã và đang góp phần quan trọng vào việc bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định đời sống của nhân dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Sóc Trăng đã xây dựng kế hoạch, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để giải ngân kịp thời, công khai, minh bạch, 100% nguồn vốn được phân bổ đến đúng đối tượng thụ hưởng.
Bên cạnh đó, sát cánh cùng người dân trong các chương trình vượt khó, thoát nghèo, những năm qua, NHCSXH tỉnh Sóc Trăng luôn tạo điều kiện thuận lợi cho bà con vay vốn ưu đãi đầu tư phát triển sản xuất, vươn lên ổn định cuộc sống. Đặc biệt chương trình cho vay vốn đối với người lao động tỉnh đi làm việc ở các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) theo hợp đồng theo Đề án số 10/ĐA-UBND, ngày 23/12/2019 của UBND tỉnh Sóc Trăng (Đề án số 10) đã mang lại kết quả hết sức khả quan, qua đó đã giải quyết việc làm cho nhiều lao động, góp phần tích cực đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.
Sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án số 10, toàn tỉnh đã có 557 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tổng nguồn vốn được phân bổ cho từng chính sách là 31,3 tỷ đồng. Đối với chương trình du học sinh vừa học, vừa làm tại Đài Loan (Trung Quốc) đã có 134 học sinh tham gia chương trình, 72 trường hợp được hỗ trợ vay vốn với số tiền hơn 3,4 tỉ đồng. Chính sách đã tạo điều kiện cho người lao động, nhất là lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn đi làm việc ở các nước có thu nhập cao để ổn định cuộc sống. Từ chính sách này đã tạo điều kiện cho các học sinh được tham gia chương trình du học theo hình thức vừa học vừa làm.
Ngoài ra, triển khai thực hiện Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg, ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù (Quyết định số 22) có hiệu lực ngày 10/10/2023. Theo đó, người từng lầm lỗi đã chấp hành xong án phạt tù được vay vốn để làm ăn, ổn định cuộc sống. Kết quả đến nay Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng đã giải ngân theo Quyết định số 22 được 410 triệu đồng, cho 11 hộ vay để chăn nuôi, sản xuất kinh doanh. Đây là chương trình tín dụng mang tính nhân văn sâu sắc, giúp cho những người đã từng lầm lỗi làm lại cuộc đời, từng bước ổn định cuộc sống.
Giải pháp thực hiện thời gian tiếp
Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới NHCSXH tỉnh Sóc Trăng tiếp tục đẩy mạnh dòng chảy tín dụng chính sách đến đúng các đối tượng được thụ hưởng nhằm cải thiện đời sống vươn lên thoát bằng hành động cụ thể sau:
Một là, tiếp tục đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực tài chính từ vốn ủy thác địa phương, huy động tiền gửi tiết kiệm, tranh thủ nguồn vốn đối ứng của trung ương. Tranh thủ các nguồn vốn của cấp trên, đặc biệt là nguồn vốn ngân sách địa phương để giải ngân kịp thời cho các đối tượng thụ hưởng đủ điều kiện được vay vốn sản xuất, kinh doanh, vượt khó thoát nghèo bền vững.
Hai là, tiếp tục rà soát các đối tượng đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn đi lao động ở nước ngoài để tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận với nguồn vốn này để tham gia lao động ở nước ngoài, tăng thêm thu nhập cho gia đình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Ba là, đẩy mạnh cho vay các Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Bốn là, tiếp tục thực hiện cho vay chương trình phục hồi phát triển kinh tế.
Năm là, tiếp tục phối hợp với chính quyền và công an địa phương rà soát đối tượng mới chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương không mắc tệ nạn xã hội, có nhu cầu vay vốn tạo việc làm ổn định tái hòa nhập cộng đồng để triển khai cho vay kịp thời, đúng quy định. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và có các hướng dẫn kịp thời đối với hộ vay này để họ có cách thức làm ăn, phát huy hiệu quả nguồn vốn.
Sáu là, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, kiểm soát và khống chế nợ quá hạn phát sinh. Đảm báo chất lượng công tác thẩm định đối tượng vay, nâng chất tổ tiết kiệm và vay vốn tại địa phương.
Tài liệu tham khảo:
1. Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng 2023, Báo cáo Tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia.
2. Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Sóc Trăng, Báo cáo kết quả hoạt động năm 2023 và nhiệm vụ năm 2024.
3. Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng 2023, Kế hoạch tổng thể Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2020 – 2025.