Trung Quốc cấm các nhà đầu tư cho vay cổ phiếu trong thời gian bị hạn chế
Từ hôm nay, ngày 29/1/2024, việc cho vay các cổ phiếu bị hạn chế sẽ bị đình chỉ hoàn toàn.
Trong quyết định đưa ra vào ngày Chủ Nhật (28/1), Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) cho biết, bắt đầu từ thứ Hai (29/1), sẽ “đình chỉ hoàn toàn việc cho vay các cổ phiếu bị hạn chế bán” và cơ quan này cũng sẽ hạn chế “việc cho vay chứng khoán” kể từ ngày 18/3.
Các sáng kiến này đang được triển khai để “thực hiện khái niệm quản lý hướng đến nhà đầu tư và để tăng cường giám sát việc cho vay các cổ phiếu bị hạn chế”.
Các nhà phân tích cho biết, động thái này cho thấy nhiều chính sách hỗ trợ thị trường chứng khoán đại lục sẽ được công bố trong những tuần và tháng tới.
Kenny Ng Lai-yin, chiến lược gia tại Everbright Securities International, cho biết: “Trước đây, một số cổ phiếu do cổ đông ban đầu hoặc nhà đầu tư lớn nắm giữ bị hạn chế bán. Tuy nhiên, họ vẫn có thể bán số cổ phiếu này trên thị trường bằng cách cho vay số cổ phiếu nắm giữ của mình. Quy định mới này nhằm hạn chế tình trạng này, giúp giảm áp lực bán trên thị trường.”
Mặc dù chính sách này được kỳ vọng sẽ có “tác động tích cực đến thị trường”, nhưng tác động trực tiếp của nó có thể bị hạn chế vì hiệu quả hoạt động của thị trường chứng khoán phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm quan điểm của nhà đầu tư về nền kinh tế Trung Quốc, các vấn đề địa chính trị cũng như lãi suất toàn cầu, ông Ng nói.
Đầu tháng này, các nhà chức trách thông báo rằng nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,2% trong năm 2023, cao hơn dự kiến nhưng với tốc độ chậm nhất trong 3 thập kỷ, không tính thời kỳ đại dịch COVID-19.
Công ty nghiên cứu Capital Economics trụ sở tại London cho biết, trong năm nay, tiềm năng tăng trưởng vẫn còn yếu, đồng thời cho biết thêm nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã mất đà trong quý IV/2023.
Ông Ng nói thêm, những sáng kiến mới nhất chắc chắn sẽ cho các nhà đầu tư thấy rằng Bắc Kinh đang quyết tâm duy trì sự ổn định của thị trường và nâng cao niềm tin của nhà đầu tư.
Vị chiến lược gia này nói: “Tôi tin rằng sẽ có nhiều chính sách thuận lợi hơn trong tương lai để duy trì sự ổn định của thị trường ở đại lục”.
“Chúng tôi đã thấy đại lục tích cực thúc đẩy thị trường vốn kể từ nửa cuối năm ngoái và các chính sách hiện hành đều phù hợp với xu hướng này. Sự ổn định của thị trường đầu tư đại lục cũng đóng vai trò tích cực trong quá trình phục hồi kinh tế trong tương lai”.
Quan điểm này được chia sẻ bởi Chu Ling, nhà quản lý quỹ phòng hộ của Shanghai Shiva Investment tại trung tâm tài chính Trung Quốc đại lục.
Ông Chu cho biết: “Bằng cách đình chỉ cho vay các cổ phiếu bị hạn chế, cơ quan quản lý đang gửi thông điệp tới thị trường rằng nhiều biện pháp hỗ trợ chính sách sẽ được thực hiện để ngăn chặn sự sụt giảm của giá cổ phiếu”. “Động thái này nhằm hạn chế tình trạng bán khống nhằm ổn định thị trường yếu kém hiện tại”.
Ông nói thêm, các biện pháp thúc đẩy thị trường khác có thể bao gồm việc thành lập các quỹ bình ổn, tiếp tục cắt giảm thuế giao dịch trước bạ và yêu cầu các công ty và tổ chức nhà nước hạn chế bán phá giá cổ phiếu.
Thông báo của CSRC được đưa ra sau khi thị trường chứng khoán đại lục ghi nhận mức giảm mạnh trong năm nay. Ví dụ, chỉ số Shanghai Composite đóng cửa giao dịch ở mức 2.756,34 vào ngày 22 /1, thấp hơn khoảng 7,5% so với thời điểm đầu năm ở mức 2.962,28. Vào ngày giao dịch cuối tuần trước (ngày 26/1), chỉ số đóng cửa ở mức 2.910,22.
Tuy nhiên, bức tranh dài hạn vẫn rất tệ, với việc các cổ phiếu niêm yết ở Thượng Hải mất 1,45 nghìn tỷ USD giá trị kể từ mức đỉnh thị trường vào tháng 12/2021. Thị trường chứng khoán nước này đã giảm 4,2 nghìn tỷ USD so với cùng kỳ, theo dữ liệu thị trường.
Trong khi đó, Sở giao dịch chứng khoán Thâm Quyến giảm 9,8% vào ngày 22/ 1, khi kết thúc ngày giao dịch ở mức 8.479,55, so với 9.401,35 vào đầu năm. Chỉ số SHE đóng cửa giao dịch ngày 26/1 ở mức 8.762,33.
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc hôm thứ Tư tuần trước bất ngờ tuyên bố cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng từ ngày 5/2, đồng nghĩa với việc giải phóng 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ (140 tỷ USD) thanh khoản trên thị trường. Quyết định này được đưa ra theo lời kêu gọi của Thủ tướng Lý Khắc Cường về “các biện pháp mạnh mẽ” hơn để giúp ổn định thị trường chứng khoán.