Chứng khoán

Tiền luân chuyển vào chứng khoán nhưng vẫn rụt rè

Mai Hương 24/01/2024 - 16:34

Lẽ ra, các cổ phiếu chứng khoán cần phải nối tiếp nhóm thép để bắt nhịp từ phiên hôm qua. Tuy nhiên, phải sang đến phiên hôm nay (ngày 24/01), nhóm này mới có một số mã tăng tốc như HCM và TVB.

screenshot-2024-01-24-153415.png

Định vị thị trường

Các chỉ số chứng khoán Trung Quốc tiếp tục có sự hồi phục tích cực với SHMCP (+1,8%), HSI (+2,9%), SZI (+1%) tăng điểm khá mạnh. Hiện các chỉ số này đều đi sau khá nhiều thị trường khu vực bao gồm cả Việt Nam nhưng sự cải thiện về xu hướng này ít nhiều cũng củng cố niềm tin cho nhà đầu tư nói chung.

Với VN-Index, chỉ số đang trong giai đoạn luân chuyển dòng tiền từ nhóm cổ phiếu Ngân hàng sang các nhóm khác nên có sự điều chỉnh lẫn rung lắc trong phiên là điều khó tránh khỏi. Điều quan trọng là cần tránh những cú sốc về điểm số khi quá trình này đang diễn ra.

Chất xúc tác

So với phiên hôm qua, khớp lệnh của HOSE đã cải thiện nhẹ, tăng 7,3% lên 644 triệu đơn vị. Tuy nhiên, mức khớp lệnh này chưa phải một sự bứt phá khi còn ở dưới mức bình quân 20 phiên.

Cổ phiếu khớp lệnh tốt nhất HOSE là SSI (933 tỷ đồng) chưa vượt qua mức giao dịch 1.000 tỷ đồng, trong khi các mã giao dịch trên 500 tỷ đồng cũng chỉ dừng lại ở con số 4.

Dù vậy, cũng cần ghi nhận, SSI đã có một phiên thanh khoản tốt nhất kể từ phiên ngày 4/1. Ngoài dòng tiền nội, SSI cũng đón chào sự trở lại của nhà đầu tư nước ngoài sau 4 phiên liên tiếp bị bán ra. Mã này đã được khối ngoại mua ròng gần 120 tỷ đồng qua cả giao dịch khớp lệnh, lẫn thỏa thuận.

Ngoài SSI, các mã HPG (+78 tỷ đồng), EIB (+78 tỷ đồng) cũng nhận được tiền ngoại trong đó HPG có phiên hút ròng thứ 4 liên tiếp.

3ex-2024-01-24.png

Theo thống kê, khối ngoại mua ròng 84,5 tỷ đồng đồng trên HOSE dù thực tế họ bán ròng qua khớp lệnh khoảng 150 tỷ đồng. Sự trái chiều này chủ yếu đến từ chính các giao dịch thỏa thuận liên quan đến SSI và EIB.

Vận động thị trường

Lẽ ra, các cổ phiếu chứng khoán cần phải "đón lõng" dòng tiền từ phiên hôm qua sau khi Thép đã có phiên bật lên trước đó. Tuy nhiên, sự luân chuyển dòng tiền đã diễn ra chậm hơn nên phải sang đến hôm nay, sự sôi động mới xuất hiện.

Ngoài SSI, các cổ phiếu HCM (+4,38%), VND (+0,68%), VIX (+0,29%), VCI (+0,71%), TVB (+4,11%) đều có dấu hiệu dòng tiền bổ sung. Tuy nhiên, cả nhóm chứng khoán lại chỉ có 2 mã có sức bật tốt là HCM và TVB, trong đó: HCM phá đỉnh 24 tháng, còn TVB phá đỉnh 16 tháng.

Mức giá đóng cửa HCM và TVB cũng chưa phải là những mức giá tốt nhất trong phiên giao dịch cho thấy vẫn còn đôi chút sự rụt rè trong nhịp luân chuyển.

Với 2 nhóm ngành đã đi trước là ngân hàng và thép, diễn biến giá cho thấy sự lùi lại để nhường lại sự chú ý cho chứng khoán và các nhóm ngành khác. Các mã STB (+0,8%), MBB (-0,2%), HDB (+0,8%), CTG (-0,6%), TCB (-0,6%), ACB (-1%), HPG (-0,4%), NKG (-1%), HSG (0%), chủ yếu chỉ dao động trong biên độ hẹp.

Trong khi chứng khoán vẫn còn sự dè dặt thì các nhóm ngành khác thể hiện có phần kém tích cực hơn. Nhóm bất động sản, đầu tư công, bán lẻ, hóa chất, thủy sản đều có khá nhiều mã giảm giá nhẹ như: DXG (-0,53%), GEX (-0,46%), PC1 (-0,35%), VCG (-0,59%), HHV (-0,96%), DGW (-1,83%), FRT (-0,7%), DGC (-0,33%), DCM (-0,48%), CSV (-1,59%), VHC (-1,42%)…

Độ rộng của HOSE cũng phản ánh sự lan tỏa chậm của dòng tiền với sắc đỏ phủ 53% số mã trên sàn.

ma2024a.png
Tỷ lệ các mã có xu hướng ngắn hạn trên HOSE đang cải thiện rất chậm.

VN-Index chốt phiên giảm 4,53 điểm xuống 1.172,97 điểm (-0,38%). Tổng khối lượng giao dịch của sàn đạt 733,19 triệu đơn vị, tương đương 15.507 tỷ đồng.

2 chỉ số HNX-Index và UPCoM-Index tiếp tục trong trạng thái bị kìm hãm, lần lượt giảm 0,32% và tăng 0,22%. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn đạt hơn 1.700 tỷ đồng.

Mai Hương