Các Hiệp hội ngành, nghề

Xuất khẩu thủy sản đặt mục tiêu kim ngạch khiêm tốn với 9 tỷ USD trong năm 2024

Nguyễn Huyền 26/01/2024 - 10:12

Xuất khẩu thủy sản đặt mục tiêu khá khiêm tốn, tương đương với năm 2023, bởi theo VASEP, trong tình hình có nhiều biến động như hiện nay chỉ có thể đưa ra con số như vậy, nếu thực tế thuận lợi có thể kim ngạch sẽ cao hơn 9 tỷ USD nhưng sẽ không vượt qua con số mà ngành đã từng đạt được trong năm 2022.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP)
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP)

Các thị trường xuất khẩu chính của thủy sản Việt Nam là Mỹ, châu Âu và khu vực Bắc Mỹ nên phải đi qua kênh đào Suez, căng thẳng biển Đỏ đang ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động xuất khẩu thủy sản Việt Nam. Để làm rõ vấn đề này chúng tôi đã trao đổi với ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP).

Phóng viên: Căng thẳng biển Đỏ đang và sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trong năm nay, thưa ông?

Ông Trương Đình Hoè: Xuất khẩu thủy sản đang khó khăn nhất vẫn là thị trường châu Âu bởi phần lớn hàng hóa xuất sang thị trường này phải đi qua kênh đào Suez, ngoài ra việc giá cước tăng 30%, thời gian vận chuyển kéo dài cũng đang phát sinh tâm lý e ngại.

Song, căng thẳng biển Đỏ làm thiệt hại đến xuất khẩu thủy sản sang châu Âu cũng chỉ ở mức độ, vì tháng này chưa phải là tháng cao điểm xuất khẩu. Mặt khác, các nước cũng đã mua hàng xong và đang chờ giải phóng hàng tồn sau mùa lễ hội mới bắt đầu đặt hàng tiếp, nhưng phải đến giữa tháng 6 hoặc tháng 7/2024 mới có thể thấy sự phục hồi ở thị trường châu Âu, còn thời điểm hiện nay vẫn đang ở trạng thái khá khó khăn.

Thị trường Mỹ, chủ yếu ảnh hưởng đối với hàng hóa đến phía bờ Đông, còn bờ Tây thì không đi qua kênh đào Suez nhưng nhìn chung thị trường này cũng bị ảnh hưởng lớn.

Vấn đề bây giờ của xuất khẩu thủy sản là cân nhắc cái nào có thể giải quyết được thì làm vì tình hình chung của thị trường đang giằng co, có thể từ nay đến hết quý I/2024 vẫn chưa thấy được điểm khởi sắc cho vấn đề tiêu thụ, chúng ta cần chuẩn bị và chờ đợi. Tuy kinh tế nước Mỹ đang tốt lên nhưng tình hình tiêu thụ cũng khó trở lại bình thường giống như trước, vì cần có thời gian để người tiêu dùng cân nhắc quyết định chi tiêu mạnh tay hơn, mua bán nhiều hơn.

Mặc dù căng thẳng biển Đỏ gây khó khăn cho vận chuyển nhưng chưa cao độ như thời dịch COVID-19, lúc đó vừa không có tàu, không có container lại vừa chậm dỡ hàng ở các cảng đi và cảng đến, nhưng với sự cố gắng của các doanh nghiệp tất cả cũng đã xoay sở được.

Phóng viên: Xuất khẩu thủy sản sang các thị trường Mỹ, châu Âu và khu vực Bắc Mỹ gặp khó khăn vậy chúng ta có nên chuyển hướng thị trường?

Ông Trương Đình Hoè: Vấn đề chuyển hướng thị trường không phải bây giờ mới nói mà đã được cân nhắc từ rất lâu rồi, muốn chuyển hướng thị trường không phải “một sớm, một chiều” có thể làm được, về lâu dài đương nhiên vẫn phải tính đến nhưng không thể nào thực hiện trong thời điểm hiện nay.

Tôm Việt Nam đang cạnh tranh gay gắt với tôm Ecuador và tôm Ấn Độ tại thị trường Trung Quốc, hiện nay cước tàu từ Ecuador sang Trung Quốc đang tăng cao, lượng tôm Ecuador vào Trung Quốc giảm dẫn đến thiếu hụt, có thể tôm Việt Nam tranh thủ lấp vào chỗ trống này nhưng khi ổn định trở lại ai bán rẻ chắc chắn họ sẽ chọn mua. Do vậy, chỉ có thể chuyển hướng sang mặt hàng khác và chúng ta cũng đang xuất khẩu tương đối tốt mặt hàng cá tra.

Vấn đề ở thị trường Trung Quốc là phụ thuộc vào tình hình kinh tế, khi tình hình kinh tế nước này dần ổn định thì tâm lý tiêu dùng cũng vững hơn, các nhà nhập khẩu sẽ tăng mua hàng và một trong những chọn lựa ở thị trường Việt Nam là cá tra.

Trung Quốc vẫn là thị trường lớn cho thủy sản Việt Nam trong năm nay và trong năm 2023 thực tế sức mua từ Việt Nam cũng đã đứng đầu, chưa kể Hồng Kông nếu cộng thêm thị trường này vào thì chắc chắn Trung Quốc vẫn là thị trường mua lớn nhất, nhưng không phải là thị trường lớn nhất về nhập khẩu tôm.

Vì vậy, cần tiếp tục quan tâm để làm sao tăng thị phần bằng cách tăng cường các hoạt động về quảng bá cũng như các vấn đề về chất lượng an toàn thực phẩm và một số yếu tố liên quan khác, nhất là những yếu tố mà thủy sản Việt Nam thuận lợi hơn, như trước đây xuất khẩu thủy sản chủ yếu xuất bằng đường bộ nên chỉ phục vụ được khu vực phía dưới, bây giờ xuất khẩu đường biển đang chiếm tỷ lệ rất cao, đây sẽ là yếu tố giúp đưa hàng vào sâu nội địa Trung Quốc và tạo ra nhiều cơ hội hơn ở thị trường này.

Phóng viên: VASEP hướng đến mục tiêu xuất khẩu thủy sản bằng với năm 2023, ông có thể cho biết vì sao lại đặt mục tiêu khiêm tốn như vậy?

Ông Trương Đình Hoè: Đầu năm những khó khăn và thách thức của ngành thủy sản vẫn còn, nhất là tình hình phục hồi kinh tế tại các thị trường trọng điểm, vì vậy chúng tôi đặt mục tiêu kim ngạch bằng với năm 2023, nếu thời gian sau thuận lợi xuất khẩu tốt lên kim ngạch lại đạt cao hơn, nhưng sẽ không vượt qua con số ngành từng đạt được trong năm 2022.

Trong số 9 tỷ USD này thì kim ngạch xuất khẩu tôm ước đạt 3,5 tỷ USD, cá tra 2 tỷ USD. Riêng xuất khẩu hải sản khả năng đạt 3,5 tỷ USD không là vấn đề, trong đó cá ngừ 1 tỷ USD, cá biển 1,5 tỷ USD chưa kể các sản phẩm khác, nhất là tại một số thị trường cận biên như Trung Quốc, các mặt hàng hải sản vẫn được ưa chuộng và cũng là thế mạnh của Việt Nam.

Nhìn chung bốn thị trường trọng điểm của thủy sản Việt Nam trong năm 2023 có đến ba thị trường là Mỹ (1,56 tỷ USD), Nhật Bản (1,52 tỷ USD), Trung Quốc và Hồng Kông (1,50 tỷ USD) đều đạt giá trị trên 1,5 tỷ USD, nếu thị trường Trung Quốc và Hồng Kông phục hồi tốt tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu có thể đạt khoảng 1,8-1,9 tỷ USD. Thị trường EU đạt gần 1 tỷ USD, các thị trường còn lại có thể đạt trên 3 tỷ USD là việc chúng ta có thể phấn đấu được.

Phóng viên: Trân trọng cám ơn ông!

Nguyễn Huyền