Xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc không còn là cuộc đua “song mã” giữa Việt Nam và Thái Lan
Từ tháng 4/2024, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc không còn là cuộc đua “song mã” giữa Thái Lan và Việt Nam mà có thêm sự góp mặt của Malaysia.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit) cho biết, từ tháng 4/2024, Malaysia được phép xuất khẩu sầu riêng tươi sang thị trường Trung Quốc, như vậy “cuộc chiến” giành lấy thị phần sầu riêng tươi ở thị trường Trung Quốc không còn là cuộc đua “song mã” giữa Thái Lan và Việt Nam mà có thêm sự góp mặt của Malaysia.
“Năm 2023, tại thị trường Trung Quốc chỉ có sầu riêng của Thái Lan và Việt Nam cạnh tranh nhau, sau này sẽ có thêm sầu riêng của Malaysia và cuộc chiến giành thị phần sẽ không còn là cuộc đua “song mã” giữa Thái Lan với Việt Nam. Khi đó người tiêu dùng Trung Quốc sẽ có nhiều sự lựa chọn, hàng của ai chất lượng ngon, rẻ họ sẽ mua nhiều hơn, và nhu cầu của thị trường đối với hàng Việt sẽ không còn mạnh như năm 2003", ông Nguyên phân tích.
"Để sầu riêng Việt Nam không bị sầu riêng Thái Lan, Malaysia cạnh tranh gay gắt người nông dân cần phải tăng cường đảm bảo an toàn chất lượng và đừng "hét" giá quá cao, khiến thương nhân Trung Quốc đi tìm thị trường khác có giá cạnh tranh hơn để mua hàng”, ông Nguyên gợi ý.
Tuy nhiên, nếu xét về yếu tố mùa vụ thì Việt Nam có lợi thế hơn, vào mùa Tết gần như chỉ còn sầu riêng tươi của Việt Nam bày bán ở Trung Quốc. Tại siêu thị Bắc Kinh trái sầu riêng Việt Nam đang có giá 350.000 đồng/kg, người Trung Quốc ngày càng thích sầu riêng nên nhiều người dùng sầu riêng làm quà biếu. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu đẩy mạnh luân canh thu hoạch sầu riêng nghịch vụ vào mùa Tết thì Việt Nam không khó đạt được những kỷ lục mới trong xuất khẩu sầu riêng sang thị trường tỷ dân này.
Hiện nay, khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch sầu riêng mùa nghịch, sau đó đến chính vụ, khi mùa sầu riêng ở đồng bằng sông Cửu Long kết thúc cũng là lúc Đông Nam Bộ vào vụ sầu riêng và tiếp theo là khu vực Tây Nguyên. Như vậy, có thể nói sầu riêng ở Việt Nam được thu hoạch quanh năm, đây là lợi thế rất lớn mà không nước nào có được. Thái Lan, Malaysia thậm chí Philippines (sản lượng không đáng kể) chỉ thu hoạch một vụ duy nhất trong năm.
Vinafruit dự kiến kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2024 đạt ít nhất 6 tỷ USD, trong trường hợp Cục Bảo vệ thực vật ký được Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh với Tổng cục Hải quan Trung Quốc thì kim ngạch sẽ tăng thêm 500 ngàn USD và đạt 6,5 tỷ USD.
“Trước đây Trung Quốc đã ký độc quyền xuất khẩu sầu riêng đông lạnh với Thái Lan, vì vậy, trước khi cho Việt Nam xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang họ phải rất cân nhắc. Ngoài ra, còn có những quy định về điều kiện kỹ thuật đông lạnh, kỹ thuật chất lượng đóng gói... và vấn đề quan trọng là giải trình như thế nào để khi Trung Quốc kiểm tra quy trình sản xuất họ thấy an toàn thực phẩm thì sẽ đồng ý ngay”, ông Nguyên nói.
Trong một diễn biến khác, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU vừa cho biết, Ủy ban châu Âu ngày 17/1/2024 đăng công báo cập nhật các biện pháp tăng cường kiểm soát chính thức và khẩn cấp tạm thời với hàng hóa nhập vào Liên minh châu Âu (EU). Trong đó, lần đầu cả sầu riêng tươi và đông lạnh của Việt Nam vào thị trường này bị đưa vào diện kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu ngay tại cửa khẩu, với tần suất 10%.
Cùng với sầu riêng, còn 2 mặt hàng khác của Việt Nam cũng vào diện chịu giám sát an toàn thực phẩm tại cửa khẩu là ớt chuông và mỳ ăn liền, với tần suất kiểm tra tương ứng 50% và 20%.
Trong khi đó, cập nhật mới giữ nguyên hai mặt hàng khác của Việt Nam là đậu bắp và thanh long trong phụ lục II, tức thêm yêu cầu giấy chứng nhận chất lượng, với tần suất kiểm tra tương ứng là 50% và 20% tại cửa khẩu EU.
Việt Nam không phải trường hợp cá biệt có hàng hoá bị siết chặt kiểm tra an toàn thực phẩm của EU. Quy định cập nhật lần này bổ sung hơn 100 mặt hàng cần kiểm tra ngay tại biên giới đến từ 27 nước. Quy định mới của châu Âu sẽ có hiệu lực 20 ngày sau ngày đăng công báo, tức khoảng đầu tháng 2/2023.