Bộ Dịch vụ Tài chính và Ngân khố Hồng Kông tiếp đoàn công tác Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam
Trong khuôn khổ chuyến công tác tham dự Diễn đàn Tài chính châu Á (AFF 2024) kết hợp với khảo sát hoạt động chuyển đổi số, quản trị rủi ro trong hoạt động thanh toán tại các ngân hàng Hồng Kông của đoàn Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA), sáng ngày 23/1/2024, đoàn công tác do Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA TS. Nguyễn Quốc Hùng làm trưởng đoàn, tiếp tục có buổi làm việc với Bộ Dịch vụ Tài chính và Ngân khố Hồng Kông (FSTB) tại Trụ sở Văn phòng Chính quyền đặc khu hành chính Hồng Kông, Trung Quốc.
Tiếp đoàn công tác VNBA là bà Manda Chan, Thứ trưởng thứ nhất phụ trách Dịch vụ Tài chính; ông Justin To - Trưởng nhóm Thư ký Dịch vụ Tài chính; bà Natalie Chan - Giám đốc Fintech, Văn phòng Hỗ trợ Fintech, Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông và ông Keith Ko - Trợ lý Bộ trưởng.
Tại buổi làm việc, đoàn công tác VNBA bày tỏ mong muốn tìm hiểu về vai trò của Chính quyền đặc khu hành chính Hồng Kông trong việc hỗ trợ thúc đẩy hoạt động tài chính ngân hàng, trong đó có lĩnh vực chuyển đổi số, Fintech, thanh toán, cho vay bất động sản và các chính sách nhằm thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu xanh; phòng chống rửa tiền và tài trợ phòng chống khủng bố…
Bà Manda Chan và các cộng sự đã trao đổi, cập nhật một số thành tựu và kinh nghiệm phát triển thị trường tài chính ngân hàng, đặc biệt là thị trường trái phiếu xanh, Fintech tại Hồng Kông…
Đối với lĩnh vực Fintech, tại Hồng Kông có 8 ngân hàng kỹ thuật số, 4 doanh nghiệp bảo hiểm số, 2 nền tảng mua bán tài sản số được cấp phép và hơn 1.000 công ty Fintech. Hồng Kông cũng áp dụng khung pháp lý thử nghiệm (sandbox) để các công ty khởi nghiệp có thể triển khai hoạt động nhanh chóng. Đồng thời, nâng cao cơ sở hạ tầng Fintech làm nền tảng cho việc áp dụng Fintech trong các lĩnh vực thanh toán, và ứng dụng xuyên biên giới cũng như tài trợ kinh doanh.
Chiến lược phát triển Fintech của Cơ quan Tiền tệ Hồng Kông (HKMA) đến năm 2025 gồm 5 trụ cột lớn: Kết nối ngân hàng – Fintech, đồng tiền điện tử trung ương, kiến tạo cấu trúc dữ liệu thế hệ mới, bồi dưỡng nhân lực Fintech trẻ, tài trợ vốn và chính sách.
Theo đó, từ năm 2021, tất cả các ngân hàng Hồng Kông đã tham gia thực hiện chiến lược, với lộ trình cụ thể cho từng lĩnh vực.
Đối với thị trường bất động sản, Chính quyền đặc khu Hồng Kông tăng cường giám sát các rủi ro của thị trường này và đưa ra các biện pháp quản trị rủi ro hiệu quả đối với hoạt động cho vay thế chấp bất động sản, thiết lập cơ chế bảo hiểm khoản vay thế chấp, nhằm đảm bảo các ngân hàng đủ khả năng ứng đối trong trường hợp thị trường bất động sản biến động, lưu lượng giao dịch, môi trường kinh doanh bên trong và ngoài Hồng Kông thay đổi…
Chính quyền đặc khu Hồng Kông cũng đẩy mạnh kết nối với thị trường Trung Quốc đại lục, đặc biệt là phát triển trái phiếu xanh tuân thủ tiêu chuẩn IFRS.
Trong công tác phòng chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố AML/CFT, bởi là một trung tâm tài chính quốc tế nên Hồng Kông rất coi trọng việc bảo vệ tính toàn vẹn của hệ thống tài chính bằng cách thực hiện các tiêu chuẩn quốc tế về AML/CFT để ngăn chặn và phát hiện các dòng tiền bất hợp pháp đi vào và ra khỏi Hồng Kông…. Hồng Kông là một trong các thị trường đầu tiên trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đảm bảo thực thi đồng bộ AML/CFT trong tham gia giao thương quốc tế.
Phát biểu tại buổi làm việc, TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VNBA đã gửi lời cảm ơn tới đại diện FSTB đã dành thời gian tiếp đoàn.
TS. Nguyễn Quốc Hùng đặc biệt bày tỏ sự quan tâm tới các chính sách liên quan trong cho vay có đảm bảo bằng bất động sản, vai trò quan trọng của chính quyền đặc khu hành chính Hồng Kông khi đưa ra mức trần tỷ lệ cho vay và quy định bảo hiểm khoản vay thế chấp bằng tài sản bảo đảm.
“Đây là các chính sách rất cần thiết để thị trường bất động sản phát triển lành mạnh và hoạt động kinh doanh ngân hàng an toàn, hiệu quả”, TS. Nguyễn Quốc Hùng nhấn mạnh.
Về vấn đề tăng trưởng xanh, trái phiếu xanh, TS. Nguyễn Quốc Hùng cho biết, Việt Nam đang khuyến khích các tổ chức tín dụng (TCTD) tham gia vào lĩnh vực này. Hy vọng thời gian tới Bộ Tài chính và Ngân khố Hồng Kông và Cơ quan tiền tệ Hồng Kông sẽ hỗ trợ cử chuyên gia trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm cụ thể hơn về các nội dung trên để các TCTD Việt Nam cùng học hỏi, triển khai, nhằm thúc đẩy thị trường tài chính tiền tệ tại Việt Nam phát triển bền vững hơn trong thời gian tới.
Tiếp sau buổi làm việc với FSTB, đoàn công tác của VNBA cũng đã có buổi làm việc với Ngân hàng Bank of China và Tổ chức thẻ quốc tế VISA, cổng thanh toán AsiaPay về các nội dung liên quan tới hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đang được ứng dụng tại Hồng Kông, việc quản trị rủi ro đối với tội phạm mạng hiện nay và cách thức kiểm soát các rủi ro với các loại thẻ tín dụng và hệ thống thanh toán cũng như trách nhiệm bồi hoàn cho khách hàng, công tác quản lý dữ liệu thẻ...