Nhìn ra thế giới

Ngành bán lẻ thế giới chật vật xoay sở sau sự cố Biển Đỏ

Khánh Ly 25/01/2024 - 15:45

Hàng hóa bị giao chậm nhiều tuần, chi phí vận tải tăng đột biến trong khi tồn kho đã giảm sâu từ trước đó, nhiều doanh nghiệp bán lẻ của thế giới đang chưa tìm ra giải pháp cho việc vận tải hàng hóa thuận tiện vì rắc rối trên Biển Đỏ.

thuongmaigt2.jpg
Ảnh: GettyImages

Chấp nhận chở thêm nhiều hàng trên cùng một chuyến tàu, chuyển sang các nhà cung cấp khác gần thị trường tiêu thụ và giảm phụ thuộc vào Trung Quốc – đó là những chiến lược mà nhiều nhà bán lẻ châu Âu và Mỹ đang buộc phải áp dụng để có thể xây dựng được chuỗi cung ứng ổn định hơn sau tình hình gián đoạn do đại dịch COVID-19 và loạt diễn biến gần đây.

Đương đầu với tình trạng hàng hóa vận chuyển bị chậm ít nhất hai tuần do nhiều chuyến tàu bị điều hướng đi khỏi khu vực Biển Đỏ, các hãng bán lẻ gặp khó bởi họ không đủ nguồn lực tài chính để có thể chuyển hướng vận chuyển hàng sang các kênh khác như đường hàng không.

Tình hình kinh doanh của các hãng bán lẻ Âu Mỹ vốn đã khó khăn từ trước khi xảy ra những căng thẳng trên Biển Đỏ, người tiêu dùng cắt giảm mạnh chi tiêu, chính vì vậy các hãng bán lẻ buộc phải cắt giảm chi phí, theo các chuyên gia ngành cho hay. Chính vì vậy, khi khủng hoảng xảy ra, nhiều doanh nghiệp bán lẻ chấp nhận chịu mức chi phí cao hơn này chứ không tăng giá bán sản phẩm.

Sự tăng trưởng ấn tượng của nhiều doanh nghiệp thương mại điện tử có nguồn gốc từ Trung Quốc như Shein và Temu với nguồn hàng quần áo và phụ kiện giá rẻ dồi dào từ Trung Quốc sang châu Âu và Mỹ bằng đường hàng không đã tạo ra áp lực khiến cho các hãng bán lẻ Âu Mỹ phải cố gắng xây dựng chuỗi cung ứng hiệu quả hơn nữa.

“Nếu sự vững vàng của chuỗi cung ứng đồng nghĩa với việc phải trả thêm tiền để lấy được hàng hóa, như vậy chắc chắn chẳng có ý nghĩa gì. Việc xây dựng chuỗi cung ứng ổn định cần phải đi kèm với mục tiêu bảo toàn được lợi nhuận”, Giám đốc Công ty tư vấn bán lẻ AlixPartners ở London – ông Matt Clark phân tích.

Một số hãng bán lẻ thời trang hiện đang cố gắng xoay sở bằng cách sử dụng dịch vụ đường hàng không để vận chuyển hàng hóa. Một số sản phẩm sẽ được vận chuyển bằng đường biển từ Trung Quốc đến Dubai sau đó được đưa lên máy bay từ Dubai đến châu Âu hoặc Mỹ, tuy nhiên loại hàng hóa được vận chuyển theo hình thức này không nhiều bởi chi phí quá cao.

Chi phí vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không thông thường cao gấp từ 10 đến 12 lần so với chi phí vận tải đường biển, theo thống kê của ông Sunandan Ray, CEO Công ty vận tải Unique Logistics của Mỹ. Đối với hãng thời trang giá rẻ Primark, việc vận chuyển bằng đường hàng không hoàn toàn không phù hợp nhìn từ góc độ chi phí, theo khẳng định của Giám đốc tài chính công ty mẹ, ông Thomas Storck.

Tuy nhiên nhìn chung, ngưỡng tồn kho của công ty hiện vẫn thấp hơn so với một năm trước. Theo lý giải của đại diện doanh nghiệp, đó là kết quả trực tiếp từ việc doanh nghiệp đã gia tăng khả năng huy động nguồn hàng từ khoảng hơn 1.400 kho hàng độc lập tại Đức.

Doanh nghiệp Hà Lan Intersport Deutschland trong khi đó có kế hoạch chấp nhận chi thêm tiền cho hoạt động vận tải chứ không đẩy phần chi phí phụ thêm sang cho các chủ cửa hàng kinh doanh hoặc người tiêu dùng thông qua việc tăng giá bán sản phẩm.

Hãng sản xuất nội thất giá rẻ IKEA cũng công bố kế hoạch định giá sản phẩm của hãng cũng không thay đổi bất chấp những gián đoạn trên Biển Đỏ.

Không ít doanh nghiệp đang thực sự phải điều chỉnh lại chuỗi cung ứng theo hướng địa điểm sản xuất về gần thị trường tiêu thụ (nearshoring) để tránh những rủi ro kiểu như sự cố Biển Đỏ với hoạt động kinh doanh của họ. Intersport Deutschland cũng không nằm ngoài xu thế này.

Tuy nhiên, đại diện doanh nghiệp khẳng định làm được điều này không phải dễ bởi thực sự phải tính toán đến bài toán chi phí và cân đối với việc người tiêu dùng sẵn sàng chi ra bao nhiêu tiền cho sản phẩm của doanh nghiệp.

Đối với nhiều hãng bán lẻ châu Âu, việc mua hàng từ các nhà máy trong khu vực thường tiêu tốn chi phí cao hơn rất nhiều so với mua hàng từ Trung Quốc hoặc một số nước châu Á khác, chính vì vậy dù lựa chọn trên được cân nhắc nhưng rất khó để làm trên quy mô lớn bởi nó chưa mang đến lợi thế về chi phí.

“Trung Quốc hiện vẫn là đất nước cung cấp nhiều nhất các các nguyên liệu may mặc với mức giá cạnh tranh nhất, chính vì vậy dù một số doanh nghiệp dù có muốn nhưng cũng không thể loại bỏ hoàn toàn Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng của họ”, trưởng bộ phận vận chuyển tại Công ty Hellmann Worldwide Logistics – ông Laurens Schoningh phân tích.

Khánh Ly