Hoạt động ngân hàng

An Giang: Thanh toán không dùng tiền mặt cải thiện mạnh mẽ cả về quy mô và chất lượng

Ths.Trần Trọng Triết 27/01/2024 - 09:32

Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh An Giang trong năm 2023 đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ, mở rộng về quy mô, nâng cao chất lượng thanh toán…

khach-hang-tieu-dung-thanh-toan-qua-the-o-sieu-thi..jpg
An Giang: Thanh toán không dùng tiền mặt cải thiện mạnh mẽ cả về quy mô và chất lượng

Hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh xác định công tác thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) đang trở thành xu thế xã hội, gắn liền với quá trình chuyển đổi số nhằm tạo sự minh bạch, hạn chế lượng tiền mặt trong lưu thông, giảm thiểu chi phí xã hội, mở rộng không gian, rút ngắn thời gian trong quá trình mua bán giao dịch hàng hóa.

Theo đó, các ngân hàng trên địa bàn luôn chủ động, tích cực phối hợp với các sở, ngành đẩy mạnh hoạt động TTKDTM, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh trong năm 2023 đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ, cải thiện đáng kể cả về quy mô, chất lượng thanh toán…

Đáng chú ý, năm 2023 số lượng tài khoản ngân hàng đạt 286.188 tài khoản, tăng 17,12% so với cuối năm 2022; máy POS trên địa bàn hiện có 1.340 máy, tăng 99 máy so với cuối năm 2022; trên địa bàn hiện có 272 máy ATM, tăng 16 máy so với cuối năm 2022. Điều này thể hiện sự tăng trưởng nhu cầu thanh toán qua các thiết bị điện tử và sự quan tâm, chú trọng đầu tư thiết bị công nghệ để hỗ trợ đáp ứng nhu cầu thanh toán cho khách hàng của các ngân hàng trên địa bàn.

Đặc biệt là sự phát triển vượt trội của Internet Banking/Mobile Banking và các Ví điện tử. Trong năm 2023, hoạt động TTKDTM của ngành Ngân hàng An Giang đạt nhiều kết quả cao cụ thể là:

Chỉ tiêu
Đơn vị
31/12/2022
31/12/2023
Tăng/giảm so với năm 2022
Số lượng
%
Số lượng tài khoản đang hoạt động
Tài khoản
1.672.000
1.958.188
286.188
17,12%
Số lượng máy POS đang hoạt động
Máy
1.241
1.340
99
7,98%
Máy ATM
Máy
256
272
16
6,25%
Internet banking
Chuyển tiền đi
Tỷ đồng
306.379
413.890
107.511
35,09%
Món
12.637.157
21.957.416
9.320.259
73,75%
Chuyển tiền đến
Tỷ đồng
29.020
34.230
5.210
17,95%
Món
1.250.383
1.665.029
414.646
33,16%
Ví điện tử
Chuyển tiền đi
Tỷ đồng
224
254
30
13,39%
Món
242.068
502.230
260.162
107,47%
Chuyển tiền đến
Tỷ đồng
258
424
166
64,34%
Món
207.238
345.007
137.769
66,48%

Nguồn: Tác giả tổng hợp số liệu từ báo cáo của các TCTD trên địa bàn

Qua bảng số liệu trên cho thấy, doanh số chuyển tiền đi và đến thông qua Internet Banking; Mobile Banking và các Ví điện tử đều tăng cao so với năm 2022 về số món và gía trị. Hoạt động thanh toán qua Internet Banking; Mobile Banking và các Ví điện tử sẽ tiếp tục tăng cao do người dân và doanh nghiệp trên địa bàn đã thay đổi thói quen và nhận thấy được tiện ích của phương thức TTKDTM vừa an toàn vừa tiện lợi.

Bên cạnh đó, thực hiện nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Đề án TTKDTM giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn. Ngành Ngân hàng An Giang phối hợp với Sở Công Thương đã tổ chức “Ngày TTKDTM, kích cầu mua sắm”; phối hợp Sở Công Thương, Liên minh Hợp tác xã, Mobifone An Giang và các đơn vị có liên quan tổ chức 16 lớp tập huấn triển khai TTKDTM cho các hộ kinh doanh, hợp tác xã, người dân, doanh nghiệp… thuộc huyện Thoại Sơn, Châu Thành, Chợ Mới, Châu Phú, An Phú, thị xã Tịnh Biên,… Ngành Ngân hàng An Giang tích cực tham gia hưởng ứng “Tuần lễ Thương mại điện tử Quốc gia và Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam – Online Friday 2023” nhằm kích cầu tiêu dùng trên môi trường trực tuyến do Bộ Công thương tổ chức.

Ngoài ra, NHNN chi nhánh tỉnh đã ký Kế hoạch phối hợp với Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh triển khai thực hiện TTKDTM trong lĩnh vực thương mại trên địa bàn An Giang, giai đoạn 2023-2025.

Việc đẩy mạnh công tác truyền thông và tổ chức lớp tập huấn về TTKDTM từng bước mở rộng TTKDTM trong dân cư, hạn chế thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán và giáo dục tài chính toàn diện trên địa bàn nhằm nâng cao kiến thức hiểu biết về tài chính và kỹ năng sử dụng tài chính cho người dân, cảnh giác của người dân, doanh nghiệp trước các thủ đoạn, hành vi tội phạm, lừa đảo trong hoạt động thanh toán, giúp người dân thấy được sự tiện ích an toàn và tin tưởng sử dụng thanh toán qua ngân hàng góp phần thực hiện có hiệu quả Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.

Để thúc đẩy tài chính toàn diện hướng tới nền kinh tế không dùng tiền mặt hiệu quả, trong thời gian tới, hệ thống ngân hàng trên địa bàn cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Một là, triển khai và ứng dụng công nghệ ngân hàng số một cách tổng thể nhằm tạo ra một hệ sinh thái đầy đủ và trải nghiệm cho khách hàng. Công nghệ mới đang thay đổi cách người tiêu dùng muốn trả tiền bởi tiện lợi và tốc độ trở thành kỳ vọng cơ bản của người tiêu dùng đối với trải nghiệm thanh toán của họ vì họ mong đợi có thể trả tiền cho bất kỳ thứ gì, bất cứ lúc nào hay bất cứ ở đâu. Thanh toán di động được thúc đẩy với các công nghệ như mã phản hồi nhanh (Quick response code - QR Code, mã QR), số hóa thông tin thẻ trong đó thanh toán qua QR là phổ biến. Phát triển các hình thức thanh toán trên nền tảng di động như thanh toán QR Code sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng giao dịch thương mại điện tử.

Hai là, để thúc đẩy TTKDTM cần giải quyết các vấn đề: Giảm chi phí, thời gian với thanh toán điện tử liên ngân hàng; quy định pháp luật với xác thực điện tử; đồng bộ cơ sở hạ tầng thể hiện qua việc thống nhất ban hành chuẩn quốc gia về mã QR thay vì để tồn tại nhiều tiêu chuẩn mã QR; thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ POS; xây dựng lộ trình cụ thể cho từng đơn vị cung ứng dịch vụ công trong việc xóa bỏ thu tiền mặt; chuẩn hóa hệ thống công nghệ thông tin của các cơ quan, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công và tăng cường tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng các phương thức TTKDTM.

Ba là, thúc đẩy phổ cập dịch vụ tài chính chính thức đến với hàng triệu người hiện chưa hoặc còn ít sử dụng dịch vụ tài chính sẽ đạt được cả hai mục đích giảm nghèo và tiếp tục tăng trưởng năng động, giúp Việt Nam hoàn thành mục tiêu thịnh vượng, toàn diện.

Bốn là, công nghệ, tài chính toàn diện và TTKDTM có sự gắn kết chặt chẽ, bổ trợ cho nhau, tác động qua lại lẫn nhau và tạo tiền đề giúp cho việc thực hiện các mục tiêu nhanh và hiệu quả hơn. Giải pháp thúc đẩy tài chính toàn diện thiết thực, hiệu quả, điều kiện tiên quyết là phải có một bộ cơ sở dữ liệu đầy đủ, chi tiết theo chuỗi thời gian từ bên cung và bên cầu giúp đo lường, đánh giá chính xác thực trạng tài chính toàn diện, nguyên nhân của thực trạng này và khả năng hấp thụ giải pháp.

Năm là, xây dựng một hệ sinh thái về dịch vụ tài chính vượt trội và toàn diện bởi Việt Nam đang bước lên một bậc cao mới về tăng trưởng. Để thực hiện tốt điều này cần đẩy mạnh ứng dụng thanh toán kỹ thuật số và tạo cơ hội bình đẳng cho tất cả người dùng được hưởng lợi từ nền kinh tế kỹ thuật số.

Sáu là, thay đổi thói quen dùng tiền mặt của người dân. Đây vẫn là bài toán khó từ nhiều năm nay, là “cuộc cách mạng” trong lĩnh vực tài chính ngân hàng và không thể làm được trong thời gian ngắn. Phải tạo niềm tin cho người tiêu dùng để họ thấy được sự tiện lợi, an toàn khi thanh toán điện tử mọi lúc, mọi nơi. Khi thấy được sự tiện ích họ sẽ dần thay đổi thói quen không dùng tiền mặt.

Bảy là, cần tăng cường thu hút nguồn lực và sự hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức quốc tế; ưu tiên nguồn kinh phí cho việc phát triển công nghệ, đào tạo cán bộ trong lĩnh vực thanh toán; trao đổi, học tập kinh nghiệm về quản lý chi tiêu công của các nước phát triển trên thế giới và trong khu vực.

Chiến lược tài chính toàn diện có ý nghĩa lớn về mặt phát triển xã hội, giảm bất bình đẳng, chênh lệch giàu nghèo, giúp cho mỗi người dân có thể được hưởng thụ thành quả phát triển kinh tế đem lại, thông qua tiếp cận tài chính, họ có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ theo nhu cầu. Dưới áp lực của cuộc CMCN lần thứ tư, trong bối cảnh đại dịch COVID-19, mở rộng dịch vụ tài chính hướng tới nền kinh tế không dùng tiền mặt là bước đi của hầu hết các ngân hàng tại Việt Nam.

Để chiến lược tài chính toàn diện phát triển thì NHNN nên thực hiện một số việc sau:

(i) Thường xuyên rà soát, sửa đổi và ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn các TCTD trong việc tăng cường đảm bảo an ninh, bảo mật các giao dịch ngân hàng và hệ thống thanh toán;

(ii) Tiếp tục triển khai một số định hướng giải pháp lớn nhằm thúc đẩy TTKDTM, qua đó giúp định hình và từng bước tạo dựng một xã hội không dùng tiền mặt. Cụ thể, ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục thúc đẩy việc áp dụng tiêu chuẩn cơ sở mã QR đảm bảo khả năng tương thích giữa các giải pháp thanh toán trên nền mã QR;

(iii) Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động truyền thông có hiệu quả trong việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và cách thức thanh toán tiêu dùng của người dân; nâng cao khả năng tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng cho khách hàng, khuyến khích sử dụng các phương thức TTKDTM.

Ths.Trần Trọng Triết