FED tăng lãi suất chương trình cho vay khẩn cấp để ngăn chặn chênh lệch giá
Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất cho các khoản cho các ngân hàng theo chương trình cho vay khẩn cấp ban hành vào năm ngoái, sau khi số lượng khoản vay tăng vọt trong những tuần gần đây do các tổ chức tận dụng các điều khoản tài chính hấp dẫn.
Vào đầu tháng này, các quan chức cấp cao đã phát đi tín hiệu rằng Chương trình tài trợ vốn có kỳ hạn dành cho ngân hàng (BTFP) của FED, được công bố trong thời gian cuộc khủng hoảng ngân hàng khu vực nổ ra nhằm giảm bớt căng thẳng trong hệ thống tài chính, sẽ không được gia hạn sau ngày 11/3/2024.
Tuy nhiên, theo thông báo mới nhất của FED vào tối thứ Tư (ngày 24/1, giờ Mỹ), lãi suất đi vay được điều chỉnh sẽ “không thấp hơn” so với lãi suất dự trữ bắt buộc có hiệu lực tại thời điểm khoản vay được thực hiện.
Lãi suất áp dụng đối với số dư dự trữ của ngân hàng tại FED, thường di chuyển song song với mục tiêu lãi suất quỹ liên bang chuẩn của FED, hiện là 5,4% - so với 4,88% của chương trình cho vay khẩn cấp, vốn gắn liền với lãi suất thị trường. Lãi suất chương trình cho vay khẩn cấp đã giảm trong những tuần gần đây do kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất của FED.
Ngân hàng trung ương Mỹ cho biết trong một tuyên bố: “Việc điều chỉnh lãi suất này đảm bảo rằng lãi suất theo chương trình BTFP tiếp tục hỗ trợ các mục tiêu của chương trình trong môi trường lãi suất hiện tại”.
BTFP cho phép các ngân hàng và tổ chức tín dụng vay vốn trong thời gian lên tới 1 năm, cầm cố trái phiếu Kho bạc và trái phiếu nợ của tổ chức đó làm tài sản thế chấp có giá trị bằng mệnh giá. Trước khi có sự thay đổi này, lãi suất cho những khoản ứng trước này là lãi suất hoán đổi chỉ số qua đêm 1 năm cộng với 10 điểm cơ bản.
Các tổ chức nhận thấy rằng vay tiền mặt thông qua cơ chế mới này sẽ rẻ hơn thay vì chuyển sang cơ chế cửa sổ chiết khấu, vốn tính phí cho các tổ chức đủ điều kiện là 5,5%. Trên thực tế, các ngân hàng chỉ sử dụng công cụ cửa sổ chiết khấu 2,3 tỷ USD trong tuần tính đến ngày 17/1, rất thấp so với mức cao nhất mọi thời đại là 153 tỷ USD vào tháng 3 năm ngoái.
Đối với các ngân hàng, chi phí vay BTFP giảm đã tạo ra cơ hội chênh lệch giá lớn hơn, nơi các tổ chức có thể vay từ cơ sở này trước khi gửi số tiền thu được trong tài khoản của họ tại FED để kiếm lãi trên số dư dự trữ. Sự thay đổi sẽ loại bỏ cơ hội đó một cách hiệu quả.
Dữ liệu từ FED cho thấy khoản vay từ BTFP ở mức cao kỷ lục 162 tỷ USD trong tuần tính đến ngày 17/1. Con số này đã vượt so với mức cao nhất mọi thời đại đạt được của tuần trước đó là 147 tỷ USD.
BTFP - Tình huống khẩn câp
Các quan chức FED, bao gồm Michael Barr, Phó Chủ tịch giám sát của FED và Chủ tịch FED khu vực New York John Williams đã gọi BTFP là một phản ứng đối với “tình huống khẩn cấp” nhằm cung cấp thanh khoản trong tình huống khó khăn.
Cơ quan này từ lâu đã coi cửa sổ chiết khấu là một giải pháp thay thế lâu dài cho nhu cầu thanh khoản như vậy.
FED cho biết trong thông cáo báo chí: “Trong giai đoạn căng thẳng vào mùa xuân năm ngoái, Chương trình cấp vốn có kỳ hạn cho ngân hàng đã giúp đảm bảo sự ổn định của hệ thống ngân hàng và cung cấp hỗ trợ cho nền kinh tế”. “Sau ngày 11/3/2024, các ngân hàng và tổ chức lưu ký khác sẽ tiếp tục được tiếp cận cửa sổ chiết khấu để đáp ứng nhu cầu thanh khoản.”
Các cơ quan quản lý Mỹ đang chuẩn bị đưa ra kế hoạch yêu cầu các ngân hàng khai thác cửa sổ chiết khấu của FED ít nhất mỗi năm một lần và đảm bảo những người cho vay sẵn sàng cho những thời điểm khó khăn.