Ngân hàng Xanh và Phát triển bền vững

Cần Thơ: Nỗ lực huy động nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh

Đinh Tấn Phong (*) 25/01/2024 - 10:27

Xác định các nội dung, nhiệm vụ trọng tâm nhằm đạt được sự phát triển bền vững, hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon, thời gian qua, các cấp, các ngành TP. Cần Thơ đã nỗ lực trong huy động mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư trên địa bàn để thúc đẩy đầu tư cho tăng trưởng xanh. Theo đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2020 - 2023 trên địa bàn đạt 105.354,3 tỷ đồng, tăng bình quân 10,57%/năm.

Triển khai Quyết định số 1658/QĐ-TTg và Quyết định số 882/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030; UBND TP. Cần Thơ đã ban hành Kế hoạch số 200/KH-UBND ngày 22/9/2022 hành động về TTX giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 trên địa bàn TP. Cần Thơ với mục tiêu xác định các nội dung, nhiệm vụ trọng tâm nhằm đạt được sự phát triển bền vững, hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

can-tho.jpg
Cần Thơ đã ban hành Kế hoạch số 200/KH-UBND ngày 22/9/2022 hành động về TTX giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, với mục tiêu xác định các nội dung, nhiệm vụ trọng tâm nhằm đạt được sự phát triển bền vững, hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon

Huy động mạnh mẽ nguồn lực tài chính cho tăng trưởng xanh

Thời gian qua, các cấp, các ngành thành phố đã nỗ lực trong huy động mạnh mẽ các nguồn vốn đầu tư trên địa bàn để thúc đẩy đầu tư cho tăng trưởng xanh (TTX) với đa dạng về hình thức. Theo đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2020 - 2023 trên địa bàn đạt 105.354,3 tỷ đồng, tăng bình quân 10,57%/năm.

Riêng đối với lĩnh vực TTX, trong giai đoạn 2020 - 2023, thành phố đã bố trí kế hoạch vốn đầu công để thực hiện 2 dự án có liên quan, bao gồm:

(1) Dự án Phát triển TP. Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (Dự án 03), với tổng mức đầu tư 9.167,256 tỷ đồng. Kế hoạch vốn bố trí hàng năm giai đoạn 2020 - 2023 là 5.844,523 tỷ đồng;

(2) Dự án Đầu tư Hệ thống quản lý giao thông thông minh (ITS) TP. Cần Thơ - Giai đoạn 1 (triển khai các hạng mục như Tủ tín hiệu, đèn tín hiệu, Camera quan sát CCTV, Hệ thống dò xe VDS và Trung tâm điều khiển) với tổng mức đầu tư 49,948 tỷ đồng. Kế hoạch vốn bố trí hàng năm giai đoạn 2021-2023 là 1,05 tỷ đồng.

Đối với nguồn viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức của các cơ quan tổ chức cá nhân nước ngoài: thành phố tiếp nhận được 05 dự án/chương trình có liên quan đến lĩnh vực TTX (vốn đối ứng từ nguồn chi thường xuyên), bao gồm:

Dự án “Thu gom tự động rác nổi trên sông tại TP. Cần Thơ” do Tổ chức Làm sạch biển (The Ocean Cleanup - TOC) Hà Lan tài trợ, với tổng số vốn viện trợ là 14,635 tỷ đồng, tương đương 630.000 USD; vốn đối ứng: 5,249 tỷ đồng, tương đương 225.941 USD;

Dự án “Xây dựng bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai do biến đổi khí hậu và tăng cường mạng lưới quan trắc xâm nhập mặn tại TP. Cần Thơ” do Bộ Ngoại giao Hàn Quốc tài trợ thông qua Quỹ Hợp tác Mê Công Hàn Quốc (MKCF) tài trợ với tổng số vốn viện trợ là 4,76 tỷ đồng, tương đương 206.448 USD;

Dự án “Thí điểm ở quy mô nhỏ việc phân loại rác tại nguồn ở Cần Thơ” do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) Việt Nam. Đây là dự án tài trợ thuộc khuôn khổ nghiên cứu “Thu thập dữ liệu về quản lý chất thải rắn sinh hoạt đảm bảo hiệu quả của các dự án xử lý rác thu hồi năng lượng”, với tổng số vốn viện trợ là 1,217 tỷ đồng đồng, tương đương 50.960 USD;

Chương trình “Blue Dragon Việt Nam - Nâng cao năng lực quản lý nguồn nước ở ĐBSCL (giai đoạn 1) tại TP. Cần Thơ” do Hiệp hội nước Hà Lan và Tổ chức Blue Deal (Hà Lan) tài trợ, với tổng số vốn viện trợ là 12,645 tỷ đồng, tương đương 574.462,18 USD; vốn đối ứng là 3,215 tỷ đồng, tương đương 146.023,23 USD.

Khoản viện trợ “Chương trình Thích ứng biến đổi khí hậu tại TP. Cần Thơ (CCA) do Tổ chức Merry Year International (MYI) tài trợ, với tổng số vốn viện trợ là 425,3 triệu đồng, tương đương 18.491 USD; vốn đối ứng là 45,3 triệu đồng, tương đương 1.969 USD;

Hay Khoản viện trợ “Các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu tại TP. Cần Thơ năm 2023” do tổ chức Friedrich - Naumann Stiftung Fur die Freiheit (FNF) tài trợ, với tổng số vốn viện trợ là 21.138 USD, tương đương 507 triệu đồng; vốn đối ứng là 28,028 triệu đồng, tương đương 1.168 USD.

Ngoài ra, thành phố còn tiếp nhận nhiều dự án, khoản viện trợ liên quan đến lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe trẻ em, hỗ trợ người khuyết tật và các đối tượng yếu thế trong xã hội. Lũy kế đến tháng 12/2023 trên địa bàn TP. Cần Thơ hiện có 21 dự án đang hoạt động gồm chương trình, dự án, các dự án thành phần mà đầu mối là bộ, ngành Trung ương với vốn cam kết/viện trợ là 2,472 triệu USD, vốn đối ứng là 183.563,2 USD.

Mặc dù, các cấp, các ngành thành phố đã có nhiều nỗ lực trong việc huy động nguồn lực trong và ngoài nước hỗ trợ cho TTX khả năng huy động vốn hiện vẫn còn nhiều khó khăn bao gồm cả huy động vốn từ các tổ chức quốc tế hoặc tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi.

Thêm vào đó, về nội lực của thành phố, năng lực sản xuất một số ngành, sản phẩm quan trọng tăng chậm, các ngành có hàm lượng công nghệ cao có tỷ trọng nhỏ, năng lực cạnh tranh chưa cao. Dịch vụ logistics tuy có nhiều tiềm năng nhưng phát triển còn yếu, quy mô nhỏ, thiếu đồng bộ. Nội lực về vốn đầu tư và doanh nghiệp dẫn đầu mang tính lan tỏa, có khả năng làm thay đổi cục diện kinh tế của thành phố theo hướng xanh và bền vững còn chưa thật sự mạnh mẽ.

Một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh phát triển TP. Cần Thơ theo hướng TTX, đúng theo định hướng trở thành đô thị sinh thái, văn minh, hiện đại, UBND đã xác định những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới như sau:

Đầu tiên, tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả mục tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp tại Kế hoạch số 200/KH-UBND và Kế hoạch số 224/KH-UBND của UBND thành phố triển khai thực hiện Quyết định số 1658/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Khẩn trương triển khai thực hiện Thông tư số 10/2023/TT-BKHĐT ngày 1/11/2023 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy định Bộ chỉ tiêu thống kê TTX;

Hai là, tập trung tổ chức triển khai xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch TP. Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, chỉ đạo các ngành chủ động xây dựng lộ trình tổ chức triển khai thực hiện các chương trình, dự án nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Quy hoạch thành phố đã đề ra; trong đó chú trọng triển khai, lồng ghép các mục tiêu và định hướng quan trọng của chiến lược TTX quốc gia vào các Quy hoạch và chiến lược ngành, liên ngành, liên vùng và địa phương;

Ba là, tiếp tục triển khai các giải pháp xây dựng, hoàn thiện thể chế chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước gắn với các mục tiêu TTX; trong đó chú trọng lồng ghép các mục tiêu, giải pháp, nội dung, tiêu chí của kế hoạch TTX vào trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, các ngành và địa phương, chú trọng các vùng dễ bị tổn thương.

Triển khai các chính sách khuyến khích, ưu đãi thu hút doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ cao, công nghệ sạch. Xây dựng cơ chế chính sách đột phá để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng xanh hóa sản xuất;

Bốn là, đẩy mạnh hợp tác, tài trợ quốc tế đa phương và song phương; chủ động, tích cực nghiên cứu, học tập kinh nghiệm quốc tế, tranh thủ sự hỗ trợ của các đối tác quốc tế trong lĩnh vực TTX, thực hiện tốt các cam kết quốc tế của Việt Nam về phát triển bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu;

Năm là, tăng cường đổi mới mô hình tăng trưởng, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển theo chiều sâu trên cơ sở ứng dụng công nghệ hiện đại, công nghệ mới, tiên tiến; thúc đẩy nhanh hơn quá trình đổi mới, cơ cấu lại nền kinh tế trong đó chú trọng thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số, chuyển đổi năng lượng, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả.

Tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và trong nội ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh;

Sáu là, tăng cường huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, trong đó khẩn trương triển khai các dự án có liên quan lĩnh vực TTX của thành phố; tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương để nghiên cứu và triển khai mô hình dự án thí điểm dựa trên tiêu chuẩn quốc tế, nhằm áp dụng các cơ chế hỗ trợ liên ngành và thu hút vốn FDI.

Xây dựng các giải pháp huy động và quản lý nguồn lực đầu tư và tài chính cho TTX một cách toàn diện, cụ thể, đảm bảo sử dụng một cách tốt nhất các nguồn lực sẵn có của thành phố.

(*) Viện Kinh tế - Xã hội TP. Cần Thơ

Đinh Tấn Phong (*)