Nhìn lại những chính sách tín dụng mang đậm ý nghĩa nhân văn
Những kết quả về tháo gỡ khó khăn vướng mắc, về sự phục hồi và tăng trưởng của doanh nghiệp, của nền kinh tế và sự ổn định kinh tế vĩ mô mang đậm dấu ấn chính sách tín dụng và tín dụng chính sách.
Trong sự phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các tổ chức kinh tế và người dân luôn nhận được hỗ trợ và tạo điều kiện về môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi để phát triển.
Đặc biệt, mỗi khi nền kinh tế gặp khó khăn do khủng hoảng, thiên tai, dịch bệnh… sự quan tâm, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển từ Chính phủ, từ các bộ, ngành, chính quyền địa phương càng thể hiện rõ nét.
Đối với hoạt động ngân hàng, để thực hiện nhiệm vụ của mình, trong suốt thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã sử dụng cơ chế chính sách như một nguồn lực quan trọng để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, phục hồi và tăng trưởng, trong những thời điểm khó khăn nhất của nền kinh tế như: tác động của khủng hoảng kinh tế toàn cầu (giai đoạn 2008-2013), do đại dịch lịch sử mang tên COVID-19 và sự suy giảm kinh tế, lạm phát cao tại một số nền kinh tế, khu vực kinh tế lớn (giai đoạn 2020-2023)…
Những kết quả về tháo gỡ khó khăn vướng mắc, về sự phục hồi và tăng trưởng của doanh nghiệp, của nền kinh tế và sự ổn định kinh tế vĩ mô mang đậm dấu ấn chính sách tín dụng và tín dụng của NHNN. Xét ở góc độ hỗ trợ doanh nghiệp, đặt trong điều kiện và yêu cầu của quy luật kinh tế khách quan, có thể nói nhiều chính sách tín dụng của NHNN thời gian qua và hiện nay là một chính sách hiệu quả, mang ý nghĩa nhân văn to lớn. Ý nghĩa đó phản ánh trên 4 phương diện chính sau:
Thứ nhất, NHNN sử dụng hiệu quả chính sách tín dụng góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ kép: đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong suốt thời gian qua. Nhiều cơ chế chính sách tín dụng riêng được áp dụng để phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên là động lực tăng trưởng kinh tế.
Trong đó, chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân theo Nghị định 55, là chính sách hiệu quả, thực hiện chủ trương lớn của Đảng về phát triển khu vực kinh tế này. Vốn tín dụng có đóng góp quan trọng vào những thành tích về bảo đảm an ninh lương thực; về xuất khẩu sản phẩm lĩnh vực nông lâm ngư nghiệp; về phát triển trang trại và nông thôn mới.
Chỉ tính riêng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, thành phố với cơ cấu kinh tế công nghiệp, thương mại dịch vụ là chủ yếu song kinh tế nông nghiệp vẫn được quan tâm phát triển theo chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ, gắn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp du lịch; nông thôn mới…. Dư nợ cho vay lĩnh vực này luôn chiếm khoảng 9% tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn. Riêng dư nợ cho vay theo Nghị định 55 đạt: 339 nghìn tỷ đồng, cho 1,66 triệu khách hàng, tăng 14,7% so với cuối năm 2022.
NHNN còn thực hiện chính sách lãi suất thấp cho những nhóm ngành lĩnh vực là động lực tăng trưởng kinh tế. Theo đó, NHNN thực hiện chương trình tín dụng cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng với lãi suất cho vay không quá mức lãi suất quy định hàng năm (hiện nay là 4%/năm), đối với 5 nhóm ngành lĩnh vực gồm: doanh nghiệp nhỏ và vừa; xuất khẩu; lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn; công nghiệp hỗ trợ và doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Riêng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, dư nợ cho vay hiện nay đạt khoảng 200 nghìn tỷ đồng, trong đó cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trên 60% tổng dư nợ cho vay chương trình này. Lãi suất cho vay thấp, cùng vòng quay tín dụng tốt, chương trình đã phát huy ý nghĩa và mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp.
Thứ hai, thực hiện các giải pháp tín dụng trực tiếp và chia sẻ để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn như: khủng hoảng, thiên tai, dịch bệnh; khó khăn kinh tế…, thông qua việc áp dụng cơ chế cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ; miễn giảm lãi suất cho vay.
Trong đó, việc áp dụng cơ chế cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ đã giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực trả nợ vay, tạo lập dòng tiền để duy trì và ổn định sản xuất kinh doanh. Việc giảm lãi suất cho vay giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí tài chính, chi phí lãi để bớt khó khăn hơn.
Ở góc độ quản trị, cả hai hoạt động này đều làm tăng chi phí cho tổ chức tín dụng (TCTD): chi phí trích lập dự phòng rủi ro; và giảm thu nhập để chia sẻ cùng doanh nghiệp người dân. Tuy nhiên trên hết, sẽ mang lại lợi ích và mục tiêu chung là hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn, từ đó hỗ trợ và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Điều này, mang đậm ý nghĩa nhân văn của chính sách, là sự sẻ chia của ngành Ngân hàng trong những lúc khó khăn của doanh nghiệp và người dân.
Theo đó, trong giai đoạn đại dịch lịch sử COVID-19 đã có hàng triệu lượt khách hàng doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh, với hàng triệu tỷ đồng dư nợ được cơ cấu lại nợ giữ nguyên nhóm nợ và nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh được miễn giảm lãi suất cho vay, duy trì được hoạt động sản xuất kinh doanh do tác động của đại dịch để ổn định và phát triển vượt qua khó khăn.
Thứ ba, chính sách tín dụng của Chính phủ, của NHNN góp phần bảo đảm an sinh xã hội; hạn chế và phòng ngừa tín dụng đen. Thông qua hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã góp phần quan trọng vào việc hỗ trợ cho người nghèo, người yếu thế có cuộc sống tốt hơn nhờ thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách; cũng như hỗ trợ kịp thời người lao động mất việc hoặc ngừng việc do thiên tai dịch bệnh, nhất là do ảnh hưởng từ đại dịch COVID -19, với những sự hỗ trợ rất nhân văn từ các chính sách….
Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, cho vay các chương trình tín dụng chính sách (qua NHCSXH) đạt 10.330 tỷ đồng, cho 183.749 khách hàng là người nghèo, có hoàn cảnh khó khăn (thuộc đối tượng chính sách) tăng 39% so với cuối năm 2022. Trong đó chương trình tín dụng cho vay giải quyết việc làm tiếp tục chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm 77% trong tổng dư nợ của NHCSXH thành phố. Thông qua chương trình, đối tượng chính sách có vốn để sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm, có thu nhập và cải thiện đời sống.
Thứ tư, sử dụng hiệu quả và linh hoạt công cụ điều hành kết hợp cải cách hành chính và vai trò tiên phong của các TCTD nhà nước thông qua việc triển khai các gói tín dụng ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp; hỗ trợ thị trường: như gói tín hỗ trợ 2% lãi suất của Chính phủ cho các nhóm ngành lĩnh vực chịu ảnh hưởng của đại dịch; gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân thuê để hỗ trợ thị trường bất động sản; gói tín dụng 15 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ và phát triển lĩnh vực lâm sản, thủy sản; gói tín dụng 20 nghìn tỷ đồng để cho vay tiêu dùng (thông qua hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng); cùng với các chương trình tín dụng khác như: cho vay bình ổn thị trường; cho vay kích cầu đầu tư với những cách làm hay, sáng tạo và hành động cụ thể.
Những chính sách, chương trình và hành động nêu trên của ngành Ngân hàng mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, vừa phát huy tác dụng của các quy luật kinh tế thị trường giúp thúc đẩy cạnh tranh, phát triển; vừa giúp khắc phục được những tồn tại hạn chế và đặc biệt là tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ kịp thời cho người dân và doanh nghiệp.