Lượng tiêu xuất khẩu năm 2024 dự báo thấp nhất trong 5 năm
Năm 2024 tồn kho thấp, sản lượng thấp, nhập khẩu thấp nên có thể khẳng định lượng tiêu xuất khẩu sẽ không thể lớn hơn năm 202, và là năm có sản lượng xuất khẩu thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, ông Nguyễn Tấn Hiên, Phó Chủ tịch VPSA cho biết.
Khó khăn lớn nhất của năm 2024 là do nhu cầu giảm
Theo báo cáo của Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA), năm 2023, cả nước xuất khẩu 264.000 tấn tiêu, tăng gần 14% so với năm 2022. Trong đó, xuất đi Trung Quốc chiếm hơn 60.000 tấn và đa số xuất tiểu ngạch. Các doanh nghiệp trong VPSA chỉ xuất được trên dưới 200.000 tấn, thấp hơn so với năm 2022 và thấp nhất trong vài năm gần đây. Qua đó cho thấy năm 2023 là một năm rất khó khăn cho ngành hồ tiêu.
Tại hội nghị “Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai điều lệ, nhiệm vụ năm 2024”, ông Nguyễn Tấn Hiên, Phó Chủ tịch VPSA cho biết, khó khăn trước tiên là do nhu cầu thị trường sụt giảm, nhất là các thị trường truyền thống như châu Âu, Mỹ và Trung Đông, do sau dịch COVID-19 hàng tồn kho còn nhiều, và xung đột giữa Nga và Ukraine cũng gây phần nào ảnh hưởng tới tiêu dùng hồ tiêu.
“Năm 2023, hành vi mua hàng của người mua thay đổi rất nhiều. Nếu trước đây, giá thấp hay giá cao họ cũng mua thì năm 2023 họ chỉ mua giá thấp”, ông Hiên nói.
Cụ thể, cuối năm 2022 đầu năm 2023, giá hồ tiêu ở mức 58.000-60.000 đồng/kg, khách ngoại mua nhiều và doanh nghiệp đã ký hợp đồng với số lượng khá lớn. Đến giữa tháng 2, giá tiêu tăng từ 58.000-60.000 lên 75.000-76.000 đồng/kg thì khách ngoại không mua, trong khi đó các doanh nghiệp xuất khẩu lo thu gom hàng giá cao giao cho các hợp đồng giá thấp.
Đến tháng 4/2023, khi những hợp đồng giá thấp đã giao xong mà nhu cầu vẫn cứ “nằm yên” và cuối cùng giá tiêu giảm về mức 65.000-68.000 đồng/kg. Ở mức giá này khách ngoại mua lai rai nên giá đi ngang đến giữa tháng 11, lúc đó Việt Nam đã xuất khẩu được 230.000 tấn tiêu, điều này cho thấy lượng tồn kho trong dân không còn nhiều. Chính vì vậy giá nội địa lại tiếp tục tăng lên 88.000-89.000 đồng/kg, có lúc giá lên tới 91.000 đồng/kg.
“Nhiều người cho rằng đây là cơ hội lớn vụ tiêu 2024, nhưng khi doanh nghiệp chào ở mức giá này thì chẳng ai mua, cuối cùng giá giảm xuống 77.000-80.000 đồng/kg, và đang đứng ở mức trên dưới 80.000 đồng/kg. Đó là những khó khăn rất lớn do nhu cầu giảm”, ông Hiên nói.
Khó khăn thứ hai đến từ sự cạnh tranh khốc liệt giữa các nước sản xuất tiêu, đặc biệt là Brazil. Giá thành tiêu của Brazil luôn thấp hơn Việt Nam nên sẵn sàng bán với mức giá từ 300-500 USD/tấn.
Khó khăn thứ ba cũng rất quan trọng đó là cạnh tranh giữa các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành hàng hồ tiêu, nhất là sự cạnh tranh về giá.
“Tôi nhận thấy lợi nhuận của ngành hàng đang bị lãng quên, vì đa số doanh nghiệp chạy theo chi phí và doanh thu, nếu tình hình kéo dài thì đến một lúc nào đó sức lực của doanh nghiệp sẽ cạn kiệt và không còn nguồn lực để tái đầu tư đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường”, Phó Chủ tịch VPSA cảnh báo.
Hoa Kỳ sẽ siết chặt tiêu chuẩn MRLs trên tiêu
Theo VPSA, Mỹ và châu Âu đang siết chặt dư lượng bảo vệ thực vật (MRLs) trên tiêu. Đối với châu Âu, doanh nghiệp không còn lạ lẫm nhưng Mỹ đang chuẩn bị áp dụng mức MRLs gần như là tiêu organic. Nếu trong vòng 2 đến 3 năm tới Mỹ áp dụng MRLs ở chuẩn như của ASTA (Hiệp hội Thương mại Gia vị Hoa Kỳ) đưa ra, Việt Nam sẽ khó xuất khẩu sang Mỹ từ 35.000-40.000 tấn tiêu mỗi năm.
Mức MRLs trên tiêu của Việt Nam đang cao hơn tiêu của Indonesia và Brazil. Tuy Brazil đang có một số vấn đề về nhiễm Salmonella và hợp chất Anthraquinon trong tiêu sấy, nhưng họ có thể giải quyết vấn đề Salmonella dễ dàng, còn vấn đề Anthraquinon chỉ cần thay đổi công nghệ sấy và trong vài năm chắc chắn họ sẽ giải quyết xong. Lúc đó sẽ càng khó cho tiêu Việt Nam đặc biệt là đối với thị trường châu Âu.
Cuối năm 2023 căng thẳng ở biển Đỏ làm lộ trình và lịch tàu bị thay đổi và giá cước tăng đột biến. Lúc ký hợp đồng giá đi châu Âu khoảng 1.200-1.300 USD/cont, nhưng nay đã lên đến 5.500 USD/cont, lúc ký hợp đồng đi Mỹ giá cước khoảng 2.000-2.100 USD/cont, bây giờ lên 5.500-6.000 USD/cont, doanh nghiệp hồ tiêu bị thiệt hại từ 150-250 USD/tấn tiêu.
Biến đổi khí hậu cũng đe dọa đến năng suất của vườn tiêu, mặt khác, giá cà phê, sầu riêng đang tăng cao dẫn đến nguy cơ làm giảm diện tích và giảm sản lượng hồ tiêu trong tương lai, khiến "chiếc bánh" của ngành hồ tiêu ngày càng nhỏ đi, nhưng số lượng doanh nghiệp lại ngày càng tăng, đây sẽ là vấn đề cực kỳ khó khăn trong những năm tới.
Năm 2024 sẽ là một năm khó khăn lớn đối với ngành hồ tiêu Việt Nam, do lượng tồn kho từ năm 2023 chuyển qua ở mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây, sản xuất trong năm rồi đạt khoảng 180.000-190.000 tấn, nhưng đã xuất khẩu đến 264.000 tấn. Giữa tháng 11 giá tiêu tăng đến 90.000 đồng/kg nhưng doanh nghiệp xuất khẩu muốn gom vài trăm tấn hàng cũng không được, 2 yếu tố trên cho thấy lượng tiêu còn rất thấp trong dân.
Dự báo, năm 2024 sản xuất hồ tiêu ở các nước lớn như Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia, Brazil sẽ đạt mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây và cũng là năm sản lượng tiêu nhập khẩu về Việt Nam thấp hơn năm 2023 và các năm trước. Do Việt Nam nhập khẩu tiêu phần lớn từ Indonesia và Brazil, nhưng vụ mùa của Indonesia không tốt nên giá tiêu ngày càng đắt đỏ và cao hơn Việt Nam đến 1.000 USD/tấn, thị trường xuất khẩu của Indonesia là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc - những thị trường sẵn sàng trả giá cao để mua - vì vậy chỉ khi nào thừa hàng họ mới bán sang Việt Nam.
Brazil bán tiêu với giá rất cạnh tranh từ 300-500 USD/tấn, nên Việt Nam nhập khẩu tiêu từ nước này khá lớn. Năm nay tình hình hạn hán làm mất mùa nên nông dân Brazil không vội bán ra với giá rẻ. Brazil đang chào thấp hơn giá tiêu của Việt Nam từ 50-100 USD/tấn, với mức giá này không thể nhập về để chế biến bán có lời. Vì vậy, có thể khẳng định nhập khẩu tiêu trong năm 2024 sẽ thấp hơn năm 2023 và có thể thấp hơn trong vòng 5 năm trở lại.