Thị trường biến động mạnh, nhà đầu tư vàng cần lưu tâm gì?
Một trong những yếu tố khiến giá vàng tăng mạnh và có xu hướng tăng cao hơn nữa là khi thị trường cầu nhiều cung ít; sự kỳ vọng quá lớn và tâm lý FOMO. Do vậy, nhà đầu tư vàng không nên vội vã ra quyết định khi thị trường đang biến động mạnh, hạn chế xuống tiền khi thị trường thanh khoản ít.
Nói về sự biến động của giá vàng thời gian qua, ông Nguyễn Việt Anh - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cho rằng, không chỉ giá vàng mà giá các mặt hàng khác ở những thời điểm nhạy cảm đều có sự biến động.
Dẫn chứng bối cảnh khi Nga và Ukraine xảy ra chiến sự, giá niken trên thế giới đã tăng gấp đôi và sàn giao dịch phải đóng cửa, ông Nguyễn Việt Anh phân tích: “Cũng như vàng, nó cũng bị tác động bởi tâm lý, cũng như bị tác động bởi các yếu tố chính trị, các yếu tố vĩ mô và các yếu tố mang tính chất tác động đến lạm phát”.
“Chúng ta không thể can thiệp giá vàng trên thế giới, nhưng trên thực tế giá vàng trên thế giới đó cũng có những yếu tố bong bóng. Trong cùng một thời điểm, đôi khi chúng ta không thể lý giải yếu tố cơ bản nào khiến vì sao trong một ngày giá vàng "chạy" từ 100 đến 200 USD, sau đó lại quay trở lại. Đó là yếu tố bong bóng do tác động của tâm lý. Đây là một thực thể của thị trường tài chính”, ông Nguyễn Việt Anh nói thêm.
Về nguyên nhân khiến giá vàng biến động, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TPBank chỉ rõ, khi hàm lượng vàng của một lượng vàng không thay đổi, giá trị vàng trên thế giới có tăng nhưng không tăng quá nhiều, khó có cơ sở để thị trường biến động. Tuy nhiên, sự kỳ vọng quá lớn và có tâm lý "bầy đàn" về việc lo ngại giá vàng sẽ tăng cao trong thời kỳ tiếp theo đã khiến thị trường tăng giá lên đến 10%.
Từ thực tế đó, vị Phó Tổng Giám đốc TPBank cho biết, TPBank luôn phải lưu tâm với khách hàng, người dân rằng khi thị trường biến động mạnh thường có yếu tố mang tính chất thông tin, tác động chỉ là một chiều. Để giá quay trở lại, cần phải chờ những thông tin điều chỉnh tiếp theo. Nhà đầu tư không nên vội vã ra quyết định khi giá đang "chạy" mạnh. Ra quyết định lúc này chính là chạy theo tâm lý FOMO (tâm lý lo sợ nếu không mua ở thời điểm này thì giá lại tăng cao nữa).
Nói thêm về tính thanh khoản của thị trường, ông Nguyễn Việt Anh cho hay, nếu như thị trường thanh khoản ít (cầu nhiều cung ít), thì sẽ khiến giá tăng mạnh bởi chỉ có người mua mà không có người bán. Đối với người bán, họ cho đây là quyết định đúng vì họ thấy có lời. Đây là cơ chế để hình thành tất cả các loại bong bóng trong thị trường tài chính. Khi họ nhận ra mức tăng này là vô lý thì lúc đó người mua mới bán ra. Vì vậy, khi điều hành thị trường vàng, cần phải điều hành cả vấn đề tâm lý của người mua, từ đó chúng ta sẽ có hành xử như thế nào đối với giá vàng.
Thực tế thời gian qua cho thấy, sự bất ổn về kinh tế và địa chính trị đang trở thành động lực tích cực cho vàng, vốn được nhiều người coi là tài sản trú ẩn an toàn do khả năng duy trì là một kho lưu trữ giá trị đáng tin cậy. Nó có mối tương quan thấp với các loại tài sản khác, do đó, có thể đóng vai trò bảo hiểm trong thời gian thị trường suy thoái và thời điểm căng thẳng địa chính trị. Đồng đô la Mỹ yếu hơn và lãi suất thấp hơn của Mỹ cũng làm tăng sức hấp dẫn của vàng thỏi không sinh lời. Theo WGC, trong năm 2023, các ngân hàng trung ương đã mua ròng 800 tấn vàng, cao hơn 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Con số này sẽ còn tăng cao hơn trong năm 2024. J.P. Morgan Research ước tính lượng mua của ngân hàng trung ương toàn cầu trong năm 2024 sẽ đạt 950 tấn, dẫn đến nhu cầu kỷ lục.
Cùng với động thái của các ngân hàng trung ương, sự thèm muốn của nhà đầu tư ngày càng tăng đối với thị trường vàng vật chất cũng sẽ là yếu tố đóng góp chính cho bất kỳ đợt tăng giá vàng nào vào năm 2024.
Các nhà đầu tư vàng cả trong nước và trên thế giới đều dự đoán giá vàng sẽ phá vỡ kỷ lục mới trong năm 2024. Do vậy, các nhà đầu tư cân nhắc thời điểm mua vào để tránh rủi ro vì khoảng cách mua vào, bán ra lớn.